Gian lận điểm thi: Người lớn đang làm gì với thế hệ trẻ?
Những hiện tượng tiêu cực, từ 'chạy' đầu vào đến 'chạy' điểm đầu ra, liên tục xuất hiện trước mắt người trẻ. Tất cả đều bắt nguồn từ nếp nghĩ đã ăn sâu của nhiều người lớn.
Gian lận điểm thi: người lớn đang làm gì với thế hệ trẻ?
Gần đây, tôi được người bạn ở Việt Nam chia sẻ câu chuyện anh ấy cho là “cười mà buồn”. Sau khi lọt vào vòng phỏng vấn xin học bổng ở trường đại học rất danh giá của Mỹ, anh báo tin vui với họ hàng. Bên cạnh những lời chúc tụng, động viên, câu hỏi đầu tiên của một số người là: “Có cách nào 'chạy' vào đó được không?”. Tôi không bất ngờ với đề xuất “chạy chọt” để đi học. Nghiên cứu về giáo dục Việt Nam nhiều năm, tôi nhận ra nếp nghĩ đó khá phổ biến trong xã hội, và nó vươn rễ từ nền của vấn đề lớn hơn.
Thông tin hơn 300 bài thi tốt nghiệp THPT ở Hà Giang bị phát hiện sửa điểm, với mức chênh lệch đến gần 30 điểm/3 môn gây rúng động tuần qua. Trong khi cuộc điều tra chưa kết thúc, hàng loạt nghi vấn gian lận tương tự bùng lên ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình hay Bạc Liêu. Bước đầu, cơ quan chức năng cũng phát hiện sai phạm điểm thi ở Sơn La.
Một kết thúc buồn của tập phim 2018 trong series kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ đây, nhiều câu hỏi và nỗi lo được đặt ra. Ngoài những tỉnh bị phát hiện, còn bao nhiêu địa phương có gian lận tương tự? Nếu vụ việc tiêu cực không bị phát giác, hậu quả sẽ như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra khi những thí sinh có kết quả thi giả tìm đường vào đại học và trở thành những bác sĩ, giáo viên, thậm chí lãnh đạo trong tương lai?
Nỗi lo nào cũng chính đáng, và càng đặt ra nhiều câu hỏi thì tính nghiêm trọng của vấn đề càng hiện rõ. Thế nhưng, có một câu hỏi dường như người lớn quên hay chưa muốn đối diện. Với tôi, đó mới là câu hỏi bức bách, cần được trả lời đầu tiên: Người lớn đang làm gì với thế hệ trẻ? Bên cạnh những bài răn sách vở, chúng ta có đang dung dưỡng những “chuẩn mực” nguy hiểm trong đầu người trẻ thông qua hành động của mình?
Sai chứ không trái?
Cần phải nhắc lại rằng ngay từ khi vào trường tiểu học, các em đã được dạy về chuẩn mực đạo đức. Sau khi biết đánh vần, những cụm từ đầu tiên "lớp một ơi lớp một" học thuộc là “khiêm tốn", "thật thà", “dũng cảm”, bên cạnh “học tập tốt, lao động tốt”.Những bài học này có tác dụng đối với sự phát triển của người trẻ, ít nhất về tư tưởng. Theo một nghiên cứu quốc tế, thanh niên Việt Nam đề cao những giá trị gắn liền liêm chính: Đa số cho rằng thiếu liêm chính rất nguy hại cho đất nước, gia đình và bản thân.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng áp dụng vào thực tế cuộc sống, chính những người trẻ này lại có xu hướng “nới lỏng” giá trị liêm chính khi đặt chúng bên cạnh vấn đề liên quan lợi ích của gia đình hay tình cảm với bạn bè và người thân.
Đáng chú ý, nhiều bạn được hỏi đều sẵn sàng thỏa hiệp để đổi liêm chính lấy việc đỗ một kỳ thi, xin được loại giấy tờ nào đó, vào một trường hay công ty tốt. Điều gì đã xen giữa quá trình chuyển thể từ suy nghĩ đến hành động của họ?
Câu trả lời nằm ở yếu tố môi trường góp phần hình thành quan điểm và thái độ của thanh niên về liêm chính. Cụ thể hơn, đó là xã hội, nhà trường và gia đình, cũng theo nghiên cứu trên.
Trong câu chuyện ở Hà Giang, bản thân 114 thí sinh không thể tự nâng điểm số của mình. Hành vi tiêu cực này nếu không bị phát giác ở tầm quốc gia, có lẽ sẽ là một phi vụ thành công với sự thông đồng của người thân các em, những người làm trong ngành giáo dục và những người lớn có trách nhiệm liên đới khác tại địa phương.
Sau này, cho dù yên vị ở ngôi trường và chỗ làm mong muốn, các em sẽ nghĩ gì khi biết cơ hội mình có hôm nay xuất phát từ hành vi sai trái của người lớn hôm qua? Bạn học, những người chứng kiến sự chênh lệch giữa năng lực của các em và kết quả thi sẽ nghĩ gì khi phát hiện điểm cao do gian lận?
Những bài học đạo đức từ ngày đầu tiên tới lớp, dù còn lại gì, cũng sẽ bị kéo sập bởi chính những sai phạm trong kỳ thi cuối cùng thời phổ thông trung học.
Điều cốt lõi ở đây là tất cả hiện tượng tiêu cực, từ "chạy" đầu vào đến "chạy" điểm đầu ra, đã và đang xuất hiện trước mắt người trẻ với tần suất thường xuyên hơn bao giờ hết.
Người lớn cứ luôn ra rả về tính sai trái của vấn đề, nhưng người trẻ đủ thông minh để đặt câu hỏi ngược lại: Có sai hay không khi những tiêu cực trên được đồng thuận, dung dưỡng, cứ đến hẹn lại lên? Có sai hay không khi người lớn đang cho thế hệ trẻ thấy những hành vi trên không hề trái quy luật xã hội và thậm chí được coi như chuẩn mực?
Trong bài viết trước cũng về chủ đề tham nhũng trong giáo dục, tôi đã trích dẫn cảnh báo của nhà nghiên cứu giáo dục nổi tiếng David Chapman: Khi con trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường mà chúng chứng kiến và tin rằng nỗ lực, tài năng cá nhân không có nghĩa lý gì và thành công chỉ đến với những ai giỏi thao túng, luồn lách, đưa hối lộ, đó là lúc nền tảng xã hội sẽ bị lung lay dữ dội.
Lời cảnh báo đó vào lúc này lại trở nên thiết thực hơn bao giờ hết.
Thay đổi phải xuất phát từ người lớn có tâm
Chống tham nhũng trong giáo dục cũng như mọi lĩnh vực khác, nếu chỉ dừng lại ở trừng phạt một số cá nhân để xoa dịu dư luận trước mắt thì cuối cùng sẽ chẳng đi đến đâu. Trung Quốc cũng đã mạnh tay, kể cả tiến hành nhiều vụ bắt bớ, đối với tiêu cực trong ngành giáo dục. Thế nhưng, người ta vẫn chưa thấy nhiều dấu hiệu tham nhũng trong ngành giáo dục nước này đã giảm. Lý do cốt lõi: Áp lực quá lớn từ kỳ thi đại học (gaokao) vẫn còn đó, một kỳ thi khắc nghiệt vốn luôn được báo chí miêu tả là có “ảnh hưởng cả đời” đối với từng thí sinh.
Kịch bản này có vẻ cũng giống ở Việt Nam, nơi xã hội vẫn theo cách đánh giá học sinh chỉ bằng một kỳ thi quá nhiều áp lực, sau đó là quyết định trao cơ hội làm việc bằng tấm bằng đại học.
Từng sinh sống và làm việc tại Việt Nam, tôi hiểu cha mẹ nào cũng sẵn sàng hy sinh tất cả để đầu tư cho tương lai của con cái. Thế nhưng, hầu như sự hy sinh đó luôn đánh đồng với việc dùng mọi phương cách - đặc biệt là tiền - để con đạt được kết quả tốt nhất, vào trường hay chỗ làm được cho là ưng ý nhất.
Muốn khắc phục những tiêu cực đang hoành hành ngành giáo dục hiện nay, Việt Nam cần bắt đầu từ khâu loại bỏ nếp nghĩ ăn sâu “có cách nào để chạy không?” và ủng hộ nhiều hơn những cách thi cho phép nhà trường đánh giá thí sinh bằng nhiều tiêu chí khác toàn diện hơn những con điểm (mà có thể đang bị thao túng trắng trợn hơn bao giờ hết).
Cơ quan điều tra rồi sẽ làm rõ động cơ và nhóm người đứng sau vụ tiêu cực sửa điểm. Bất luận động cơ gì và ai đứng sau, ngay từ bây giờ, có thể kết luận tất cả hành vi đó đều bắt nguồn từ một nếp nghĩ đã ăn sâu của nhiều người lớn: Muốn cái “tốt nhất” cho con em hay người thân của mình. Thế nhưng, rõ ràng là về lâu dài, không cá nhân nào và cả xã hội hưởng lợi từ những hành vi tiêu cực đó.
Mỗi cá nhân, dù là học sinh hay cha mẹ, cần nhận thức rõ rằng giáo dục là quyền và đặc quyền đạt được bằng năng lực, phẩm giá, chứ không phải món hàng có thể mua bán hay đổi chác. Chắc chắn, những thay đổi đó phải xuất phát từ người lớn có tâm và trách nhiệm.
Biên dịch: Phương Thảo