Gian nan cuộc chiến cây lá ngón

Cây lá ngón mọc khắp nơi gần các bản người Mông (Mường Lát). Những cái chết thương tâm từ cây lá ngón đã giảm nhưng hàng năm vẫn còn một vài trường hợp xảy ra. Đã có đợt ra quân diệt trừ cây lá ngón nhưng chỉ như 'muối bỏ biển', vài ngày sau lại thấy chúng mọc um tùm' - Bà Trương Thị Huyên, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Lát chia sẻ về cuộc chiến với cây lá ngón trong đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn.

Cây lá ngón thân leo, lá màu xanh, dễ dàng tìm thấy trong các bản người dân tộc Mông sinh sống.

Nỗi đau day dứt

Theo giới thiệu của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Lát, chúng tôi đến xã Pù Nhi, nơi từng xảy ra nhiều cái chết thương tâm từ cây lá ngón. Tiếp chúng tôi, ông Hơ Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Pù Nhi cho biết: Năm nào trên địa bàn xã cũng xảy ra 1 đến 2 trường hợp tự tử bằng lá ngón, chủ yếu là người dân tộc Mông ở các bản Cơm, Pha Đén, Cá Nọi... Những cái chết thương tâm do lá ngón gây nên, để lại nỗi đau cho những người còn sống.

Cây lá ngón có tên khoa học là Gelsemium elegans, về mặt y học, lá ngón là loại cây có độc tính rất mạnh. Nếu ăn phải chỉ trong vài giờ chất độc có thể gây suy hô hấp, tụt huyết áp dẫn đến ngưng tim, co giật. Nếu không cấp cứu kịp thời, đúng cách, nạn nhân sẽ tử vong.

Theo người dân địa phương, cây lá ngón có hai loại: Loại có hoa màu vàng là loại ít độc, nếu người không may ăn phải mà được phát hiện kịp thời thì vẫn có thể cứu sống. Còn một loại có hoa màu đỏ là loại cực độc, người ăn phải sẽ ngấm độc ngay và chết trong thời gian rất ngắn.

Bà Thao Thị Cho, bản Cá Nọi, chia sẻ: Trong suy nghĩ, quan niệm của người dân tộc Mông, chết là sự giải thoát, vì thế, mỗi khi giận dỗi, khi có chuyện buồn, người ta thường tìm đến cái chết. Cây lá ngón mọc khắp mọi nơi, từ nương rẫy, bờ suối, ven đường nên rất dễ tìm thấy. Trong bản, cũng đã có nhiều người tìm đến lá ngón để quyên sinh. Người ăn phải lá ngón nếu được phát hiện sớm vẫn có thể cứu sống. Nhưng bao năm nay, số người cứu sống được rất ít, người ăn lá ngón thường vào rừng, lên đồi, núi là những nơi vắng vẻ, ít người qua lại nên khi phát hiện thì đã muộn rồi.

Mới đây thôi, năm 2019, trên địa bàn bản Cơm, xã Pù Nhi có 2 trường hợp chết vì lá ngón. Ông Hơ Văn Sáu kể: Đó là trường hợp anh Hơ Văn Khua (SN 1998). Khua đem lòng yêu thương một cô gái trong bản. Ngày ra mắt người yêu để xin bố mẹ cho cưới cô gái về làm vợ, thì phát hiện 2 bên gia đình đang là họ hàng cận huyết thống. Trong khi đó, cô gái lại chưa đủ tuổi kết hôn. Thế rồi, cuộc tình giữa Khua và cô gái bị gia đình ngăn cản. Buồn chán vì không lấy được người mình yêu, bức xúc với gia đình vì đã phản đối tình yêu của mình, Khua đã lên núi và tìm cây lá ngón kết liễu đời mình.

Cũng như Khua, cô gái trẻ Thao Thị Pa (SN 2002), đã tìm đến cây lá ngón để giải thoát cuộc đời mình chỉ vì muâu thuẫn với mẹ chồng. Pa lấy chồng khi còn chưa đủ tuổi kết hôn. Vợ chồng trẻ, không tránh khỏi có những ngày “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, cùng với đó mẹ chồng và nàng dâu lại thường xuyên mâu thuẫn. Bế tắc, Pa lại tìm đến lá ngón như sự giải thoát, để lại nỗi đau, dằn vặt cho người ở lại.

Cuộc chiến dai dẳng

Đôi mắt nhìn về xa xăm ẩn chứa nỗi buồn, Phó Chủ tịch UBND xã Pù Nhi Hơ Văn Sáu, tâm sự: Là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Pù Nhi, tôi đã chứng kiến nhiều cái chết thương tâm từ cây lá ngón, trong đó có cả người thân. Thế nhưng để xóa bỏ hoàn toàn cây lá ngón trong tiềm thức của người dân là vấn đề nan giải mà nhiều năm nay các cấp ủy, chính quyền địa phương đang nỗ lực thực hiện. Những năm gần đây, tình trạng tự tử bằng lá ngón đã giảm nhiều, không còn xảy ra ở người lớn tuổi mà chủ yếu xảy ra ở tuổi thanh niên, suy nghĩ còn bồng bột.

Ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi cũng cho biết: Xuất phát từ nhận thức và văn hóa của người dân tộc Mông vốn sống kín đáo, tự ti lớn, hiểu biết hạn chế nên khi xảy ra mâu thuẫn trong cuộc sống, họ không tìm cách giải quyết được mà chỉ tìm sự giải thoát bằng cái chết. Để hạn chế những cái chết thương tâm vì lá ngón, chính quyền xã và lực lượng bộ đội biên phòng đã ra quân triệt phá cây lá ngón gần khu vực dân cư sinh sống, tuy nhiên do cây thân leo dễ sống nên khó triệt tận gốc. Vì vậy, giải pháp này chỉ là tạm thời. Giải pháp lâu dài là tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân.

Lá ngón đã mang đến nỗi đau cho biết bao gia đình người dân tộc Mông huyện Mường Lát.

Cũng theo ông Nhân, để tránh những vụ việc đau lòng xảy ra, chính quyền địa phương đã tăng cường tổ chức tuyên truyền, phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, các tổ chức chính trị; lồng ghép các chương trình thanh niên, phụ nữ... tuyên truyền về tác hại của cây lá ngón để người dân tránh xa. Bên cạnh đó, nâng cao nếp sống văn hóa, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong đời sống của người dân tộc Mông. Tuyên truyền đến tận thôn, bản, từng nhà dân, trong đó đặc biệt nâng cao nhận thức cho thế hệ thanh niên.

Bà Trương Thị Huyên cho biết thêm: Những suy nghĩ, quan niệm còn lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào dân tộc Mông. Vì vậy, xác định công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài. Hiện nay, huyện Mường Lát chưa có đề án riêng cho vấn đề này, tuy nhiên, các cấp ủy, chính quyền huyện chỉ đạo tuyên truyền lồng ghép vào các đề án khác. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, tảo hôn..., những vấn đề liên quan đến nguyên nhân gây mâu thuẫn trong gia đình dẫn đến hành động tự tử. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nếp sống văn hóa lạc hậu, giúp nâng cao sự hiểu biết, đời sống tinh thần cho người dân nơi đây.

Bài và ảnh: Hoàng Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/gian-nan-cuoc-chien-cay-la-ngon/116538.htm