Gian nan đưa vở diễn 'dài hơi' đến với công chúng
Cảnh trong vở tuồng Kiều Quốc Sĩ. Ảnh: YÊN LAN
Với kinh phí vỏn vẹn 40 triệu đồng cho hơn 3 tháng luyện tập, cho đạo cụ, phục trang…, các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên chân quê đã đưa kịch bản tuồng Kiều Quốc Sĩ lên sâu khấu, trong hơn 3 tiếng đồng hồ!
Giờ đây, trăn trở của những người yêu nghệ thuật truyền thống là làm thế nào đưa vở diễn đến với khán giả.
Chuyện xưa đi vào kịch bản sân khấu
Kịch bản tuồng Kiều Quốc Sĩ được nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ hoàn thành vào năm 2019, tại trại sáng tác của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Nhân vật chính trong vở tuồng này là Kiều Quốc Sĩ - tướng của nước Vạn. Khi Bình Khắc Mộc, tướng của nước Phiên, đem quân đánh nước Vạn, Kiều Quốc Sĩ chia tay phu nhân Lệ Oanh và con gái Kiều Nhan, đưa quân chinh chiến; phu nhân cùng con nhỏ được một người thân tín tên là Lưu Nghĩa đưa đi lánh nạn. Trên đường đi, bị quân giặc truy đuổi, phu nhân Lệ Oanh bị trọng thương. Kiều Quốc Sĩ kịp thời ứng cứu, đánh lạc hướng quân giặc. Phút lâm chung, phu nhân để lại cho chồng bức tâm thư và gửi gắm con gái cho Lưu Nghĩa nuôi dưỡng. 18 năm sau, Kiều Nhan khôn lớn. Như là duyên trời định, Kiều Nhan gặp công tử Bình Khắc Chấn, đem lòng yêu thương và kết tóc xe tơ. Một thời gian sau, Kiều Nhan biết cô là con gái của tướng Kiều Quốc Sĩ đang bị quân Phiên giam trong ngục thất, và bàng hoàng nhận ra cha chồng chính là kẻ thù của gia đình mình, đất nước mình. Một bên là người đầu ấp tay gối và cuộc sống ấm êm của gia đình, một bên là chữ hiếu với cha, chữ trung với nước, Kiều Nhan đã chọn chữ hiếu, chữ trung. Sau khi việc lớn thành công, cô cùng chồng chia đôi ly rượu độc. Nhưng tướng Kiều Quốc Sĩ đã cứu được con thảo, rể hiền. Niềm vui của gia đình tướng quân Kiều Quốc Sĩ hòa trong niềm vui thái bình của người dân nước Vạn.
Nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ nói rằng từ câu chuyện của người xưa, ông sáng tác kịch bản tuồng Kiều Quốc Sĩ. “Khi viết tôi cũng ngại là anh em diễn không nổi vì đây là một vở lớn, viết cho đoàn tuồng chuyên nghiệp diễn”, nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên chia sẻ. Mặt khác, kinh phí để dựng những vở tuồng “ra tấm ra miếng” như Kiều Quốc Sĩ lên đến hàng trăm triệu đồng. Con số đó nằm ngoài khả năng của Chi hội Sân khấu và CLB Tuồng 10/5.
Dựng vở tuồng trong hơn 3 tháng với…40 triệu đồng
Dù khó khăn về con người, về kinh phí, Chi hội Sân khấu (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên) vẫn quyết tâm “chơi lớn”: Dựng vở tuồng Kiều Quốc Sĩ. Nghệ sĩ Lê Văn Hiếu, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu, chia sẻ: “Trước giờ anh em sáng tác nhiều kịch bản sân khấu nhưng không thể dàn dựng, vì không có nhân lực và không có kinh phí. Chi hội thường dựng một số tiểu phẩm, trích đoạn tuồng khoảng 10-15 phút. Lần này, được anh Nguyễn Phụng Kỳ cho kịch bản, không lấy một đồng tác quyền, Chi hội Sân khấu quyết tâm dựng một vở tuồng “dài hơi”. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã mở hết “khung” hỗ trợ sáng tạo, tạo điều kiện cho chi hội dựng vở tuồng này. Và chi hội cùng CLB Tuồng 10/5, huyện Phú Hòa dựng vở Kiều Quốc Sĩ với kinh phí 40 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật”.
Dưới sự “chỉ huy” của nghệ sĩ Lê Văn Hiếu trong vai trò tổng đạo diễn, nhạc sĩ Huỳnh Trọng Thống (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện Phú Hòa) cố vấn nghệ thuật - chỉ huy dàn nhạc, các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên chân quê bắt đầu tập vở Kiều Quốc Sĩ với sự dàn dựng của nghệ nhân Thu Sen. Anh Hiếu nói rằng bên cạnh khó khăn vì kinh phí quá eo hẹp, việc quy tụ anh chị em tay cày tay cuốc tập vở này cũng không hề đơn giản, bởi vì các nghệ nhân, diễn viên chân quê đều nặng gánh mưu sinh. Và thời gian tập thì dài. Tập được một thời gian, chị Phương Liên, một trong hai diễn viên đảm nhận vai nữ chính, bị tai nạn, gãy xương. Sau đó, một nam diễn viên kẹt công việc nhà, nghỉ ngang, thành ra nghệ nhân Thu Sen phải đảm nhận hai vai. Đến hôm diễn báo cáo, ngay sau khi hoàn thành vai phu nhân Lệ Oanh, diễn viên Xuân Thu rời sân khấu và được đưa thẳng đến… Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa cấp cứu, vì huyết áp tăng cao.
Làm sao đưa Kiều Quốc Sĩ đến với khán giả?
Xem các thành viên Chi hội Sân khấu và CLB Tuồng 10/5 diễn báo cáo vở tuồng Kiều Quốc Sĩ, cảm nhận rõ ràng nhất là niềm đam mê nghệ thuật truyền thống của các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên chân quê. Vì cuộc mưu sinh, họ ngậm ngùi chia tay sân khấu chuyên nghiệp nhưng ngọn lửa bên trong chưa bao giờ tắt. Với kinh phí vỏn vẹn 40 triệu đồng cho hơn 3 tháng luyện tập, cho đạo cụ, phục trang…, họ đã đưa kịch bản tuồng Kiều Quốc Sĩ lên sâu khấu, trong hơn 3 tiếng đồng hồ! Kiều Quốc Sĩ là vở diễn lớn thứ hai của Chi hội Sân khấu và CLB Tuồng 10/5, sau vở Tình yêu và Khát vọng về danh nhân Lương Văn Chánh cách đây mấy năm.
Vui và xúc động - đó là cảm xúc của các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên chân quê trong đêm diễn báo cáo. Trăn trở của những người yêu nghệ thuật truyền thống là làm thế nào đưa vở diễn đến với khán giả. Chi hội Sân khấu và CLB Tuồng 10/5 đã dốc sức cho vở tuồng này, nhưng cả chi hội lẫn CLB đều không có phương tiện và thiếu nhiều thứ khác để có thể đưa vở diễn đến với bà con ở các địa phương.
Trước đó, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968, từ nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo và nhiệt huyết, đam mê với sân khấu truyền thống, Chi hội Sân khấu tổ chức dàn dựng kịch bản dân ca bài chòi Khu 5 Sáng mãi tên anh, về anh hùng Lê Trung Kiên. Vở diễn này cũng chỉ diễn báo cáo xong rồi “treo” đó. “Để góp phần gìn giữ nghệ thuật truyền thống, chúng tôi cần sự quan tâm, tiếp sức của cơ quan chức năng và các địa phương”, nghệ sĩ Lê Văn Hiếu bày tỏ.