Gian lận trong thương mại điện tử: Người tiêu dùng cần 'tuyên chiến'
Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái trên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội… ngày càng diễn biến phức tạp. Trước khi các cơ quan quản lý xây dựng được chế tài đủ sức răn đe, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình trước vấn nạn trên.
Thực trạng nan giải
Mới đây, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phát hiện một lô thuốc lớn không có hóa đơn chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở kinh doanh ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), bán hàng trên website nhathuoc.com. Cơ sở này đã bị xử phạt hành chính và buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng vi phạm với tổng giá trị hàng hóa hơn 183,2 triệu đồng.
Trước đó, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý cửa hàng kinh doanh điện thoại di động tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) do Công ty TNHH RELEX Việt Nam quản lý, kinh doanh đã rao bán điện thoại di động giả mạo thương hiệu Samsung thông qua website samsungvietnam.online. Ngoài ra, công ty này cũng sử dụng nhiều website khác để kinh doanh điện thoại di động và đồ nội thất ôtô, như: didongso.com.vn, relexvietnam.com, otoday.vn, vertuvietnam.com…
Đó chỉ là số ít trong rất nhiều vụ vi phạm pháp luật, hàng hóa giả mạo trên các ứng dụng TMĐT. Theo thống kê của Cục TMĐT và Kinh tế số, tính đến hết năm 2018, gần 36.000 sản phẩm vi phạm bị buộc gỡ bỏ trên các sàn TMĐT và hơn 3.000 tài khoản, gian hàng trên các sàn đã bị khóa. Trong khi đó, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT tìm mọi cách lách qua bộ lọc của sàn, đơn cử như cố tình thay đổi tên sản phẩm là N.I.K.E thay vì NIKE. Các đối tượng cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ và bất kỳ thông tin liên lạc. Nhiều trường hợp đưa lên mạng hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được, có thể là hàng giả, hàng nhái, khó phát hiện.
Nâng cao nhận thức
Điều đáng nói, rất nhiều người mua biết hàng giả nhưng vẫn ham rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Bên cạnh đó, người mua có tâm lý chủ quan, sự tiện lợi…, dẫn đến dễ dãi khi mua bán hàng qua mạng, không kiểm tra kỹ lưỡng sản phẩm trước và sau khi mua... Thực trạng này khiến nạn hàng gian, hàng kém chất lượng dễ dàng hoành hành; công tác kiểm soát, quản lý và xử lý đối với hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.
Để bảo vệ người tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website TMĐT. Tuy nhiên, để xử lý tận gốc vấn nạn này, trước hết, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức và biết cách tự bảo vệ quyền lợi của chính mình, không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng TMĐT kinh doanh gian lận.
Để giao dịch TMĐT an toàn, người tiêu dùng chỉ nên tham gia vào các sàn giao dịch, website uy tín, đảm bảo quyền lợi cho người mua, hỗ trợ người dùng khi có sự cố xảy ra. Khi mua hàng, cần kiểm tra thông tin về đơn vị, người bán hàng trực tuyến (tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc…), tìm kiếm thông tin về mặt hàng, tìm hiểu kỹ các chính sách mua bán, quy định, bảo hành… Đặc biệt, người mua không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu trên những website, đường dẫn lạ, có dấu hiệu lừa đảo.