Gian nan cuộc chiến giữ rừng. Bài 1
Bài 1: Giữa đại ngàn sâu thẳm
Giữ rừng chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Giữa đại ngàn sâu thẳm, lực lượng bảo vệ rừng không chỉ thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng gian nan, thiếu thốn. Nơi ấy, họ còn đối diện với muôn vàn hiểm nguy khó có thể lường trước được…
Dưới tán rừng già
Những ngày này, cái nắng ở Tánh Linh như đổ lửa. Vì có hẹn với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Núi Ông, nên từ sáng sớm tôi đã có mặt ở Trạm Bảo vệ rừng Đức Bình. Trạm này đóng trên địa bàn xã Đức Bình, huyện Tánh Linh. Vừa đến nơi, các anh đã giục tôi hớp vội ly trà nóng cho giảm bớt cái lạnh sáng sớm ở huyện miền núi. Phía xa, khi còn nghe văng vẳng tiếng gáy của gà rừng, thì cũng là lúc chúng tôi bắt đầu cuộc bộ hành xuyên rừng.
Đoàn liên ngành đi thực địa kiểm tra rừng bảo tồn Núi Ông.
Cây xanh ở rừng bảo tồn Núi Ông.
“Đường rất khó đi nên chúng ta phải lên đường sớm, hy vọng trước khi trời tối đến được đỉnh 1.200 mét để tiến hành cắm trại, nghỉ qua đêm như dự kiến. Đích đến là đỉnh cao nhất của Núi Ông trên độ cao 1.318 mét. Có thể nói, nơi đây là “nóc nhà” của tỉnh” - ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Núi Ông nói. Để đảm bảo an toàn cho mọi người, Ban Quản lý Khu BTTN Núi Ông đã phân công một tốp đi trước làm “hoa tiêu” dẫn đường và một tốp làm nhiệm vụ “khóa đuôi”, hỗ trợ để các thành viên trong đoàn không ai bị lạc. Chỉ tay hướng về rừng bảo tồn, anh Đặng Văn An – cán bộ kỹ thuật ban quản lý nói với chúng tôi: “Quãng đường chúng ta phải đi khoảng 30 km cho hai chiều đi và về. Hành trình phải băng qua toàn là đèo đá cheo leo, rất nguy hiểm nên các anh phải cẩn thận, đường đi rất vất vả, mệt lúc nào chúng ta nghỉ lúc đó”. Nói là đường nhưng thực chất là lối mòn độc đạo chỉ đủ cho một người đi, hai bên là vô số cây rừng, dây gai chằng chịt. Lối đi được hình thành từ quá trình lực lượng bảo vệ rừng và các hộ nhận khoán tiến hành tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên.
Mới đi được 30 phút cho quãng đường chừng 1 km nhưng trong chúng tôi ai nấy đều mệt bở hơi tai, mồ hôi nhễ nhại vì phải liên tục vượt qua những đoạn dốc đá dựng đứng. Càng vào sâu, cây rừng cao lớn xuất hiện ngày càng dày đặc. Có nơi chỉ cách chừng vài chục mét lại có những cây rừng cả trăm tuổi đứng sừng sững thẳng tắp đại ngàn, gốc của nó phải đến 4 - 5 người ôm mới xuể. So với những cánh rừng nơi khác mà tôi từng đi qua, rõ ràng rừng bảo tồn Núi Ông rậm rạp hơn, cây rừng cao lớn có giá trị cũng nhiều hơn. Dưới tán rừng già, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Núi Ông cho biết, rừng BTTN Núi Ông được thành lập từ năm 1992. Nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, Khu BTTN Núi Ông có diện tích trên 24.355 ha thuộc địa giới hành chính huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Nam. Núi Ông có một hệ thống núi cao, có độ dốc lớn nối dài với đuôi của dãy núi Trường Sơn, có nhiều đỉnh cao trên 1.000 mét, cao nhất là 1.318 mét, kế tiếp là các đỉnh 1.234 mét, 1.222 mét, 1.114 mét, 1.054 mét. Đây là rừng đặc dụng có đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Do nằm ở cực Nam Trung bộ, tiếp giáp khu vực Nam bộ nên động vật ở đây mang tính chuyển tiếp giữa vùng Nam Trung bộ và Nam bộ. Hệ động vật rừng nơi đây được đánh giá đa dạng, phong phú bậc nhất ở các tỉnh Duyên hải miền Trung. Thực vật ở rừng Núi Ông có 1.070 loài, nằm trong 4 ngành thực vật chính thuộc 49 bộ, 149 họ và 560 chi. Động vật quý hiếm theo sách đỏ Việt Nam có 53 loài, bao gồm 31 loài thú, 7 loài chim và 15 loài bò sát. “Thống kê là vậy, nhưng thực tế còn lớn hơn nhiều, bởi quá trình tuần tra, kiểm tra lực lượng bảo vệ rừng còn phát hiện nhiều loài động, thực vật chưa được đưa vào danh sách thống kê. Chúng tôi chỉ có thể đoán chúng thuộc họ gì, còn để đánh giá hay xác định chính xác cần thời gian và sự tham gia của nhiều nhà khoa học” – ông Nguyễn Văn Dũng cho hay.
Rừng “chảy máu” - người chảy nước mắt
Để đến được đỉnh của Núi Ông, đối với tôi thật sự là điều không dễ dàng. Hết leo dốc, tôi phải men theo những con suối đá bám đầy rong rêu trơn trượt, đi trên cây cầu đơn sơ dài chừng 5 mét mà chiều rộng của nó chỉ vừa đủ cho một bàn chân người trưởng thành bước qua. Cầu bắc ngang tạm bợ trong rừng giữa một bên là đá núi sừng sững, một bên là vực sâu thăm thẳm, phía dưới là hố sâu hun hút. Và suốt hành trình, nhiều lần chúng tôi phải băng rừng qua những đoạn đường nguy hiểm tương tự như thế. Cảm giác run sợ giữa độ cao cheo leo khiến tôi và nhiều thành viên khác phải dò từng bước một để tiến về phía trước, vì chỉ cần trượt chân hoặc sơ sẩy thôi bất cứ ai cũng có thể nằm lại mãi nơi đại ngàn sâu thẳm.
“Quá trình tuần tra giữ rừng, chúng ta không chỉ đi bằng sức mà có cả ý chí nữa mới có thể vượt qua cung đường vừa hiểm nguy vừa khắc nghiệt. Mỗi chuyến đi, chỉ cần có cơm nắm, muối mè hoặc gói mì tôm là anh lên đường. Nước thì chuẩn bị ít thôi vì xa, đường đi hiểm trở nên không thể mang nhiều được, lúc nào thiếu thì lấy ở suối uống thêm” – ông Mang Luyến (hộ nhận khoán) vừa đi vừa nói. Lấy nước trong rừng uống, các anh không sợ sốt rét sao? Tôi hỏi lại. “Sợ chứ! Nhưng đi rừng khó khăn lại thiếu đủ thứ chứ đâu chỉ riêng nước. Vì trách nhiệm, vì bảo vệ, giữ gìn “lá phổi xanh” nên chúng tôi phải chấp nhận và đánh đổi. Khổ cực, thiếu thốn là lẽ thường đối với anh em nơi đây. Mình sinh ra gần rừng, bây giờ làm nhiệm vụ giữ rừng nên khi khi hay tin ở đâu có cây rừng bị đốn hạ, bị đốt phá thì buồn lắm! Rừng “chảy máu” thì mình cũng chảy nước mắt! Ông K’ Văn Hiếu – hộ nhận khoán khác tiếp lời.
Lời tâm sự chân thành, đầy trách nhiệm của ông Hiếu, ông Luyến khiến tôi không khỏi xúc động. Và tôi tin, ai trong chúng ta cũng đều trân quý điều đó. Còn nhớ tháng trước, tôi cũng có dịp thị sát rừng phòng hộ ở Hàm Thuận Nam. Rừng này do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét quản lý với tổng diện tích gần 20.400 ha, trong đó đất rừng sản xuất: 10.150 ha, đất rừng phòng hộ: 10.231 ha. Nơi đây, nhóm thực vật cây gỗ ở tầng cao có nhiều loại cây giá trị như giáng hương, gõ đỏ, cẩm lai, lim xanh, căm xe, sao xanh, sến, bằng lăng, dầu; các loại cây từ nhóm I đến nhóm VIII; tầng thấp thì có song, mây, tre, lồ ô, nứa, le và các loại trúc. Với đặc thù là rừng khộp - rừng rụng lá vào mùa khô nên áp lực giữ rừng nơi đây lớn hơn bất kỳ nơi nào khác. Bởi rừng khộp thường tập trung thảm thực bì lớn từ cỏ tranh, lau lách, lá khô, tre le mục – những vật liệu dễ cháy và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến rừng bị cháy lan mỗi khi vào mùa khô. Trên thực tế, có không ít vụ cháy rừng xảy ra từ một tàn lửa nhỏ. Vì thế, song song việc ngăn chặn “lâm tặc” phá rừng thì lực lượng chức năng còn phải căng mình tuần tra, ngày đêm quan sát để không bị “bà hỏa” ghé thăm. Chính nhờ nỗ lực ấy, những năm gần đây tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Từ đầu năm đến nay, rừng bảo tồn ở Núi Ông và rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét không có vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng.
Sau mỗi chuyến đi, chúng tôi phải chia tay những người lính giữ rừng vì họ còn tiếp tục nhiệm vụ. Ngày về cũng là lúc hoàng hôn buông xuống, ai cũng thấm mệt! Riêng tôi cứ nghĩ mãi về hình ảnh những người lính giữ rừng bé nhỏ cứ len lỏi giữa đại ngàn sâu thẳm.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/gian-nan-cuoc-chien-giu-rung-bai-1-108293.html