Gian khổ đến mấy cũng không từ chối cứu chữa bệnh nhân COVID-19
Với quy mô 500 giường hồi sức cấp cứu người bệnh COVID-19 (hiện đang có hơn 340 bệnh nhân nặng), Bệnh viện Nhân dân 115 TP Hồ Chí Minh vừa căng mình giành giật sự sống cho các ca bệnh chuyển biến nặng vừa điều trị các bệnh thông thường.
Tuyến y tế địa phương nhập cuộc từ đầu
Tất bật với bệnh nhân suốt nhiều tháng qua, làm việc với cường độ cao, BSCKII Trần Văn Sóng - Phó GĐ Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết: Đây là một trong những tuyến điều trị COVID-19 cao nhất trực thuộc Sở Y tế TP.HCM. Chúng tôi nhập cuộc điều trị từ rất sớm với tất cả tinh thần và trách nhiệm lẫn sự lo âu của thầy thuốc. Có thời điểm bệnh nhân đổ dồn lên rất nhiều, xuyên ngày đêm cả hệ thống bệnh viện đôn đáo lo tiếp nhận, chăm sóc, điều trị".
Thông tin với đoàn công tác Bộ Y tế trong cuộc làm việc ngày 14/9 do Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê dẫn đầu, GĐ Bệnh viện Nhân dân 115, TS-BS Phan Văn Báu khẳng định: "Gian khổ đến mấy chúng tôi cũng không từ chối người bệnh. Có những ngày mưa như trút nước, bệnh nhân COVID-19 cấp tập đổ về, thầy thuốc vẫn hối hả tiếp nhận, cứu chữa. Chúng tôi luôn sát cánh cùng người bệnh".
Phân luồng, sàng lọc tốt ngay từ đầu
Ngay từ 8/4 đến 27/7 đã triển khai 50 giường hồi sức cho bệnh nhân COVID-19. Từ 28/7 khi diễn biến dịch căng thẳng, số ca nhiễm và chuyển nặng tăng theo thì bệnh viện đã triển khai 200 giường hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19. Trong đó có 50 giường thở máy cho bệnh nhân nặng, nguy kịch và 150 giường thở oxy. Bất kể ngày đêm bệnh nhân được chuyển đến liên tục.
Trước nhu cầu bức thiết của thực tế, từ 26/6 đến nay Bệnh viện đã triển khai 500 giường hồi sức cấp cứu. Dồn toàn lực cho khu điều trị bệnh nhân COVID-19. Để cứu các ca bệnh nguy kịch, hàng loạt khoa đã chuyển đổi công năng. Cùng với đó, huy động tối đa các y bác sĩ tập trung cứu bệnh nhân COVID-19.
Điều trị tốt cho bệnh nhân COVID-19
Duy trì song song hai "mặt trận" điều trị COVID-19 và bệnh nhân thông thường, TS-BS Phan Văn Báu chia sẻ: Phải giữ vững tinh thần và nỗ lực rất nhiều. Ngoài bệnh nhân COVID-19, số bệnh nhân nặng phải chạy thận, ghép thận, lọc màng bụng… bệnh viện đang cứu chữa rất nhiều, mỗi ngày 300-400 người. Còn có khoảng 500 bệnh nhân đến khám chữa các bệnh khác. Bên cạnh đó Bệnh viện còn quản lý Bệnh viện Dã chiến ở Bình Chánh với 2.000 bệnh nhân và cử một đội xuống huyện Cần Giờ thiết lập Khoa hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 nặng…
Đã có nhiều tín hiệu tích cực
Nêu bật tầm quan trọng của điều trị bệnh nhân COVID-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định: Bộ Y tế luôn quan tâm đặc biệt đến việc cứu chữa cho bệnh nhân. Luôn trân trọng và khích lệ nhân viên y tế. Các máy móc hiện đại, phác đồ điều trị hiệu quả đưa ra đã giảm thiểu tử vong ở TP.HCM. Với những cơ sở điều trị đông bệnh nhân nặng và nguy kịch như Bệnh viện Nhân dân 115 thì cần chú trọng hơn nữa việc sàng lọc, hội chẩn từ xa. Bệnh nhân chuyển nhẹ có thể đưa về tầng dưới để tránh quá tải.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115, đến nay đã có máy ECMO, lọc máu, 67 máy thở, 46 máy HFNC, 55 máy Monitor…Hiện có 40m3 oxy bao gồn 2 bồn oxy lỏng 10m3 và 1 bồn 20m3. 500 giường đều có cổng oxy, trong đó có 111 giường có cổng oxy-nén-hút, 700 máy tạo oxy sẵn sàng đáp ứng nhu cầu…
PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Các bệnh viện phải luôn sẵn sàng điều trị bệnh nhân COVID-19
Các cơ số thuốc, vật tư y tế phục vụ cho cấp cứu, điều trị bệnh nhân chuyển biến nặng cơ bản đã được chuẩn bị sẵn sàng. Từ việc áp dụng các phác đồ chuẩn theo Bộ Y tế, đến nay đã có nhiều tín hiệu đáng mừng. Các ca tử vong, chuyển nguy kịch liên tục giảm mạnh ở Bệnh viện Nhân dân 115.
Trong tổng số 3.618 bệnh nhân đã tiếp nhận thì điều trị khỏi, cho xuất viện 407 bệnh nhân vừa và nặng, điều trị giảm nhẹ và chuyển xuống tầng dưới 1024 bệnh nhân…Nhờ kết hợp các tuyến dưới để hội chẩn và sàng lọc tốt nên các ca bệnh đưa lên đã được tiếp nhận, điều trị tích cực ngay từ đầu.
Ngoài Bệnh viện Nhân dân 115, nhiều bệnh viện điều trị COVID-19 khác ở TP.HCM cũng đã giảm dần ca tử vong và chuyển biến nặng. Đặc biệt, công tác chăm sóc, phát thuốc ngay từ khi được phát hiện nhiễm được tiến hành đầy đủ từ xã, phường và F0 tại gia đình.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đến ngày 14/9 đang điều trị 39.290 bệnh nhân, trong đó có 2.942 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.616 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 13/9 có 2.553 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ đầu năm 2021 đến nay là 152.894 bệnh nhân. Cùng với điều trị, TP.HCM tăng tốc tiêm vacine. Tính đến 13/4 đã tiêm 6,5 triệu mũi 1, trên 1,3 triệu mũi 2.