Gian nan bán thịt lợn ở Đà Nẵng: 'Có dấu kiểm dịch, đừng né!'
Dịch tả lợn châu Phi đang khiến tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ đầu mối Hòa Cường (TP Đà Nẵng) lao đao vì ế ẩm. Họ khẳng định thịt bày bán đều có dấu kiểm dịch rõ ràng, đảm bảo an toàn, mong người dân đừng 'né' sản phẩm vì lo ngại dịch bệnh.
Hàng thịt đìu hiu vì dịch tả lợn châu Phi. Video: Thanh Hiền.

Ghi nhận tại chợ đầu mối Hòa Cường - chợ đầu mối lớn nhất thành phố, hàng thịt heo lác đác khách mua, nhiều thời điểm vắng hoe. Ảnh: Thanh Hiền.
Ghi nhận tại chợ đầu mối Hòa Cường - chợ đầu mối lớn nhất thành phố, hàng thịt heo lác đác khách mua, nhiều thời điểm vắng hoe. Theo các tiểu thương, khoảng 10 ngày trở lại đây, khi dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, thịt lợn ế ẩm
"Bây giờ lấy thịt bán trong ngày chỉ còn một nửa hoặc 2/3 so với trước. Ngồi cả sáng chỉ lèo tèo vài khách đến mua", chị Na, chủ quầy thịt nói. Những hàng xung quanh cũng trong tình cảnh chẳng khá hơn, dù giá thịt đã "hạ nhiệt".
Bà Thanh Hà, chủ quầy thịt heo trong chợ đầu mối kể, gần 10 ngày nay mỗi ngày bà chỉ lấy khoảng 20kg thịt heo, bằng một nửa so với trước nhưng bán cũng rất chậm vì không có người mua. "Buôn bán khó khăn lắm, nhưng cũng phải cố gắng vì đây là cái nghề của mình. Chỉ khi nào chợ cấm bán thịt heo mình mới nghỉ", bà chia sẻ.
Phần lớn thịt mà các tiểu thương bán được là nhờ bỏ mối cho các nhà hàng, quán xá, người dân mua lẻ rất ít. Gần đó, có quầy chỉ lấy 5kg thịt mông về bán nhưng đợi đến trưa vẫn còn nguyên.

"Bây giờ lấy thịt bán trong ngày chỉ còn một nửa hoặc 2/3 so với trước", chủ quầy thịt cho biết.

Tiểu thương cho biết, hàng bán cũng rất chậm vì không có người mua.

Thịt heo quá ế ấm do dịch tả lợn Châu Phi, nhiều quầy không gồng nổi đành nghỉ bán.
Thịt heo quá ế ấm do dịch tả lợn Châu Phi, nhiều quầy không gồng nổi đành nghỉ bán. Theo các tiểu thương, từ đầu năm đến nay người bán thịt rất gian nan, vừa chịu giá thịt móc hàm cao, vừa dính dịch tả lợn châu Phi.
"Thịt vào chợ đều được kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch đầy đủ, đảm bảo nguồn gốc, an toàn. Mấy ngày qua tin dịch tả lợn đã ảnh hưởng đến việc buôn bán, nhiều người còn nghi ngờ thịt không đảm bảo, mập mờ nguồn gốc vào chợ làm chúng tôi điêu đứng hơn", chị Lý Thanh, tiểu thương chợ đầu mối Hòa Cường nói.
Các tiểu thương cũng khuyến cáo người dân cần tránh mua hàng trôi nổi, giá rẻ bất thường.

Tiểu thương khẳng định thịt lợn vào chợ đều có dấu kiểm dịch rõ ràng, đảm bảo an toàn, mong người dân đừng "né" sản phẩm.

Các tiểu thương khẳng định thịt được kiểm định rõ ràng trước khi vào chợ. Các tiểu thương cũng khuyến cáo người dân cần tránh mua hàng trôi nổi, giá rẻ bất thường.


Đà Nẵng: 42 con lợn chết vì dịch tả châu Phi, nguyên nhân bất ngờ
Ngày 18/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).
Theo báo cáo của Chi cục Nông nghiệp/Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ 1/7 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên đàn lợn tại 9 hộ ở 6 thôn thuộc 4 xã, phường: Sông Kôn, Xuân Phú, Thăng Trường, Quảng Phú, khiến 42 con lợn mắc bệnh chết và buộc phải tiêu hủy, trọng lượng tiêu hủy là 2.661kg.

Lực lượng chức năng đưa số lợn bị bệnh đi tiêu hủy.
Nguyên nhân chủ yếu là do lợn chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh DTLCP. Người chăn nuôi chưa thật sự quan tâm đến áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn, trên địa bàn toàn thành phố có nhiều ổ dịch cũ.
Ngoài ra, do thời tiết thay đổi thất thường, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới rất cao.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các xã, phường chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh. Trong đó, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ứng trực tại chỗ, tăng cường trách nhiệm đến từng cơ sở giám sát, tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh DTLCP tại địa bàn quản lý.
Chủ động theo dõi, giám sát đàn lợn, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch, khu vực có nguy cơ cao, để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời khi dịch bệnh mới phát sinh. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, xã cần hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh, sử dụng vôi bột, hóa chất để khử trùng khu vực chuồng nuôi; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường thông tin, tuyên truyền trong nhân dân.
Khi DTLCP xảy ra tập trung các nguồn lực và áp dụng giải pháp để xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, không để lây lan ra diện rộng
Khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính. Đồng thời rà soát, thống kê toàn bộ đàn lợn trên địa bàn để có kế hoạch ứng phó phù hợp; đánh giá mức độ, nguy cơ nhiễm bệnh đối với từng đàn lợn, từng địa bàn cụ thể để chủ động ứng phó.
Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn, không để các hộ nuôi tự ý bán chạy lợn làm lây lan dịch bệnh.
Sở NN&MT thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu Chi cục Nông nghiệp/Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn, hướng dẫn xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan.