Gian lận thi IELTS ở Pakistan, thí sinh biết trước cả đáp án
Hàng loạt bằng chứng cho thấy tình trạng gian lận thi IELTS ở Pakistan đang diễn ra ngày một tăng, từ việc rò rỉ đề thi, đáp án đến dịch vụ thi hộ.
Theo The PIE News, số lượng sinh viên Pakistan du học tăng đáng kể, nhưng các hoạt động gian lận gần đây đang đe dọa đến danh tiếng của quốc gia này.
Tính đến năm 2022, hơn 103.000 sinh viên Pakistan đang du học ở nước ngoài. UAE, Vương quốc Anh và Australia là những điểm đến du học hàng đầu cho sinh viên từ quốc gia Nam Á này.
Một cán bộ IDP từ Pakistan cho biết nhiều giáo viên luyện thi IELTS và công ty tư vấn du học ở nước này đã lợi dụng kỳ thi IELTS trên giấy để thực hiện hành vi gian lận.
“Đề thi thường bị rò rỉ từ một nguồn không xác định, có thể là vào đêm trước ngày thi. Điều này có thể xảy ra do kỳ thi tổ chức trên toàn cầu và có sự chênh lệch múi giờ giữa các địa điểm khảo thí", cán bộ IDP cho hay.
Vị này cũng cho biết thêm từng gặp trường hợp một tư vấn viên có quyền truy cập vào đáp án cho mọi ngày thi. Mỗi ngày thi, anh ta có thể giúp 350 sinh viên gian lận.
Hầu hết trường hợp liên quan đến điểm số giả mạo đến từ tỉnh Punjab, nơi có các thành phố lớn như Lahore, Faisalabad, Rawalpindi, Gujranwala và Multan. Đội ngũ IDP tại Pakistan đã chứng kiến có những người trả 1.700.000 PKR (khoảng 130 triệu đồng) để mua điểm.
Thông tin tại Express Tribune cho thấy trong vòng 4 năm qua, các trường hợp gian lận liên quan đến các công ty du học đã tăng từ 20-35% trên toàn bộ 5 thành phố lớn ở Punjab.
Chỉ riêng trong năm 2024, đã có 1.409 khiếu nại được ghi nhận, với tỷ lệ cao nhất được báo cáo ở Lahore, tiếp theo là Rawalpindi, Gujranwala, Faisalabad và Multan.
Trước đây, các thí sinh gian lận chỉ bị cấm thi tạm thời. Nhưng bây giờ, nếu bị phát hiện, kết quả thi IELTS của họ sẽ bị hủy bỏ vĩnh viễn.
Theo bà Kousar Sharif, Giám đốc trung tâm luyện thi IELTS Nextage Institute ở Lahore (Pakistan), việc gian lận điểm thi IELTS có sự nhúng tay của những kẻ môi giới bất chính, thiếu đạo đức. Họ hứa hẹn nâng điểm cho thí sinh bằng cách làm giả hồ sơ và các dịch vụ khác.
"Trước áp lực phải đáp ứng yêu cầu về ngôn ngữ, một số sinh viên đã bất chấp và tìm đến các phương pháp gian lận thay vì kiên trì rèn luyện tiếng Anh. Hậu quả là khi sang nước ngoài học tập, họ gặp rất nhiều khó khăn do trình độ thực tế không đáp ứng được yêu cầu", vị giám đốc nói.
Theo bà Sharif, một số đại lý “tính phí 700.000 PKR (64 triệu đồng) cho điểm IELTS 6.0” và thậm chí gửi thí sinh đến UAE để để gian lận trong phần thi nói.
“Để giải quyết những vấn đề này, các cơ quan cấp chứng chỉ như IDP, Hội đồng Anh và Cambridge phải tăng cường kiểm soát nội bộ và quy trình tuyển dụng. Ngoài ra, các bên liên quan cũng phải triển khai công nghệ giám sát hoạt động của nhân viên và đảm bảo rằng tất cả nhân viên liên quan đến việc xử lý điểm số đều được kiểm tra kỹ lưỡng", bà Sharif nhận định.
Theo TS Osamah Qureshi, Giám đốc Văn phòng giáo dục Ireland, người có hơn 20 năm kinh nghiệm giám sát các kỳ thi tiếng Anh, cho biết một hình thức gian lận khác cũng xuất hiện ở Pakistan, đó là việc thuê người khác làm hộ các bài thi tiếng Anh, đặc biệt là các bài thi trực tuyến.
Những kẻ gian lận này thường tìm cách qua mặt hệ thống an ninh để giúp thí sinh đạt được điểm số cao một cách bất hợp pháp, nhất là trong các phần thi nghe, đọc và viết.
Hầu hết trường hợp thi hộ ở Pakistan đều nhằm mục đích ứng tuyển vào các đại học tại Anh, nhiều trường đã yêu cầu thí sinh thi trực tiếp tại trung tâm khảo thí để đề phòng vấn nạn này.
Những năm gần đây, các vụ gian lận liên quan đến bài kiểm tra tiếng Anh và các cơ quan du học cũng đã xuất hiện ở Ấn Độ. Ở bang Gujarat, gần 1.000 thí sinh đã gian lận để đạt điểm cao khiến chính quyền phải ra thông báo truy nã những kẻ lừa đảo. Trong khi đó, ở bang Punjab, nhiều người đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến khi cố gắng mua chứng chỉ IELTS mà không cần thi.