Gian nan giải thể doanh nghiệp
Cuộc khảo sát thực trạng cung cấp, thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp năm 2024 do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) tiến hành ghi nhận những khó khăn lớn trong quá trình giải thể doanh nghiệp.

“Tôi giải thể công ty, đến trụ sở hành chính công hỏi chỗ này thì được chỉ qua chỗ kia, hỏi bắt đầu từ hồ sơ gì thì không có câu trả lời, xin mẫu điền cũng nói không có. Vậy thôi, tôi quyết toán đủ thuế, hủy hóa đơn chưa sử dụng và từ đó để công ty tồn tại hoài dù đã không hoạt động nhiều năm”, một hộ gia đình ở Long An phản ánh.
Tại Hà Nội, doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin cho biết, để giải thể, phải khôi phục hoạt động mới được đóng thuế còn nợ trong khi thủ tục khôi phục hoạt động rất phức tạp, doanh nghiệp phải nộp đủ loại báo cáo trong nhiều năm dù đã dừng hoạt động. Chưa kể, doanh nghiệp dù chỉ nợ 2 triệu đồng thuế môn bài vẫn phải thuê kế toán làm báo cáo và nộp phạt khoản tiền gấp nhiều lần số thuế nợ.
Doanh nghiệp khác trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ tại TPHCM kể: “Gần một năm nay vẫn chưa xong thủ tục giải thể cho một công ty không hoạt động ngày nào” vì “cán bộ thuế bắt cung cấp một núi giấy tờ”. Cũng ở TPHCM, doanh nghiệp dệt may cho biết, giải thể mà vẫn tốn chi phí thuế và thủ tục hành chính kéo dài nên doanh nghiệp không mặn mà.
Đây là những câu chuyện được nhóm khảo sát thực trạng cung cấp, thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp năm 2024 của Ban IV đưa vào báo cáo được công bố tuần trước, để minh chứng rằng, quy trình thủ tục liên quan đến giải thể hoặc tạm ngừng kinh doanh hiện là một trong những rào cản lớn nhất với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Khi những doanh nghiệp không có nhu cầu tồn tại được rút lui khỏi thị trường một cách nhanh chóng và đúng luật, sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh; đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo trong nền kinh tế.
Cụ thể, doanh nghiệp cho biết quy trình thủ tục liên quan đến giải thể hoặc tạm ngừng kinh doanh kéo dài và phức tạp hơn so với thủ tục thành lập doanh nghiệp. Sự phức tạp này xuất phát từ việc các cơ quan quản lý chưa đồng bộ và không thống nhất về quy trình xử lý. Ví dụ điển hình là dù Tổng cục Thuế không yêu cầu song một số chi cục thuế vẫn buộc doanh nghiệp phải khôi phục hoạt động để đóng mã số thuế. Việc này khiến doanh nghiệp phải mất thêm thời gian và chi phí để thực hiện các báo cáo thuế và các thủ tục khác, ngay cả khi doanh nghiệp không còn hoạt động.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của doanh nghiệp, họ không nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn rõ ràng từ các cơ quan quản lý trong suốt quá trình giải thể. Cũng vì phải tự mày mò các thủ tục, doanh nghiệp thường xuyên bị trả lại hồ sơ với lý do thiếu giấy tờ hoặc sai quy trình, làm tăng thêm thời gian giải quyết.
Quy trình phức tạp, không nhất quán, thiếu sự linh hoạt và thiếu sự hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan quản lý không chỉ làm tăng chi phí giải thể mà còn khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, kéo dài thời gian xử lý thủ tục và giảm động lực để hoàn tất việc giải thể. Không ít doanh nghiệp phải kéo dài thời gian tồn tại trên giấy tờ để tránh chi phí giải thể, trong khi thực tế không còn khả năng hoạt động hiệu quả.
Trên thương trường cạnh tranh khốc liệt, vì thế, cùng với hàng chục ngàn doanh nghiệp ra đời mỗi năm thì cũng có hàng chục ngàn doanh nghiệp vì nhiều lý do phải rút khỏi thị trường bằng cách phá sản hoặc giải thể, trong đó hình thức giải thể là phổ biến nhất. Theo số liệu của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, năm 2024 có hơn 21.600 doanh nghiệp giải thể, trong đó phần lớn có thời gian hoạt động dưới năm năm (gần 67%) và tập trung ở quy mô vốn từ 0-10 tỉ đồng (chiếm 87,7%). Cũng trong năm 2024, có hơn 76.100 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng (hơn 90%)...
Nếu hàng chục ngàn doanh nghiệp này có thể giải thể nhanh gọn sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và tránh được các vấn đề phát sinh về sau, trong đó có rủi ro pháp lý. Đặc biệt, khi việc giải thể không quá khó khăn, các doanh nhân cũng có thể sẵn sàng thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới mà không phải lo ngại về những thủ tục phức tạp nếu muốn đóng cửa một doanh nghiệp không thành công… Đối với cơ quan thuế, cũng giảm được áp lực công việc khi phải theo dõi, quản lý những doanh nghiệp chờ giải thể, hoặc không thể giải thể.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 đang được đề xuất sửa đổi. Đây là cơ hội để rà soát, cải cách và hoàn thiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo hướng thuận lợi hơn. Khảo sát của Ban IV cho thấy, vướng mắc lớn nhất trong quá trình giải thể doanh nghiệp dường như nằm ở khâu kiểm tra hồ sơ thuế của cơ quan thuế. Bởi lẽ, trước khi tiến hành giải thể, doanh nghiệp phải bảo đảm nghĩa vụ thuế đã được hoàn tất và có xác nhận từ phía cơ quan thuế; còn các nghĩa vụ liên quan đến chủ nợ hay bên thứ ba khác đôi khi có thể được doanh nghiệp xử lý linh hoạt hơn, tùy theo tình hình cụ thể. Như vậy, tiến trình cải cách thủ tục giải thể doanh nghiệp cần tập trung vào khâu này. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ giải thể nên được thiết kế thật đơn giản bởi bản chất hoạt động của những doanh nghiệp này phát sinh không nhiều, thay vì chung “đồng phục” thủ tục với doanh nghiệp lớn.
Khi những doanh nghiệp không có nhu cầu tồn tại được rút lui khỏi thị trường một cách nhanh chóng và đúng luật, sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh; đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo trong nền kinh tế. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh nước ta đang hướng đến tăng trưởng hai con số trong một thời gian dài và kinh tế tư nhân đã được xác định là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gian-nan-giai-the-doanh-nghiep/