Gian nan 'gieo' chữ nơi đảo xa

Từ 2 phòng học đơn sơ trên xã đảo Thổ Châu (TP Phú Quốc tỉnh Kiên Giang), trải qua 28 năm, đến nay đã trở thành ngôi Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu khang trang với đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, tâm huyết truyền đạt kiến thức cho học sinh…

Hòn đảo cách xa đất liền (TP Rạch Giá, Kiên Giang) khoảng 220km về phía vùng biển cực Tây Nam của Tổ quốc có tên Thổ Châu, được thành lập năm 1993, lúc ấy ở xã chưa có trường học. Đến năm học 1994-1995, theo chủ trương của cấp ủy, chính quyền, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc) cử thầy Mai Văn Bình ra xã dạy học. Đến tháng 21995, thầy Đào Hữu Quốc tiếp tục được cử ra đảo cùng thầy Bình dạy học cho các em học sinh và gắn bó cho đến nay.

Có dịp ra tận đây được nghe lại những câu chuyện, khó khăn, gian nan của các thầy cô mới thấy trân quý tấm lòng của họ đối với các em vùng đảo xa xôi này. Chia sẻ với chúng tôi thầy Đào Hữu Quốc cho biết: Lúc đầu, trên đảo chưa xây dựng phòng học, nên phải dạy học nhờ địa điểm của Bộ đội biên phòng. Sau này mới xây dựng được 2 phòng học đơn sơ và làđiểm trực thuộc Trường Tiểu học An Thới 1, đến năm 1997, do chia tách trường nên điểm học lại trực thuộc Trường Tiểu học An Thới 3 của huyện Phú Quốc…

Thầy Đào Hữu Quốc nhớ lại: “Thời gian đầu chỉ có hai giáo viên, học sinh trên đảo cũng ít nên tôi tổ chức lớp học ghép cho các khối lớp có ít học sinh. Dù thời điểm còn rất khó khăn nhưng học trò ham học, đôi mắt các em sáng lên khi học được những kiến thức mới khiến cho chúng tôi có thêm động lực “truyền” chữ…”.

Cũng theo thầy Quốc hồi đó đảo nghèo lắm, người dân lại thưa thớt, nhưng được cái người dân thương mến đùm bọc giáo viên lắm. Những buổi chiều sau khi kết thúc tiết dạy bà con ở đảo thường mời thầy cô đến nhà dùng cơm, có rau ăn rau, có cá ăn cá vậy mà bữa cơm lại luôn nồng ấm yêu thương và ngon lành biết bao.

Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu được quan tâm trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ giảng dạy, học tập.

Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu được quan tâm trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ giảng dạy, học tập.

Theo chia sẻ từ đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu, ngày 21/8/2001, UBND huyện Phú Quốc có quyết định thành lập Trường Trung học cơ sở Thổ Châu trên cơ sở tách bộ phận của Trường Tiểu học An Thới 3, thuộc xã đảo Thổ Châu. Trải qua nhiều lần đổi tên, hiện ngôi trường mang tên Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu. Trường hiện có 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 2 giáo viên bậc mẫu giáo. Trường hiện có cấp tiểu học, trung học cơ sở và có thêm điểm mẫu giáo, với tổng 304 trẻ, học sinh từ lớp chồi cho đến lớp 9. Ở mỗi khối chỉ có 1 lớp học, trong đó lớp 9 chỉ có 10 học sinh.

Quê ở tận thủ đô Hà Nội, với tình yêu biển, đảo, cô Tạ Thị Hồng Kiều làm đơn tình nguyện vào xã đảo Thổ Châu công tác từ tháng 9-2014. Sau thời gian phấn đấu, hiện cô Kiều là tổ trưởng tổ tiểu học, Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu. Cô Kiều tâm sự vào xã đảo thấy đời sống học sinh còn nhiều khó khăn, nên cô càng dành trọn tình thương cho học trò, không khại khó khăn truyền thụ kiến thức cho các em. “Ở xã đảo, lúc trước điện chưa có 24/24 giờ nên rất ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, học tập của các em. Dù vậy, là giáo viên, tôi dùng cả tấm lòng để dạy các em, chỗ nào các em chưa hiểu thì hướng dẫn thêm để các em nắm kiến thức”, cô Kiều nói.

Các em học sinh của Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu hứng khởi trong giờ học.

Các em học sinh của Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu hứng khởi trong giờ học.

Chia sẻ với chúng tôi em Nguyễn Văn Thanh, học sinh lớp 9 của trường bộc bạch: “Thầy cô giáo dạy học rất tận tình, cặn kẽ để chúng em dễ dàng nắm được kiến thức. Ở đây học hành cũng khó khăn, gia đình lại ở ngay đảo nên lúc đầu em tính học hết lớp 9 sẽ ở lại. Nhưng được thầy cô khuyên bảo, động viên tiếp tục theo học nên em dự tính sau khi học xong lớp 9, sẽ thi vào trường vừa học chữ vừa học nghề ở TP Phú Quốc để tiếp tục học tập và sau này có nghề nghiệp ổn định chăm lo cho bản thân, gia đình…”.

Còn nhiều trăn trở trong công tác giảng dạy cũng như việc chăm lo truyền đạt kiến thức cho các em, cô Hoàng Thị Huệ - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu cho biết: Trường vẫn còn gặp khó khăn trong công tác giảng dạy như cơ sở vật chất còn chưa đảm bảo. Một số phụ huynh do bận việc mưu sinh như nuôi cá và sinh sống ở các lồng bè, một số đi làm biển chưa quan tâm nhiều đến việc học của các em. Trong khi đó tới mùa biển động, các gia đình chuyển từ Bãi Ngự sang Bãi Dong sinh sống cũng gây ảnh đến việc sinh hoạt, học tập của các em… Hơn nữa, trường chỉ dạy tới lớp 9, sau khi các em tốt nghiệp trung học cơ sở phải vào đất liền học, nhưng không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện chăm lo cho các em học tiếp...

Trẻ em ở đảo Thổ Châu vui vẻ nô đùa ở biển.

Trẻ em ở đảo Thổ Châu vui vẻ nô đùa ở biển.

“Trước những khó khăn đó, đội ngũ giáo viên nhà trường luôn cố gắng động viên học sinh đến trường. Những trường hợp học sinh nghèo, đặc biệt khó khăn, trường vận động nhà hảo tâm tặng sách, vở, đồng phục để các em đến lớp. Có những trường hợp thì trường giới thiệu cho Đồn Biên phòng Thổ Châu, Trung đoàn 152 (Quân khu 9) nhận nâng bước em đến trường bằng việc hỗ trợ hàng tháng cho các em”, cô Hoàng Thị Huệ cho biết.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thổ Châu có phòng máy vi tính, trong các phòng học có ti vi trình chiếu cho học sinh. Cô Hoàng Thị Huệ chia sẻ thêm: “Lúc trước trên xã đảo chưa có internet, giáo viên soạn giáo án chủ yếu là viết tay, vẽ thêm tranh minh họa để các em dễ hiểu. Khoảng 2 năm gần đây, xã đảo có mạng internet, giáo viên soạn giáo án điện tử, khai thác thêm tài liệu, hình ảnh trên mạng để giảng dạy cho học sinh, từ đó giúp các em học dễ hiểu hơn, tỷ lệ học sinh học khá, giỏi cũng nâng lên qua các năm học. Với những kết quả đạt được trong thời gian qua là động lực để tập thể, giáo viên nhà trường tiếp tục nỗ lực giảng dạy trong thời gian tới…”.

Thổ Châu cảnh vật cơ bản còn nguyên cơ với nhiều cảnh đẹp...

Thổ Châu cảnh vật cơ bản còn nguyên cơ với nhiều cảnh đẹp...

Thu Chí

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gian-nan-gieo-chu-noi-dao-xa-5717248.html