Gian lận thi cử Hòa Bình: Sai phạm đến từ sự nể nang

Một nữ bị cáo khai do nể nang và do quan điểm phụ huynh bây giờ quan trọng điểm số nên bị cáo đã có hành vi phạm tội.

Các bị cáo tại phiên sơ thẩm - Ảnh: chụp màn hình

Các bị cáo tại phiên sơ thẩm - Ảnh: chụp màn hình

Ngày 13.5, HĐXX TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình. Là bị cáo trong vụ án này, cũng là nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, bị cáo Lê Thị Hồng cho biết, rất hối hận khi đã giúp nâng điểm cho 8 thí sinh. Nhận thức được hành vi sai phạm của mình, bị cáo Hồng cho rằng do nể nang và do quan điểm phụ huynh bây giờ quan trọng điểm số nên bị cáo đã có hành vi phạm tội.

Cáo trạng xác định bị cáo Lê Thị Hồng do mối quan hệ thân quen nên đã nhận lời với người thân của thí sinh để giúp đỡ 8 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Đầu tháng 6.2018, khi làm việc tại Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, Hồng gặp Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy) và nhờ Tuấn giúp đỡ, nâng điểm để các thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi và được Tuấn nhận lời giúp.

Từ ngày 15 - 27.6.2018, Hồng chuyển thông tin 8 thí sinh cho Mạnh Tuấn. Trong thời gian chấm thi trắc nghiệm, vào buổi tối các ngày 30.6 đến 3.7.2018, Mạnh Tuấn cùng bị cáo Khắc Tuấn đã can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho các thí sinh mà bị cáo Hồng đã nhờ. Sau khi có kết quả thi, thấy thí sinh đạt điểm cao, Hồng đã gọi điện cảm ơn Tuấn. Sau đó, các thí sinh này đã sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và xét trúng tuyển vào các trường Đại học.

Sau khi làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Hồng, nữ Thẩm phán cho rằng trong vụ án này, mất đi lớn nhất là niềm tin của phụ huynh, học sinh. Bản thân nữ Thẩm phán cũng bày tỏ sự đau lòng khi các bị cáo nhận thức giản đơn, cả nể, vì quan hệ, vì thành tích của trường, của ngành, của từng gia đình để thực hiện hành vi phạm tội. Đặc biệt, bị cáo Hồng là hiệu trưởng trường chuyên, hằng ngày chỉ đạo thầy cô giảng dạy các em về đạo đức, tính trung thực nhưng các bị cáo làm mất cơ hội của các em. Chênh nhau 0,25 điểm, cơ hội vào đại học đã khác nhưng có thí sinh được nâng đến 14,95 điểm!.

Phụ huynh chỉ nhờ xem điểm?

Làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ, bị cáo Hồ Chúc (nguyên giáo viên Trường THPT Thanh Hà, huyện Lạc Thủy) khai có quan hệ đồng nghiệp với bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy).

Ngày 20.6.2018, hai bên gặp nhau, bị cáo Chúc đặt vấn đề “có hai đứa cháu năm nay tham dự kỳ thi THPT quốc gia, em xem giúp đỡ không?”. Sau đó Tuấn đề nghị Chúc cung cấp họ tên, số báo danh của 2 thí sinh mà Chúc nhờ nâng điểm. Kết quả từ sự can thiệp của bị cáo Mạnh Tuấn, 2 thí sinh này lần lượt được nâng 18,8 và 14,95 điểm. Sau khi có kết quả thi, 2 phụ huynh của 2 thí sinh được nâng điểm đến nhà bị cáo Chúc, nhờ chuyển tiền cảm ơn cho Tuấn, nhưng không nói cụ thể là bao nhiêu.

Trái ngược với những lời khai của bị cáo, phụ huynh học sinh có mặt tại Tòa đều khẳng định không nhờ bị cáo Chúc nâng điểm mà chỉ nhờ khi nào có kết quả của Bộ GD-ĐT thì xem điểm giúp, không hứa hẹn vật chất.

Theo cáo trạng, với những hành vi nêu trên, bị cáo Hồ Chúc bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”. Đối với 2 vị phụ huynh là người đưa 300 triệu đồng cho bị cáo Hồ Chúc để bị cáo chuyển cho Mạnh Tuấn, do chưa đủ cơ sở để kết luận hành vi đưa hối lộ nên Cơ quan công tố yêu cầu CQĐT tiếp tục điều tra làm rõ.

Nhã Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/tin-tuc-su-kien-c-179/gian-lan-thi-cu-hoa-binh-sai-pham-den-tu-su-ne-nang-138124.html