Gian nan đường đến Nậm Vạc

Điểm đầu đi vào thôn Nậm Vạc, xã Kim Ngọc (Bắc Quang) là chiếc cầu treo xuống cấp. Đến đoạn giữa, con đường là một rãnh lầy vừa rộng, vừa sâu. Khổ sở nhất về đi lại hàng ngày là các em học sinh và các thầy, cô giáo đến trường.

Đường vào thôn Nậm Vạc.

Đường vào thôn Nậm Vạc.

Tôi chọn một ngày giữa Đông, trời hanh khô để vào Nậm Vạc. Con đường từ lối rẽ Quốc lộ 279 đi Nậm Vạc chỉ dài chưa đầy 8 km, thế nhưng: Đoạn đầu con đường vào thôn là cây cầu treo cũ xuống cấpf. Cố men theo lối mòn chạy dài quanh co theo bìa rừng mới tới đoạn giữa, con đường vẫn chỉ là những đoạn lầy lội thụt sâu đến quá nửa bánh xe Tắc tơ của Lâm trường chở gỗ. Chủ tịch UBND xã Kim Ngọc, Hoàng Văn Sướng động viên: Chúng ta đi được nửa đường rồi đấy. Nậm Vạc là thôn khó khăn nhất của xã Kim Ngọc hiện nay, có diện tích tự nhiên 270 ha. Nếu gộp cả diện tích đất trồng lúa với đất trồng rừng chia đều cho các hộ trong thôn thì bình quân mỗi hộ ở Nậm Vạc mới có trong tay khoảng 0,7 ha đất sản xuất. Anh Seo Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kim Ngọc, cho biết: Được Thường trực phân công giúp Nậm Vạc phát triển kinh tế, thế nhưng mỗi gia đình bình quân có khoảng 0,15 ha diện tích đất ruộng cấy lúa. Ruộng của Nậm Vạc lại nằm ven khe đồi vừa thụt, lại vừa lầy, nước thì chua phèn, năng suất thấp dân làm chẳng bao giờ đủ ăn. Để kiếm thêm thu nhập, bà con trong thôn phải liên kết trồng rừng với Lâm trường Ngòi Sảo theo hình thức ăn chia sản lượng. Mỗi ha rừng trồng ăn chia phần trăm với Lâm trường Ngòi Sảo, người Nậm Vạc được chia 20 – 30 m3 gỗ tại rừng. Kéo gỗ xuống đường để đưa ra ngoài bán thì anh biết đấy: Đường đi lại trong thôn có gần 8 km, thì có tới mấy km là không thể đi lại được. Kéo được cây gỗ ra ngoài bán chưa lỗ tiền công đi làm đã là may lắm rồi. Cái khó, cứ bó lấy cái khôn; chính quyền, các đoàn thể trong xã cũng đã tính đủ đường để Nậm Vạc thoát nghèo. Tuy nhiên, Nậm Vạc vẫn còn khó, cần có một con đường có nền cứng chắc để người Nậm Vạc từng bước đi lên. Anh Dũng bộc bạch.

Đánh giá thực tiễn năm 2021, cho thấy: Nậm Vạc có 81 hộ, 310 nhân khẩu, 3 dân tộc. Trong đó, dân tộc Tày 8 hộ, Kinh 6 hộ, còn lại 67 hộ dân tộc Nùng. Đời sống người dân Nậm Vạc là sản xuất nông nghiệp và liên kết nhận khoán trồng rừng với Lâm trường Ngòi Sảo. Thu nhập bình quân trong thôn năm 2021, ước đạt 23 triệu đồng/người/năm, đạt 57,8% so với mức trung bình của xã. Hết năm 2021, Nậm Vạc mới có 5 hộ gọi là khá, 5 hộ trung bình, vẫn còn 44 hộ nghèo và 27 hộ cận nghèo; còn 5 căn nhà tạm chưa thể xóa được. Khó khăn về kinh tế vẫn chưa phải là nỗi trăn trở nhất của các bậc phụ huynh có con đi học. Khó khăn kinh tế trước mắt sẽ qua, con trẻ đến trường khó khăn mới là nỗi lo cho tương lai sau này. Cả thôn Nậm Vạc hiện có 14 trẻ học Mầm non, 46 trẻ học Tiểu học, 21 trẻ học THCS và 16 trẻ em đang ngày này, qua ngày nọ vất vả với đoạn đường theo học PTTH ngoài trung tâm xã Kim Ngọc.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền cho biết: Gắn bó với các em học sinh nghèo ở Nậm Vạc đã ngót chục năm chỉ mong nhà nước, các cơ quan, ban, ngành chức năng quan tâm đến Nậm Vạc để có con đường bê tông thuận lợi cho việc đi lại, phát triển kinh tế. Đây cũng là mong mỏi lớn nhất của người dân, khi giao thông thuận lợi ắt Nậm Vạc mới từng bước vươn lên thoát nghèo.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202201/gian-nan-duong-den-nam-vac-786374/