Gián đoạn nghiên cứu Bắc Cực gây lo ngại
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang gây ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực, và một trong số đó là sự gián đoạn trong hợp tác khoa học ở Bắc Cực.
Theo tạp chí “Bulletin of the Atomic Scientists”, năm 2008, nhà sinh vật học Eric Regehr và các đồng nghiệp của ông tại Cục Quản lý Động vật Hoang dã và Cá, một cơ quan chính phủ liên bang Mỹ thuộc Bộ Nội vụ, đã bắt đầu nghiên cứu gấu Bắc Cực từ phía biển Chukchi, trải dài từ Alaska đến Nga.
Tuy nhiên, khi khu vực này ấm lên, và lớp băng biển ngày càng mỏng đi ở bờ biển Alaska khiến việc hạ cánh bằng trực thăng trở nên không an toàn, Eric Regehr biết rằng mình sẽ cần tìm một căn cứ khác để nghiên cứu về gấu Bắc Cực.
Đảo Wrangel xa xôi của Nga là một giải pháp thay thế lý tưởng: Một tỷ lệ lớn gấu Bắc Cực trú ẩn ở đây trong suốt mùa hè và Liên bang Nga, vào năm 2000, đã ký một thỏa thuận với Mỹ để bảo vệ quần thể này. Sau hai năm gián đoạn vì COVID-19, Regehr, hiện làm việc tại Đại học Washington, háo hức quay lại nghiên cứu của mình ở đảo Wrangel. Tuy nhiên, khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng 2/2022, kế hoạch của ông đột ngột thay đổi. Hầu hết các chính phủ, trường đại học, viện nghiên cứu và nhà khoa học phi lợi nhuận làm việc với các đồng nghiệp Nga cũng vậy. Đột nhiên, gần như mọi nỗ lực hợp tác quốc tế với Nga ở Bắc Cực - từ nghiên cứu về gấu bắc cực và cá voi đến nghiên cứu về đánh bắt cá thương mại, sự tan băng, sinh thái đất than bùn và cháy rừng - đều bị đình trệ.
Thời điểm nguy cấp
Việc tạm ngừng hợp tác khoa học diễn ra vào thời điểm bấp bênh đối với Bắc Cực. Những rủi ro về môi trường liên quan đến sự tan băng, ô nhiễm và vận chuyển đang gia tăng. Nga và các quốc gia Bắc Cực khác đang đề xuất các đường ranh giới mới dọc theo thềm lục địa để mở rộng yêu sách của họ đối với đáy biển Bắc Băng Dương. Và các đầm than bùn đang bị khô hạn sau một năm cháy rừng kỷ lục ở miền bắc nước Nga làm tăng đáng kể lượng khí thải nhà kính của Nga - vốn là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ tư thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc đang tăng cường lợi ích kinh tế của mình ở Bắc Cực.
Nga cũng có mối liên hệ mật thiết với Tổ chức Hàng hải Quốc tế và Tổ chức Khí tượng Thế giới - tổ chức cung cấp khuôn khổ hợp tác quốc tế về thời tiết, khí hậu và chu trình nước ở cả Bắc Cực và trên toàn cầu. Và họ cũng đóng vai trò quan trọng trong Hội đồng Bắc Cực, diễn đàn liên chính phủ hàng đầu thúc đẩy hợp tác giữa tám quốc gia Bắc Cực.
Giờ đây, phần lớn hoạt động hợp tác quốc tế này đang bị tạm dừng, một phần vì bảy quốc gia khác thuộc Hội đồng Bắc Cực đã ngừng liên lạc với Nga. Các dự án khác đã bị dừng hoàn toàn do các nhà khoa học chính phủ Nga không được tiếp cận các quỹ quốc tế, chuyên môn và cơ sở hạ tầng cần thiết để duy trì công việc chung của họ.
Evan T. Bloom, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Wilson, ở Washington, D.C, lưu ý rằng việc mất đi sự hợp của Nga, với tư cách là một cộng tác viên và một thành viên tích cực của Hội đồng Bắc Cực, là rất nghiêm trọng, bởi nước này sở hữu một nửa diện tích đất liền của Bắc Cực, có quyền tài phán đối với hầu hết Bắc Băng Dương, là nơi cư trú của gần một nửa dân số Bắc Cực và giám sát hầu hết sự phát triển kinh tế của khu vực.
Cuộc chiến ở Ukraine cũng ngăn chặn nhiều sự hợp tác về khí hậu ở Nga. Nga có diện tích đất than bùn lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Là nơi tích trữ carbon có tầm quan trọng toàn cầu, nhiều vùng đất than bùn đã bị suy thoái nặng nề do khai thác mỏ, nông nghiệp, lâm nghiệp và phát triển dầu khí. Và biến đổi khí hậu đã khiến các vùng đất này dễ xảy ra nạn cháy rừng.
Khó khăn phía trước
Sau cuộc chiến Nam Ossetia năm 2008 và việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Hội đồng Bắc Cực đã tìm ra cách vượt qua các cuộc khủng hoảng mà không cần cắt đứt liên lạc với Nga. Các tổ chức phi lợi nhuận có văn phòng hoặc có quan hệ mật thiết với Nga đã giúp duy trì các kênh hỗ trợ mở khi Hội đồng Bắc Cực “không sẵn sàng” hoặc không thể. Ví dụ, sau khi Nga sáp nhập Crimea, Quỹ từ thiện Pew đã thuyết phục Nga, Mỹ, Canada, Iceland và các quốc gia khác gặp nhau tại Thượng Hải vào năm 2015 để thảo luận về Hiệp định Nghề cá Bắc Cực được đề xuất.
Tuy nhiên, Clive Tesar, cựu giám đốc truyền thông và quan hệ đối ngoại của Chương trình Bắc Cực Toàn cầu thuộc Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới, cho rằng tình hình ngày nay hoàn toàn khác. Nhiều kênh trong số đó hiện đã bị đóng cửa và bảy quốc gia khác thuộc Hội đồng Bắc Cực không còn liên lạc với Nga. Hiện chưa rõ sự hợp tác quốc tế ở cấp độ phi chính phủ có thể tiến triển như thế nào.
Evan Bloom, người đã giúp thành lập Hội đồng Bắc Cực và từng là nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ trong việc thành lập khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới ở Biển Ross của Nam Cực, lưu ý rằng tương lai của nghiên cứu về Bắc Cực “không phải hoàn toàn u ám”. Nghiên cứu đa phương về Bắc Cực sẽ tiếp tục ở Canada, Alaska, Greenland và ở Ny-lesund trên đảo Spitsbergen của Na Uy.
Tuy nhiên, Bloom nói rằng Hội đồng Bắc Cực là một diễn đàn hoạt động dựa trên sự đồng thuận, và “không có gì sẽ tiến triển ở đó trừ phi tất cả các bên đồng ý”. Nếu tình hình ở Ukraine trở nên tồi tệ hơn, thì “có khả năng việc quản lý Bắc Cực trở nên tồi tệ hơn nhiều”. Ngay cả khi Hội đồng Bắc Cực tìm ra cách hòa giải với Nga, hoặc tạo ra một con đường khác phía trước, thật khó để tưởng tượng cộng đồng nghiên cứu sẽ trở lại bình thường như trước chiến tranh.