'Lạm phát' điểm số và câu chuyện thực học

Điểm số là mục tiêu mà mỗi học sinh luôn hướng đến nhưng không phải là thước đo duy nhất để đánh giá năng lực của mỗi người.

Điểm số không phải là thước đo duy nhất để đánh giá năng lực của mỗi người. (Ảnh minh họa: VGP)

Điểm số không phải là thước đo duy nhất để đánh giá năng lực của mỗi người. (Ảnh minh họa: VGP)

Từ nhiều năm nay, mỗi khi đến kỳ thi cuối kỳ, cuối năm, cuối cấp... lại nổi lên câu chuyện “lạm phát" điểm số. Nhiều người hoài nghi về chất lượng cũng như độ đáng tin cậy của điểm số; thậm chí cho rằng đây chỉ là kết quả của những chiến thuật học tập “ăn điểm”, làm giảm giá trị của điểm số trong mắt cả người học lẫn xã hội.

Việc đạt điểm cao trong học tập luôn là một mục tiêu mà nhiều học sinh cũng như phụ huynh hướng đến. Tuy nhiên, điểm số không phải là thước đo duy nhất để đánh giá năng lực của mỗi người. Vậy làm thế nào để tránh "lạm phát" điểm số, đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng học tập, tạo ra những sản phẩm giáo dục có trình độ, năng lực thực sự?

Hiện nay, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng phương pháp đánh giá truyền thống thông qua điểm số không còn phù hợp, thậm chí có thể là một rào cản lớn đối với sự phát triển của học sinh và chất lượng giáo dục nói chung. Vậy làm thế nào để thay đổi cách đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy và học?

Thực tế, việc đánh giá quá chú trọng vào kết quả cuối cùng có thể khiến học sinh chỉ tập trung vào việc học thuộc lòng để đạt điểm cao thay vì phát triển các kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo, hoặc khả năng giải quyết vấn đề. Không ít em chỉ tập trung vào việc “học tủ”, “học gạo”, luyện đề thi thay vì tìm hiểu sâu về các môn học. Nhiều khi, sự chú trọng vào điểm số đã khiến việc học trở thành một cuộc chạy đua chứ không phải là một quá trình phát triển tư duy, sáng tạo, khám phá tri thức. Điều này dẫn đến hiện tượng điểm số cao nhưng thiếu đi sự hiểu biết và kỹ năng thực sự.

Trong một phát biểu, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng nhấn mạnh, học thật, hay thực học, xét về phương diện nội dung là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức những gì mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước.

Thực học ở đây với nghĩa là nền giáo dục thiết thực, hữu dụng, có thực chất, giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn chặt với đời sống. Học thật là danh vị, học hàm, bằng cấp là phù hợp và phản ánh đúng thực lực của người học.

"Thực tế, còn nhiều người nhiều nơi, học qua loa cho có, học chống đối, học cốt lấy bằng, học xong không thêm gì kiến thức năng lực. Có người nhiều bằng cấp, nhưng trước công việc thì không làm được, danh vị là hư danh. Do đó để học thật trước hết là là bỏ thói học vẹt, học thuộc, học nhồi nhét kiến thức, học cốt để thi, học theo bài mẫu, học không cần đào sâu suy nghĩ, không đi vào bản chất, học không gắn với thực tiễn. Học thật là kiểm tra đánh giá đúng, đáng bao nhiêu điểm thì cho bấy nhiêu, ai phải học lại thì cho học lại không 'ngồi nhầm lớp', luận án không chất lượng thì không cho qua", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.

Điều quan trọng, việc học phải trở thành một hành trình khám phá bản thân chứ không đơn giản chỉ là việc vượt qua kỳ thi, để đạt được những điểm số như mong muốn. Các kỳ thi không chỉ nhằm đánh giá khả năng ghi nhớ mà còn phải kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế. Những câu hỏi kỳ thi phải được thiết kế sao cho phù hợp, khuyến khích học sinh suy nghĩ sáng tạo, giải quyết vấn đề thực tế chứ không phải học thuộc. Bài thi cần phải là công cụ giúp học sinh phát triển năng lực của bản thân. Một xã hội chỉ có những cá nhân biết cách làm bài thi tốt mà thiếu đi khả năng sáng tạo và tinh thần trách nhiệm sẽ không thể phát triển bền vững.

Do vậy, để khuyến khích học thật, thi thật, chúng ta có thể bắt đầu từ việc thay đổi cách thức đánh giá và thi cử. Các trường học cần tạo ra một hệ thống đánh giá toàn diện, không chỉ dựa vào điểm số mà còn bao gồm các yếu tố như khả năng sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, thái độ học tập...

Đánh giá quá trình không chỉ giúp người học nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của mình mà còn tạo cơ hội để họ điều chỉnh và cải thiện trong suốt thời gian học tập. Học sinh sẽ không cảm thấy bị áp lực chỉ để đạt điểm cao mà sẽ có động lực phát triển toàn diện, nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.

Các kỳ thi cũng cần được thiết kế sao cho khuyến khích học sinh suy nghĩ, phân tích và vận dụng kiến thức thực tế. Hệ thống đánh giá có thể bổ sung thêm những bài kiểm tra thực hành, những dự án nhóm - nơi học sinh có cơ hội thể hiện khả năng ứng dụng những gì đã học vào thực tế.

Trong kỷ nguyên số, các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, lãnh đạo, sáng tạo và giải quyết vấn đề trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, việc đánh giá học sinh không chỉ dựa trên kiến thức mà còn phải chú trọng đến các kỹ năng mềm. Điều này có thể được thực hiện qua các bài tập nhóm, các hoạt động ngoại khóa, hay các bài viết phản biện, trong đó học sinh thể hiện được khả năng phân tích, đánh giá và tư duy sáng tạo.

Việc thay đổi cách đánh giá không chỉ có lợi cho học sinh mà còn mang lại động lực cho giáo viên. Giáo viên sẽ không còn bị áp lực phải dạy sao cho học sinh đạt điểm cao mà thay vào đó, họ sẽ tập trung vào việc truyền cảm hứng, hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện. Điều này có thể giúp môi trường học tập trở nên sáng tạo và linh hoạt hơn, khuyến khích sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy.

Thay đổi cách đánh giá trong giáo dục không chỉ là sự thay đổi trong phương thức kiểm tra, mà là sự chuyển mình trong cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá sự phát triển của học sinh. Đó là con đường duy nhất để nâng cao chất lượng dạy và học, tạo ra những thế hệ học sinh không chỉ giỏi lý thuyết mà còn có khả năng ứng dụng những kiến thức ấy vào thực tế, phát triển thành những công dân có ích cho xã hội.

Đúng như Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, học thật, thi thật trước hết và luôn luôn là việc của ngành giáo dục, nhưng cũng là của toàn xã hội. Nếu tất cả mọi người cùng đồng lòng vì nền giáo dục thực chất, vì cuộc sống chất lượng và sự phát triển của đất nước, thì một trong những việc đầu tiên cả xã hội chung tay hành động là tất cả cùng vì thực học.

Dũng Quỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lam-phat-diem-so-va-cau-chuyen-thuc-hoc-300225.html