Chật vật với chương trình giáo dục phổ thông mới (*): 'Khủng hoảng' vì chọn môn học
Khi vào lớp 10, nhiều môn học cơ bản nhưng học sinh không chọn có nguy cơ biến mất; giáo viên không còn giờ dạy dễ dẫn tới khủng hoảng thừa - thiếu nhân sự ngày càng trầm trọng
Bốn năm triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 (chương trình mới), bài toán nhân sự cho ngành giáo dục vẫn còn khá mông lung khi nhiều môn học vẫn không tuyển được giáo viên (GV), không thể xếp được tổ hợp theo chủ trương của chương trình mới.
Nhiều môn học có nguy cơ biến mất
Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 có sự xáo trộn rất lớn về đội ngũ nhân lực ở tất cả các cấp học phổ thông vì có thêm nhiều môn học mới. Theo đó, so với chương trình 2006, cấp tiểu học có thêm môn học mới là tin học và công nghệ. Ở cấp THCS, môn tin học trở thành bắt buộc (trước đây là tự chọn).
Các môn lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp cũng có cách tổ chức dạy học khác so với trước. Ở cấp THPT, các môn học bắt buộc bao gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.
Các môn học được lựa chọn theo nhóm khoa học xã hội (gồm các môn giáo dục kinh tế và pháp luật, địa lý), nhóm khoa học tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học), nhóm công nghệ và nghệ thuật (gồm công nghệ, tin học, nghệ thuật). Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.
Như vậy, ngoài 8 môn học và hoạt động bắt buộc, học sinh (HS) THPT phải chọn tối thiểu 4 môn khác của nhóm môn được lựa chọn để thành các tổ hợp học tập.
Ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ quận 4 - TP HCM, cho biết từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 4 môn, ngay trong dịp hè nhà trường đã tổ chức thực hiện khảo sát cho HS lớp 12 các môn mà các em sẽ chọn thi tốt nghiệp. Sau khi thực hiện khảo sát, trường sẽ dựa vào đó để đưa vào kế hoạch kiểm tra giữa học kỳ I, kỳ II để các em cọ xát trước kỳ thi.
Theo ông Đảo, qua kết quả khảo sát, có những môn học rơi vào nguy cơ… mất trắng khi chỉ có 4 em lựa chọn. Cụ thể, kết quả khảo sát vừa qua, có 4/726 HS lớp 12 chọn môn công nghệ nông nghiệp, 11/726 HS chọn môn tin học là môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. GV chủ nhiệm đã nhiều lần hỏi kỹ càng, nhưng các em vẫn quyết tâm với lựa chọn của mình. "Dù số HS lựa chọn rất ít, nhưng nhà trường vẫn bố trí GV và có kế hoạch ôn tập, kiểm tra đầy đủ" - ông Đảo nói.
Tuy nhiên, theo vị hiệu trưởng này, kết quả khảo sát không đồng nhất việc lựa chọn tổ hợp môn tự chọn của HS từ khi ở lớp 10. Cụ thể, khi lựa chọn môn học tự chọn ở lớp 10, rất nhiều HS chọn môn tin học.
Ông Đảo cho rằng ở năm lớp 10, dù có tư vấn cỡ nào thì khi các em vào học vẫn có độ chênh so với các em nghĩ. Chẳng hạn tại trường, những môn học các em lựa chọn nhiều nhất là toán, ngữ văn, tiếng Anh và vật lý. Ngay từ khi ở lớp 10, các môn công nghệ công nghiệp, công nghệ nông nghiệp hầu như không HS nào chọn. Môn sinh học cũng rất ít, chỉ một số em có định hướng thi các ngành liên quan y, dược mới chọn học. Riêng môn công nghệ nông nghiệp nếu có HS chọn thì cũng vì trong tổ hợp môn có kèm môn sinh học.
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP Thủ Đức - TP HCM cho biết xu hướng chọn môn học đang có sự "lệch lạc" đáng lo ngại. Đó là xu hướng các em chỉ chọn những môn xã hội dù thật sự năng khiếu không phải ở những môn này. Sở dĩ các em chọn môn xã hội là vì quá trình học tập, đánh giá nhẹ nhàng hơn là các môn tự nhiên. Khi thi tốt nghiệp THPT cũng dễ dàng hơn. Kết quả học bạ đẹp, thi tốt nghiệp đẹp thì xét tuyển vào các trường ĐH cũng thuận lợi hơn. "Các em chọn môn chỉ để phục vụ kỳ thi, xét tuyển ĐH mà không phải vì đam mê, thực lực. Như vậy rất nguy hiểm. Ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực sau này" - vị này cho biết.
Thiếu - thừa giáo viên ngày càng nghiêm trọng
Việc các cấp học đều có môn học mới nên cũng đồng nghĩa các trường, các địa phương phải tuyển thêm GV mới có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy ở các nhà trường. Trong khi đó, phần lớn các trường THPT hiện nay đều rơi vào cảnh thiếu trầm trọng GV âm nhạc và mỹ thuật do không có nguồn tuyển. Hiện rất nhiều trường THPT đang phải bỏ môn, bỏ phân môn vì thiếu GV hai môn này.
Bên cạnh đó, từ khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, xu hướng chọn tổ hợp môn tự chọn càng bị tác động mạnh mẽ. Thực tế ở nhiều cơ sở giáo dục, có nhiều GV… quên hẳn chuyên môn chính của mình là dạy môn gì, bởi GV sẽ không có tiết dạy nếu HS không chọn.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1 - TP HCM), cho biết chỉ tính riêng môn hóa học, số GV biên chế trong trường trước đây dạy cho 15 lớp thì nay chỉ còn 4 lớp. Theo ông Phú, có GV thuộc tổ công nghệ không còn giờ dạy nào. Bản thân ông là hiệu trưởng, theo quy định vẫn phải đứng lớp dạy một số tiết nhưng GV còn thiếu giờ dạy nên không thể "giành giật" với họ được. "Chuyên môn của tôi là GV hóa học nhưng không thể dạy do GV dư quá nhiều. Tôi phải chuyển sang nghiên cứu môn giáo dục địa phương để dạy cho đủ số tiết theo quy định" - ông Phú băn khoăn.
Theo Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú, tình trạng tại một số trường, HS chỉ chọn các môn tự nhiên; ngược lại có trường thì HS chỉ chọn các môn xã hội, dẫn đến mất cân bằng, việc thừa - thiếu GV càng nghiêm trọng.
Ông Đỗ Đình Đảo cho biết tình trạng thừa thiếu GV, thiếu tiết, thiếu lớp khi chương trình mới triển khai đã được dự báo trước. Điển hình tại trường, nếu không sắp xếp dạy các môn khác, GV các môn lý, hóa, sinh, địa đều không đủ tiết dạy do HS không chọn môn.
Sau 4 năm, triển khai chương trình mới, ở một số môn hiện nay đang phải thực hiện chắp vá, chưa tạo được sự liền mạch nên không thể đạt được kết quả cao nhất. Chính Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, việc triển khai thực hiện dạy học các môn học tích hợp như khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, nội dung giáo dục địa phương; tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp… ở một số địa phương còn gặp khó khăn. Việc tổ chức các hoạt động trong giờ học đôi khi vẫn còn biểu hiện hình thức, thiếu hiệu quả, chưa đúng bản chất. Nguyên nhân là do nhận thức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, GV còn hạn chế; GV hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đảm nhận toàn bộ môn học;... dẫn tới việc triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT còn chưa đúng với tinh thần đổi mới, gây khó khăn, kém hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bộ GD-ĐT cũng cho hay kết quả điều tra, khảo sát thực tế ý kiến của cán bộ quản lý (theo đánh giá giữa kỳ thực hiện chương trình mới) thì đội ngũ GV tại các trường học hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 80% số lượng và chất lượng. Việc thiếu GV làm ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy, hoạt động giáo dục, bố trí công tác và sắp xếp cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn theo quy định. Đa số các trường THPT chưa có GV môn nghệ thuật để HS lựa chọn môn học theo quy định trong chương trình mới. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng, thu hút đội ngũ GV gặp nhiều khó khăn, nhất là GV dạy môn tích hợp, môn học mới do chưa có nguồn GV được đào tạo.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-9
Kỳ tới: Dạy "chay" vì thiếu trang thiết bị
Kỳ trước: Chật vật với chương trình giáo dục phổ thông mới
Nguồn tuyển GV một số môn đặc thù còn thiếu
Theo Bộ GD-ĐT, cả nước còn thiếu 113.491 GV các cấp học mầm non, phổ thông. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Chỉ tiêu phân bổ GV cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỉ lệ GV/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ GD-ĐT, gây khó khăn cho việc dạy - học.
Một báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy tỉ lệ GV/lớp học cấp tiểu học bình quân đạt 1,33 GV/lớp, thấp hơn định mức là 1,5 GV/lớp; cấp THCS bình quân đạt 1,79 GV/lớp, thấp hơn định mức là 1,9 GV/lớp; cấp THPT bình quân đạt 2,07 GV/lớp, thấp hơn định mức là 2,25 GV/lớp.
Tình trạng thiếu GV cục bộ vẫn tồn tại hầu hết các địa phương, nhất là GV dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học. Nguyên nhân chủ yếu là do sức hút vào ngành còn hạn chế; tình trạng GV nghỉ việc vẫn còn cao; nguồn tuyển GV một số môn học đặc thù còn thiếu. Trong khi đó, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.