Giàn DK1 cắm mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam
Với ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, các cán bộ, công nhân viên Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro không bao giờ quên những ngày xây dựng các công trình nhà giàn DK1 đầu tiên trên bãi ngầm Tư Chính thuộc khu vực thềm lục địa Việt Nam.
Kể từ năm 1981 đến 1988, Vietsovpetro, doanh nghiệp liên doanh với Liên bang Nga (Liên Xô trước đây) về thăm dò và khai thác dầu khí ngoài thềm lục địa Việt Nam đã xây dựng được nhiều giàn khoan dầu khí quy mô lớn ngoài mỏ Bạch Hổ như các giàn MSP1, BK2, MSP 3, 4, 5, 6, CPP2... Vietsovpetro là doanh nghiệp đầu tiên tại miền Nam có cơ sở vật chất kỹ thuật có thể xây dựng các giàn khoan dầu khí lớn ngoài biển tới độ sâu 100m nước.
Xác định thềm lục địa Việt Nam có nhiều tiềm năng về dầu khí, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đã thực hiện tìm kiếm, thăm dò và khai thác, đồng thời phối hợp với Hải quân và Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền biển đảo tại các khu vực này.
Vào tháng 12-1988, khi đó tôi đang là Phó tổng giám đốc Vietsovpetro, cùng với ông Lê Quang Trung, Bí thư Ðảng ủy và ông Ðặng Minh Hồng, Chánh văn phòng Vietsovpetro, có một cuộc gặp đặc biệt xúc động với Thiếu tướng Ðào Ðình Luyện, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Thiếu tướng Nguyễn Bình, Chính ủy Bộ Tư lệnh Công binh, được nghe kể về tinh thần chiến đấu hết sức dũng cảm, ngoan cường và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ hải quân các tàu HQ 505 và HQ 604 trên các đảo Gạc Ma, Colin và Len Ðao gần đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sau cuộc gặp đó, chúng tôi ý thức được nhiệm vụ quan trọng là Vietsovpetro phải phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng các giàn DK1 (Cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật) trên những bãi ngầm san hô để xác định chủ quyền Việt Nam đối với khu vực thềm lục địa gần quần đảo Trường Sa. Ðồng chí Ðào Ðình Luyện cũng cho biết, hiện Bộ Quốc phòng không có ngân sách và ngoại tệ để mua sắt thép, cũng như kinh phí cho việc thi công các công trình này.
Ðể xây dựng 2 giàn DK1, tôi đã đặt vấn đề với phía Nga xin được sử dụng các ống chống khoan bằng thép đường kính lớn và các đoạn chân đế giàn khoan có sẵn, còn thừa trong kho vật tư; sử dụng tàu cẩu NPK với 2 tàu dịch vụ Sao Mai 01 và Phú Quý trong thời gian 10 ngày để thi công công trình. Ðề nghị này được phía Nga đồng tình.
Tháng 2-1989, Vietsovpetro thành lập Ban Dự án DK1 gồm các thành viên bộ máy điều hành và các doanh nghiệp trực thuộc, tôi được cử làm Trưởng ban chỉ đạo; ông Lê Quang Trung, Bí thư Ðảng ủy, Phó ban chỉ đạo; ông Trần Sỹ Phiệt, Trưởng phòng Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế của Vietsovpetro (NIPI), Phó ban điều phối; ông Nguyễn Trọng Nhưng, Phó giám đốc Cục Xây lắp, Phó ban chỉ đạo, phụ trách thi công; ông Ðặng Hữu Quý, Phó chánh kỹ sư Viện NIPI, Chủ nhiệm thiết kế công trình; ông Lâm Quang Chiến, Trưởng phòng Viện NIPI, Trưởng ban khảo sát; ông Trần Thanh Quang, Trưởng phòng Cục Xây lắp, Phó ban thi công ngoài biển và ông Nguyễn Văn Thạc, Phó giám đốc Cục Vận tải biển làm Phó ban tàu thuyền thi công ngoài biển.
Khu vực thềm lục địa Việt Nam (kể cả các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) là vùng biển chịu nhiều ảnh hưởng của các cơn bão lớn. Hằng năm, từ tháng 6 đến tháng 2 liên tục có các cơn bão với sức gió mạnh nhất lên tới 160 km/h, sóng biển cao 9-10m, khu vực các bãi đá ngầm có mực nước 7-25m, chủ yếu là đá san hô có độ rỗng lớn, giòn dễ vỡ, khả năng gắn kết vật liệu thấp. Dòng chảy khu vực các bãi ngầm rất mạnh, nhiều luồng phức tạp, nên việc xây dựng các nhà giàn gặp rất nhiều khó khăn, ngay từ khâu thiết kế phương án kết cấu móng công trình.
Bãi ngầm Tư Chính nằm ở khoảng từ 07029’03’’ đến 07033’20’’ Vĩ Bắc, 109037’30’’ đến 109054’58’’ Kinh Ðông, nằm kề các lô dầu khí 133-136 và 155-158 trong khu vực Bể Tư Chính - Vũng Mây, cách Vũng Tàu khoảng 230 hải lý về phía Đông Nam. Bãi ngầm Tư Chính có vị trí rất quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế biển và quản lý chủ quyền vùng biển Việt Nam. Phạm vi bãi ngầm ở trong khoảng độ sâu 14-200m, dài khoảng 50km, nơi rộng nhất khoảng 13km, hình lưỡi liềm phát triển dài theo hướng Ðông Bắc - Tây Nam. Các khu vực lân cận có mực nước rất sâu khoảng 500-1.500m.
Với kinh nghiệm thiết kế và xây lắp các giàn khoan dầu khí tại vùng mỏ Bạch Hổ ở độ sâu nước biển 50m, Vietsovpetro đã nhận đảm nhiệm xây dựng 2 nhà giàn DK1 đầu tiên trên bãi ngầm Tư Chính, là nhà giàn Tư Chính A (Tư Chính 1 hay còn gọi là DK1/1) và nhà giàn Tư Chính B (Tư Chính 2, hay còn gọi là DK1/2). Yêu cầu cấp bách là nhà giàn DK1/1 và DK1/2 tại Tư Chính cần phải hoàn thành trong năm 1989, đồng thời cùng với 2 nhà giàn do Bộ Giao thông vận tải xây dựng trên các bãi cạn Phúc Tần và Ba Kè là DK1/3 và DK1/4.
Ý thức được vai trò rất quan trọng của các nhà giàn, để bảo đảm tính bền vững trước các cơn bão lớn, công tác xử lý nền móng được đặt lên hàng đầu. Ban Tổng giám đốc đã cùng các phòng trong bộ máy điều hành và các kỹ sư thiết kế của Viện NIPI, trên cơ sở các bản đồ hàng hải và mặt bằng khu vực bãi ngầm Tư Chính, tìm và xác định vị trí thích hợp cho công tác khảo sát sơ bộ khu vực dự kiến xây dựng các nhà giàn.
Vietsovpetro đã điều tàu Phú Quý tiếp cận Bãi Tư Chính, đo đạc sơ bộ địa hình, bình đồ đáy biển khu vực các bãi ngầm, dựa trên cơ sở hướng bão, thủy triều và dòng chảy, phác thảo, tính toán nhiều mô hình kết cấu nhà giàn sử dụng cọc thép, mô hình cọc thép kết hợp trọng lực hoặc có dây neo liên hoàn nhằm hoàn thiện các kết cấu cùng các biện pháp thi công ngoài biển với mục tiêu tiến độ phải nhanh, bí mật, bảo đảm chất lượng và an toàn công trình.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, Vietsovpetro đã kiến nghị xây dựng 2 nhà giàn theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, xây nhà giàn Tư Chính 1 - DK1/1, đồng thời thực hiện khảo sát kỹ thuật khu bãi ngầm Tư Chính, bao gồm đo đạc các thông số khí tượng hải văn và khoan địa chất công trình phục vụ xây dựng nhà giàn Tư Chính 2 - DK1/2. Giai đoạn 2, hiệu chỉnh thiết kế nền móng và hoàn thành xây dựng nhà giàn Tư Chính 2 ngay trong năm 1989.
10 giờ ngày 15-6-1989, Ðoàn công tác xây dựng nhà giàn DK1 của Vietsovpetro khởi hành bao gồm 3 tàu NPK-547, Sao Mai 01 và tàu kéo Phú Quý, các chỉ huy tàu, chỉ huy thiết kế, khảo sát, thi công với 55 thành viên thủy thủ đoàn của 3 tàu và đội công nhân xây lắp. Nhà giàn DK1 với 4 ống trụ bằng thép cao 35m được chế tạo sẵn trên bờ, lắp thành 3 khối trên mặt boong tàu NPK.
Sau 3 ngày đêm định vị, khoan xuống tầng đáy san hô lấy mẫu đất đá nền móng, hạ đặt khối chân đế, đóng các cọc thép D326 xuyên qua 4 trụ thép tới độ sâu ngập trong đá san hô từ -10 đến -12m, chúng tôi lắp khung nối và khối nhà ở bên trên, lắp đặt hệ thống cầu thang và bến cập tàu rồi tiến hành bơm trám xi măng toàn bộ 4 cọc thép. Với những trăn trở, tìm tòi đầy sáng tạo, đây là mẫu kết cấu nhà giàn DK1 tối ưu nhất và sau này đã được ứng dụng định hình cho tất cả các nhà giàn DK1 trên Biển Ðông.
15 giờ 45 phút ngày 17-6-1989, cờ đỏ sao vàng khổ lớn do chúng tôi may sẵn 2,5x3,75m đã phần phật bay cao trên nóc giàn DK1/1 giữa vùng trời Tổ quốc Việt Nam nơi trùng khơi Tư Chính - Trường Sa, đánh dấu một cột mốc chủ quyền của đất mẹ Việt Nam vĩnh viễn không thể đổi dời cho muôn đời con cháu mai sau.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gian-dk1-cam-moc-chu-quyen-bien-dao-viet-nam-545611.html