Giản dị làm nên điều vĩ đại

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, mỗi người dân Việt Nam lại bồi hồi xúc động ôn lại kỷ niệm về Bác Hồ với tất cả lòng thành kính và thương nhớ - Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc nhiều điều quý báu, trong đó có đức tính giản dị. Đức tính này của Bác vốn không cao siêu, xa vời, mà hết sức gần gũi, đời thường... Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nếu chỉ dừng ở việc học trong những lời nói của Bác là chưa đủ, mà chính những đức tính của Bác là bài học muôn đời để mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân rèn luyện, tu dưỡng.

BÀI 1:
HỌC BÁC, LẤY KHIÊM TỐN, GIẢN DỊ LÀM ĐẦU

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại không chỉ bởi những điều lớn lao, hay những thành quả cách mạng Người giành được cho dân tộc Việt Nam. Người cao đẹp, vĩ đại còn ở những điều giản dị, rất đỗi đời thường mà bất kỳ ai cũng có thể học tập và noi theo để hoàn thiện mình.

SỰ GIẢN DỊ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Không phải ngẫu nhiên mà các các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã khẳng định nhiều lần: Sự giản dị làm nên điều vĩ đại Hồ Chí Minh. Bởi sự giản dị của Bác bắt nguồn từ lối sống thương dân, vì dân. “Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị/ Màu quê hương bền bỉ đậm đà/ Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút” - 4 câu thơ trong bài “Sáng tháng năm” của nhà thơ Tố Hữu đã khái quát rõ sự giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một vị lãnh tụ đi vào tâm trí mỗi người dân với những hình ảnh hết sức đơn sơ, mộc mạc: bộ áo quần kaki bạc màu, trên ngực không gắn bất kỳ huân, huy chương nào; một đôi dép cao su mòn đi khắp năm châu bốn bể.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng và Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Tiến Điền tặng bằng khen cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải A cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn I (2022-2023)

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng và Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Tiến Điền tặng bằng khen cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải A cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn I (2022-2023)

Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị từ lúc bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước cho đến khi trở thành lãnh tụ. Khi ở vị trí là Chủ tịch nước, Bác vẫn ăn cơm độn khoai, độn sắn với tất cả cán bộ và nhân dân. Nơi ở của Bác cũng đơn giản là ngôi nhà sàn gỗ lợp ngói, có 2 phòng, mỗi phòng 10m2. Tự nhủ mình là công bộc của dân, Bác từng nói: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng ăn ngon, mặc đẹp thì không có đạo đức”. “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Trong quan hệ với mọi người, với đức tính giản dị đó, Bác luôn gần gũi, thân thiết, từ việc đi thăm nhà tập thể công nhân, nói chuyện với các cháu miền Nam, đi thăm, tặng quà các cụ cao niên… Trong ngoại giao, dù người đối thoại là nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ Đảng, chính khách, trí thức hay chỉ là người công nhân, nông dân bình thường, Bác cũng luôn chủ động trong ứng xử. Sự chủ động của Bác vừa đủ tự nhiên, bình dị, chân thành làm xóa nhòa mọi khoảng cách, đem lại hiệu quả cao.

Học Bác với đức tính giản dị, khiêm tốn, đó chính là động lực, kim chỉ nam để mỗi người thực hiện tốt hơn công việc,nhiệm vụ của mình. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh tận tâm với người bệnh

Học Bác với đức tính giản dị, khiêm tốn, đó chính là động lực, kim chỉ nam để mỗi người thực hiện tốt hơn công việc,nhiệm vụ của mình. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh tận tâm với người bệnh

Những điều giản dị, khiêm tốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những trải nghiệm cuộc sống thực tế, tích lũy tri thức và biểu hiện thành sự giản dị. Bởi “Giản dị là nỗ lực cao nhất của thiên tài”, “Vì một lẽ thường tình, Bác là Hồ Chí Minh”. Chính vì thế, học tập đức tính này của Bác vừa dễ lại vừa khó. Mỗi người phải dày công học tập, rèn luyện từ trong tư tưởng, nhận thức cho đến ứng dụng vào những việc làm cụ thể trong cuộc sống hằng ngày.

BÌNH PHƯỚC CHỌN TRỌNG TÂM HỌC VÀ LÀM THEO BÁC

Học tập và làm theo Bác, từ Chỉ thị 06 đến Chỉ thị 05 và đến nay là 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị luôn được Đảng bộ tỉnh Bình Phước quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo biên soạn chuyên đề hằng năm để triển khai thực hiện, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, đồng thời chọn các nội dung trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các nội dung học và làm theo Bác hằng năm cũng là những vấn đề hết sức gần gũi và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là chuyên đề toàn khóa và năm 2021 do Bộ Chính trị chỉ đạo biên soạn. Ngoài ra, có 4 chuyên đề do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo biên soạn từ năm 2022-2025, gồm: “Xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Bình Phước trong tình hình mới”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước trong sạch, vững mạnh”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Phước” và “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần; tiếp tục khơi dậy khát vọng xây dựng và phát triển tỉnh Bình Phước giàu đẹp, văn minh”.

Thực hiện mô hình “Mẹ đỡ đầu”, Ban Phụ nữ Công an tỉnh đang nhận đỡ đầu và chăm sóc 23 trẻ mồ côi. Trong ảnh: Trung tá Lê Thanh Huyền dạy thêm tiếng Anh cho các em vào buổi tối

Thực hiện mô hình “Mẹ đỡ đầu”, Ban Phụ nữ Công an tỉnh đang nhận đỡ đầu và chăm sóc 23 trẻ mồ côi. Trong ảnh: Trung tá Lê Thanh Huyền dạy thêm tiếng Anh cho các em vào buổi tối

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc, bài bản và có hệ thống. Từ đó, việc học và làm theo Bác đã thực sự lan tỏa sâu rộng ở mỗi cấp, ngành và trong từng cán bộ, đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân. Bằng quyết tâm, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy các cấp đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Trong tỉnh, kinh tế tiếp tục có sự phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng năm 2023 đạt 8,34%, đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và thứ 11 cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,4%; thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tăng mạnh…

“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bình Phước luôn kiên trì và thực hiện với nhiều phương pháp, cách làm cụ thể, đa dạng. Những mô hình tiêu biểu, những cá nhân điển hình là những tấm gương sáng ngời về học và làm theo Bác trên tất cả lĩnh vực… Họ là những minh chứng cụ thể cho việc học và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục và đi vào cuộc sống một cách bình dị như thế”.

Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ĐÀO THỊ LANH

Lan tỏa phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu luôn được Đảng bộ tỉnh quan tâm thực hiện. Hằng năm, mỗi tổ chức đảng, chi bộ phấn đấu xây dựng 1 mô hình tiêu biểu và 2 điển hình để lan tỏa, nhân rộng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.065 mô hình học tập và làm theo Bác từ cấp tỉnh đến cơ sở được nhân rộng, lan tỏa.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/65/157652/gian-di-lam-nen-dieu-vi-dai