Gian dối thông tin bất động sản

Thời gian gần đây, một số chủ đầu tư dự án bất động sản đã bị xử lý vi phạm, thậm chí truy tố hình sự vì gian dối thông tin, làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi khách hàng. Thực trạng này có nguyên nhân từ sự thiếu minh bạch của thị trường bất động sản, người dân ít có nguồn thông tin để tham khảo, đối chứng.

Có những dự án bất động sản dù đã đi vào vận hành nhiều năm, người dân đã ở ổn định nhưng sau đó mới vỡ lẽ ra là xây dựng sai phép. Ngoài ra còn có những sai phạm khác, đơn cử như chưa nộp tiền sử dụng đất, mang dự án đi thế chấp để vay vốn ngân hàng nhưng chưa trả hết nợ, tự ý thay đổi quy hoạch mà chưa được chấp thuận... Điều trớ trêu là khi mua nhà ở các dự án này, người dân đều không được biết đến những thông tin xác thực về tình trạng pháp lý, tài chính của dự án. Từ chủ đầu tư đến môi giới, sàn giao dịch đều vẽ ra bức tranh đẹp đẽ để người mua nhà yên tâm đóng tiền. Đến lúc dự án bị phanh phui sai phạm thì sự đã rồi, nhà đã bàn giao, người dân đã vào ở. Vướng mắc, tranh chấp kéo dài khi người dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Nhiều dự án khi mua nhà, người dân không được biết đến những thông tin xác thực về tình trạng pháp lý, tài chính của dự án. Ảnh minh họa/TTXVN

Nhiều dự án khi mua nhà, người dân không được biết đến những thông tin xác thực về tình trạng pháp lý, tài chính của dự án. Ảnh minh họa/TTXVN

Với mong muốn giúp thị trường bất động sản công khai, minh bạch hơn, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang đề xuất quy định bắt buộc giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai phải thông qua sàn giao dịch, môi giới bất động sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động của sàn giao dịch, môi giới bất động sản thường không bảo đảm khách quan, bị phụ thuộc, chi phối bởi chủ đầu tư dự án. Nếu quy định này được ban hành có thể phát sinh thêm chi phí, thủ tục cho người mua nhà trong khi hiệu quả chưa thấy rõ. Do vậy, thay vì tạo thêm thủ tục không cần thiết, nên quy định cụ thể hơn nữa vai trò, vị trí pháp lý của các thành phần trung gian này trong việc bảo đảm tính xác thực thông tin. Nếu cố tình gian lận, bắt tay với chủ đầu tư để lừa dối khách hàng thì tổ chức, cá nhân môi giới cũng phải chịu hình thức xử lý tương xứng.

Không chỉ khi mua bán tại dự án bất động sản mà với nhiều sản phẩm, dịch vụ khác, người tiêu dùng đang gặp phải tình cảnh "cầm dao đằng lưỡi", mua hàng hóa nhưng không nắm rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần, chất lượng. Để thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về công bố thông tin, phòng ngừa rủi ro cho khách hàng và ngăn chặn hành vi trục lợi, cần xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần chú trọng công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, thậm chí tước giấy phép, chấm dứt hoạt động với những đơn vị làm ăn gian dối. Đối với dự án bất động sản, bên cạnh thông tin do chủ đầu tư cung cấp, cần có thêm kênh đáng tin cậy từ cơ quan chức năng để đối chứng, so sánh, nhất là về quy hoạch, cấp phép, nghĩa vụ tài chính và các thủ tục khác liên quan. Điều này giúp trang bị công cụ để người dân tự bảo vệ quyền lợi cho mình. Đồng thời cần hướng đến chuyên nghiệp hóa từng khâu trong quy trình triển khai dự án, gắn liền với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, hiệu quả của thị trường bất động sản.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/gian-doi-thong-tin-bat-dong-san-726229