Gian khó Pờ Sì Ngài
Mấy năm trước, để đến thôn Pờ Sì Ngài, từ trung tâm xã Pa Cheo ngược ra xã Bản Xèo (Bát Xát) rồi đi vào sẽ thuận tiện hơn. Từ ngày 8/12/2021, thôn Pờ Sì Ngài được nhập vào xã Bản Xèo. Đến nay, ngoài một số người dân địa phương, thì rất ít người biết đến bản Mông hẻo lánh này.
Những cặp lồng cơm trắng
Dù đã giữa tháng Tư, nhưng buổi sáng ở Pờ Sì Ngài vẫn lạnh và mờ ảo trong sương. Nhìn từ xa, thôn Pờ Sì Ngài nằm giữa lòng chảo và triền núi đá bao quanh với những ngôi nhà nhỏ ẩn hiện trong những lùm cây xanh. Nổi bật trong khu dân cư là điểm Trường Tiểu học Pờ Sì Ngài được xây cấp 4 với 4 phòng học quét sơn vàng, mái lợp tôn màu đỏ.
Gần trưa, khi tiếng trống tan học vang lên, các học sinh người Mông túa ra cổng trường, một số em chạy về nhà, một số em vẫn ở lại lớp học. Chưa kịp chuẩn bị bữa cơm trưa cho mình, hai cô giáo trẻ Đinh Minh Hải và Lý Thị Xúa tất bật vào bếp nấu nồi mì tôm rồi mang lên lớp học. Trong lớp, gần chục học sinh ngồi theo từng bàn, em nào cũng bỏ cặp lồng cơm ra bắt đầu bữa ăn trưa.
Nhìn những cặp lồng cơm nguội ngắt của lũ trẻ lớp 1, lớp 2, tôi nghẹn lòng. Em Phàn Thanh Dung, lớp 1 có bữa ăn “sang” nhất lớp vì trong cặp lồng có vài miếng thịt lợn rang. Em Hầu Thị Lan, lớp 2 thì được bố mẹ chuẩn bị cho 3 miếng cá mắm. Những học sinh khác chỉ có cơm trắng và rau luộc. Được cô giáo cho thêm mì tôm để ăn, em nào cũng phấn khởi, thoắt cái lũ trẻ đã ăn hết veo.
Cô giáo Đinh Minh Hải tâm sự: Điểm trường Pờ Sì Ngài có 31 học sinh lớp 1, lớp 2, đều là dân tộc Mông. Năm học trước, khi thôn Pờ Sì Ngài còn thuộc xã Pa Cheo, học sinh vẫn được một tổ chức thiện nguyện hỗ trợ bữa ăn trưa. Nhưng từ khi sáp nhập vào xã Bản Xèo, không còn khoản hỗ trợ nên đa số các em phải mang cơm đến lớp ăn. Vì gia đình các em rất khó khăn nên bố mẹ chỉ lo cho con được cơm và rau. Một số học sinh như Hầu Thị Xéo, Sùng Thị Si, Lý A Công còn thường xuyên không có cơm mang đến lớp, nên cô giáo san sẻ bữa ăn trưa của mình với các em.
- Vậy tỷ lệ chuyên cần của điềm trường thế nào?- Tôi hỏi.
Cô giáo Hải chỉ lên đỉnh núi đá mờ sương phía xa xa bảo, trước đây thôn Pờ Sì Ngài ở dưới đỉnh núi đá đó, do nguy cơ sạt lở nên năm 2009, người dân trong thôn được Nhà nước hỗ trợ di chuyển ra vị trí hiện nay. Tuy vậy, nhiều hộ vẫn quay lại thôn cũ sản xuất, đưa cả con đi theo. Những hôm trời mưa, đường trơn, lớp vắng vì học sinh đến muộn hoặc nghỉ học. Thôn chỉ cách trung tâm xã Bản Xèo khoảng 3 km, nhưng không có sóng điện thoại, việc liên lạc với phụ huynh rất khó khăn.
Ra ngõ gặp hộ nghèo
Lần đầu đến Pờ Sì Ngài, chỉ cần nhìn quang cảnh thôn cũng cảm nhận được sự khó khăn. 100 hộ người Mông sống trong một lòng chảo núi đá bao quanh, nhìn đâu cũng thấy đá tai mèo tua tủa, sắc nhọn như chông. Giữa lòng chảo ấy, tìm mỏi mắt mới thấy vài ngôi nhà xây cấp 4, còn lại chỉ là nhà gỗ, nhà quây bằng tre, nứa. Đá nhiều quá, nhà nào cũng nhỏ, nép bên những “rừng đá”, thậm chí chuồng trâu, chuồng lợn cũng lọt thỏm trong khe đá, bà con dùng tấm bạt che tạm.
Theo con đường bê tông nhỏ tụt xuống dốc về phía cuối thôn, tôi tìm được nhà Trưởng thôn Lý A Dế. Dế năm nay 25 tuổi, được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Pờ Sì Ngài từ năm 2020. Nghe tôi hỏi về cuộc sống của bà con, Lý A Dế bộc bạch: Cả thôn có 100 hộ với hơn 500 nhân khẩu, đều là người Mông. Nhà mình cùng với nhà Bí thư Chi bộ Lý A Tung, cùng 2 đảng viên khác là Sùng A Khoa, Hầu A Dơ đã thoát nghèo, còn lại là hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2009 và năm 2010, hơn 70 hộ được Nhà nước di chuyển từ khu vực có nguy cơ sạt lở xuống đây. Vùng này là đất của người dân Bản Xèo, Mường Vi, bà con chỉ được cho đất làm nhà, không có đất trồng trọt, chăn nuôi nên càng thêm khó khăn, dẫn đến 10 hộ đã quay về nơi cũ sinh sống.
Khó khăn nhất ở Pờ Sì Ngài là thiếu đất sản xuất và thiếu nước. Dù quay về thôn cũ để sản xuất, nhưng đất dốc cheo leo, đá nhiều mà ruộng nương quá ít, tính trung bình mỗi hộ 1 năm chỉ thu hoạch được 15 - 20 bao thóc. Một số gia đình như Sùng Thị Sung, Lý A Hù chẳng có mảnh ruộng nào. Chăn nuôi cũng khó vì không có nguồn thức ăn cho gia súc. Hai năm qua, nhờ chương trình xóa nhà tạm nên 7 hộ được hỗ trợ xây nhà cấp 4, cả thôn chỉ có 6 hộ tự bỏ tiền xây được nhà mới. Ở Pờ Sì Ngài, chỉ cần bước ra ngõ là gặp hộ nghèo, bởi tỷ lệ hộ nghèo đến 90%.
Đẻ 5 đến 6 con là… chuyện thường
Vì sao đồng bào Mông ở Pờ Sì Ngài bao năm qua vẫn nghèo? Ngoài nguyên nhân do thiếu đất sản xuất, tập quán canh tác lạc hậu, nhiều hộ chưa có ý chí vươn lên thoát nghèo, thì còn một nguyên nhân quan trọng khác đó là sinh quá nhiều con.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Thào Thị Pà, nhân viên y tế kiêm cô đỡ thôn Pờ Sì Ngài giở cuốn sổ ghi danh sách từng gia đình trong thôn, giọng buồn bã: Thôn có 100 hộ thì chỉ có khoảng 15 hộ có từ 1 đến 2 con, còn lại hầu như gia đình nào cũng có từ 3 con trở lên. Ông Hầu A Chỉnh trước đây là nhân viên y tế thôn cũng sinh tới 5 con. Nhiều hộ sinh 6 con như Lý Tả Chí, Sùng A Sử, Lý A Súng, Sùng A Mình, Phàn A Quả, Sùng A Tủa… Cá biệt, hộ ông Vừ A Cáng có 8 con, ông Hầu A Tăng có 10 con. Mặc dù mình đã tuyên truyền nhiều về kế hoạch hóa gia đình, nhưng do nhận thức của bà con hạn chế nên chuyển biến chậm. Tảo hôn vẫn diễn ra, nhiều phụ nữ khi sinh con không đến cơ sở y tế.
Cũng vì các hộ ở Pờ Sì Ngài sinh nhiều con đã kéo theo nhiều học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn. Thầy giáo Trần Văn Toàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Bản Xèo bộc bạch: Trường có 467 học sinh thì riêng thôn Pờ Sì Ngài có 153 em. Đặc biệt, thôn Pờ Sì Ngài có 11 học sinh mồ côi bố hoặc mẹ, 3 học sinh có mẹ hoặc bố bỏ đi, 2 học sinh hoàn cảnh rất khó khăn vì gia đình có 9 - 10 con… Nhà trường rất mong cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm giúp đỡ, ủng hộ để các em không lỡ dở việc học.
Trao đổi với chúng tôi về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thôn Pờ Sì Ngài, ông Phan Văn Lân, Bí thư Đảng ủy xã Bản Xèo cho biết: Cuối năm 2021, thôn Pờ Sì Ngài được sáp nhập vào xã Bản Xèo, thuận lợi hơn cho bà con trong việc ra trung tâm xã thực hiện các thủ tục hành chính, đồng thời học sinh đi học đỡ vất vả hơn do khoảng cách gần. Tuy nhiên, vì xã Bản Xèo đã đạt chuẩn nông thôn mới từ tháng 2/2019 nên thời gian tới, người dân thôn Pờ Sì Ngài không còn hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước như khi còn thuộc xã Pa Cheo.
Hiện nay, cấp ủy đảng, chính quyền xã đang tìm nhiều biện pháp giúp đồng bào Mông ở Pờ Sì Ngài giảm nghèo bền vững, như trồng cây ăn quả nhiệt đới, phát triển du lịch cộng đồng. Mục tiêu của xã trong năm 2022 giúp 40 hộ ở Pờ Sì Ngài thoát nghèo. Xã cũng đưa mô hình “Dân vận khéo” về thôn Pờ Sì Ngài để phòng, chống tảo hôn, sinh con thứ 3. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán khó vì thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao và đang có nhiều trở ngại đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/356179-gian-kho-po-si-ngai