Giản dị tình cha
Bố tôi cao chưa tới một mét sáu. Tôi và em trai cũng theo gen bố, từ bé đến lớn đều là đứa lùn nhất trong lớp. Chị em tôi nhiều lúc cảm thấy xấu hổ và bực tức về điều đó. Còn bố tôi thì lúc nào cũng vậy, chỉ cười hì hì rồi liên tục dỗ dành chúng tôi. Chúng tôi đôi khi quay ra trách yêu mẹ: 'Mà cũng tại mẹ hết, nếu như mẹ mà không lấy bố thì chắc chắn chúng con sẽ cao to rồi'.
“Thì ngay từ ngày đầu tiên bước chân về nhà chồng mẹ cũng có nhìn trực diện bố mày bao giờ đâu”, mẹ tôi vừa tiếp lời chúng tôi vừa lấy tay chọc mạnh vào lưng bố như muốn thể hiện sự bực tức. Tôi và em tôi từ trước đến nay đã quen với lập trường luôn đứng về phía mẹ tôi. Không phải do chúng tôi cố ý coi thường bố, mà do chúng tôi cảm thấy ông đúng là có chút vấn đề trong tính cách.
Bố tôi tính đã hay nói nhiều lại còn là người rất không thức thời. Những ý kiến của bố tôi thường không nhận được sự quan tâm của chúng tôi. Đã vậy, ông lại cứ hay nói. Chúng tôi không phải là không muốn giao tiếp với bố mà do những thứ ông nói chẳng đâu vào đâu, toàn những thứ vặt vãnh nghe đến nhàm tai.
Năm chúng tôi vào cấp hai, áp lực kinh tế gia đình ngày càng lớn, lúc đó trong làng có người ra ngoài làm xây dựng, mẹ tôi vội vàng nhờ người ta xem có việc gì cho bố tôi đi làm cùng. Bố rời gia đình rồi, tôi với em trai đều cảm thấy nhẹ cả người. Nhưng cả hai chúng tôi đều không thể đoán được, mới đến chỗ làm chưa bao lâu, bố tôi đã mua ngay một chiếc điện thoại di động cũ, khi không bận là ông lại gọi điện về ngay. Mẹ tôi bận không có thời gian nói chuyện với bố tôi, thế là ông lại lôi tôi và em trai ra hỏi đủ thứ chuyện. Tín hiệu điện thoại không tốt, lúc được lúc mất, chúng tôi về cơ bản không nghe rõ ông nói những gì. Nhưng bố tôi thì không, bất luận chúng tôi có nói gì hay không thì phía đầu dây bên kia, câu chuyện của bố tôi vẫn cứ đều đều.
Sau này mỗi lần ông gọi điện thoại, chị em tôi đều đùn đẩy nhau, hoặc ậm ừ cho qua chuyện, mặc kệ ở đầu dây bên kia bố tôi đang nói gì, đầu dây bên này, chúng tôi làm việc gì cứ làm. Lúc chúng tôi ở nhà thì bố tôi gọi điện thoại liên tục còn có thể chấp nhận được. Đằng này, tôi đi học trung học ở huyện ngoài, cách nhà xa, bài vở lại nhiều, thế mà ai ngờ vẫn cứ đều đặn một, hai ngày ông lại gọi điện thoại một lần cho tôi, rất chuẩn giờ.
Các cuộc điện thoại của bố tôi cuộc nào cũng chỉ một nội dung. Nào là hôm nay ăn gì hả con? Ngủ có được không? Bài vở có vất vả lắm không? Tôi nghe nhiều đến mức cảm thấy phiền phức. Lần nào tôi cũng trả lời ông: “Con đang đọc sách, thôi bố đừng gọi nữa!”. Mỗi lần trả lời điện thoại bố, tôi đều nói với giọng như vậy, thế mà ông không hề bực tức, chỉ cười hề hề rồi cúp điện thoại.
Thời gian lâu dần, bạn bè tôi đều biết tôi có một ông bố rất hay gọi điện thoại, họ lại còn tỏ ra rất ngưỡng mộ vì điều đó. Tôi tuyệt đối không bao giờ kể với bạn bè hoàn cảnh gia đình mình. Bạn bè tôi đa phần gia đình giàu có, xuất thân nông thôn như tôi rất ít. Tôi không tưởng tượng được sẽ thế nào nếu mọi người biết bố tôi chỉ là một ông thợ xây.
Một hôm, tôi đang học trên lớp thì bỗng nhiên bố tôi tìm đến trường. Khi giáo viên chủ nhiệm thông báo cho tôi tin này, tôi bất ngờ và lo lắng tới mức không thể thốt ra lời. Tôi chạy ra và nhìn thấy bố tôi đang đứng nép ở góc phía cổng trường. Ông mặc chiếc áo sơ mi trắng vẫn còn nguyên nếp gấp, cổ áo cũng chưa cắt mác. Tôi tỏ ra vô cùng bực tức, nói như hét lên: “Bố đến đây làm gì?”. Bố tôi rất lo sợ, ông nhìn tôi rồi vội vàng giãi bày: “Bố về nhà, đi qua trường con, nhớ con quá nên bố ghé vào thăm con một tí thôi”. Bố tôi bắt đầu giải thích, ông còn một mực muốn đưa tôi ra ngoài ăn cơm. Tôi đã từ chối ngay không chút do dự. Cuối cùng, có lẽ cảm thấy điều gì đó, bố tôi gượng gạo đưa cho tôi 100 đồng rồi ra về. Vừa đi, ông vừa cởi chiếc áo sơ mi ra rồi cẩn thận bọc kỹ lại cất đi. Tôi nhìn thấy chiếc áo may ô của ông có một chỗ rách rất to trên lưng. Tôi chợt động lòng, đang định gọi ông quay lại thì có đứa bạn chạy đến hỏi: “Ai đến thăm cậu đấy?”. Tôi vội trả lời qua loa lấy lệ rồi chạy đi ngay. Buổi tối gọi điện về nhà, tôi nổi cáu giận với bố. Tuy không nói rõ nhưng hình như bố tôi hiểu được điều gì. Từ đó về sau không thấy bố tôi qua trường, cũng không thấy bố tôi gọi điện thoại nữa.
Tháng 8 năm ấy, tôi nhận được giấy thông báo trúng tuyển đại học. Biết được học phí là 6.400 đồng, nếu tính cả những chi phí khác cũng phải mất khoảng 1 vạn đồng, mẹ tôi lo lắng. Bà bắt đầu phải bán thóc để dồn tiền cho tôi đi học. Mẹ tôi giục bố tôi tìm ông chủ để thanh toán lương. Đến cuối tháng 8, bố tôi vui mừng gọi điện về thông báo rằng ông chủ nói là chỉ cần nhìn thấy giấy trúng tuyển đại học, ông ấy không chỉ thanh toán hết tiền mà còn trả trước cho hai tháng lương. Ý của bố tôi là sẽ tự về để lấy giấy báo nhập học của tôi, nhưng lại tiếc mỗi ngày mất 70 đồng tiền công. Cuối cùng vẫn là mẹ tôi ra quyết định, bà bảo tôi sẽ mang giấy nhập học đến chỗ bố tôi.
Thời tiết cuối tháng 8 đã qua lập thu nên cũng không còn nóng bức, nhưng khi tôi lần tìm theo địa chỉ bố tôi nói đến được công trường xây dựng nơi bố tôi đang làm thì vẫn cảm nhận từng đợt nóng hầm hập. Những người đang làm việc trên công trường hầu như đều mặc một loại quần áo giống nhau, đó là những chiếc quần đùi và áo ba lỗ sờn cũ đến nỗi không thể phân biệt màu sắc. Trong số họ, người thì xẻ đá, người thì vận chuyển cát và xi măng, người thì đập cốt sắt... Tôi không thể biết bố tôi đang ở chỗ nào trên công trường đầy bụi bặm đó. Tôi rụt rè gọi: “Bố ơi!”. Trong những tiếng hỗn tạp của máy xây dựng, chẳng ai nghe được gì. Không còn cách nào khác, tôi đành gọi điện cho bố. Biết tôi đã đến, giọng bố đầy vui sướng, ông cố gắng hết sức nói thật to qua điện thoại cho tôi biết vị trí ông đang đứng. Tôi nhìn mãi mới thấy trên một giàn giáo cách chỗ tôi đứng không xa, có một người vóc dáng bé nhỏ, đang không ngừng khua khua tay ra hiệu. Cái nắng chói chang nơi công trường làm tôi không thể ngước mắt lên nhìn lâu, thế mà bố tôi vẫn đang làm việc ở đó, bé nhỏ giữa công trường đầy nắng và bụi bặm.
Nước mắt tôi cứ thế trào ra. Cả tòa nhà cao như thế, thời tiết nắng nóng như vậy, lần đầu tiên từ trong sâu thẳm, tôi cảm thấy xót xa cực độ. Bố tôi trèo xuống khỏi giàn giáo và chạy như bay đến trước mặt tôi, nhìn ông vừa thở hổn hển, nước mắt tôi không thể ngăn nổi, tôi khóc òa lên. Người đàn ông nhỏ bé mà từ trước tới giờ luôn bị mọi người trong nhà coi thường, né tránh, khổ thế nào cũng không ta thán, chỉ cười hì hì, đã bị những giọt nước mắt của tôi làm cho sợ hãi. Bố liên tục hỏi xem ai đã bắt nạt tôi. Nhìn bộ dạng của bố, tôi cố nín khóc để ông khỏi lo lắng.
Theo ý của mẹ tôi, khi lấy được tiền tôi phải về nhà ngay, nhưng bố cứ kiên quyết giữ tôi lại qua đêm, ông muốn mời bạn bè trên công trường tới uống chén rượu chúc mừng. Nếu như thường lệ, có lẽ tôi sẽ ngay lập tức trách ông lãng phí, nhưng bây giờ, nhìn các bác, các chú với những nụ cười hiền lành và nhìn dáng nhỏ gầy của bố, tôi đã đồng ý ở lại. Tối hôm đó, trong một quán vỉa hè, bố tôi gọi rất nhiều bia và đồ ăn. Bố tôi giới thiệu tôi với các chú, các bác cùng làm. Tôi rót bia cùng bố lễ phép tới mời mọi người. Họ đều vô cùng ngưỡng mộ nhìn bố con tôi. Lúc đó, người bố vốn thấp bé của tôi bỗng vụt cao lớn hơn bao giờ hết. Cùng bố đi chúc mọi người, tôi cảm nhận rõ sự tự hào trong từng lời nói và cử chỉ của bố. Khi đã ngà ngà say, bố tôi kéo tay tôi, những giọt nước mắt lăn xuống: “Con gái, con đã làm cho bố cảm thấy vô cùng tự hào về con!”. Mắt tôi cũng nhòe lệ. Các chú, các bác cùng công trường với bố xúm nhau bảo tôi rằng sau này nhớ phải hiếu thuận với bố tôi. Nói chuyện với các bác, các chú, tôi mới biết người đàn ông nhỏ bé ấy, để có được tiền đóng học phí cho tôi và em trai, ông đã sẵn sàng làm tất cả những gì mà người khác không muốn làm, những việc người khác thấy nguy hiểm. Bữa cơm kết thúc, các bạn bè của bố dần cũng về nghỉ ngơi. Bố tôi liêu xiêu dắt tay tôi đến một nhà nghỉ đã đặt trước. Ông kiểm tra đi kiểm tra lại xem đệm giường có thoải mái không và dặn tôi nhanh chóng nghỉ ngơi cho khỏi mệt. Tôi bảo bố ngồi xuống giường nghỉ ngơi một chút, ông cười hì hì rồi xua tay: “Không, quần áo bố bẩn lắm!”.
Tôi giả vờ bực mình đẩy bố tôi vào nhà vệ sinh bảo ông rửa chân tay, đợi ông ra, tôi đưa cho ông một bộ quần áo mặc nhà tôi mới mua, bảo bố tôi thay rồi nằm nghỉ một lúc. Bố tôi cũng đồng ý, bảo sẽ nằm nghỉ một chút thôi, nhưng chưa đầy mười phút bố đã ngủ say lắm, bắt đầu nghe tiếng ngáy. Tôi vào nhà vệ sinh giặt bộ quần áo bố thay ra. Những đợt nước xối xả dường như cũng không gột sạch nổi từng lớp dày bụi công trường trên bộ quần áo của bố tôi.
Đêm đã về khuya, mọi người chìm vào trong giấc ngủ say. Tôi ngồi bên giường nhìn bố đang ngủ ngon lành. Người đàn ông mà chúng tôi vẫn luôn khó chịu ấy, trên nét mặt như vẫn đọng lại niềm tự hào. Lòng tôi chợt lắng lại.
Truyện ngắn của CẦM ĐÀI (Trung Quốc) TƯỜNG VY (dịch)
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/gian-di-tinh-cha-614832