Gian nan giữ hồn cho đất
Bên dòng suối Tà Pa thơ mộng thuộc xã Sơn Thượng (Sơn Hà) có căn nhà sàn, mà ở đó, những nhạc cụ dân tộc của người ông để lại được con cháu nâng niu như báu vật. Đó là những chiếc sáo Tà-vỗ do ông Đinh Ngọc Su tự tay chế tác và để lại trước lúc qua đời. Rồi mỗi lúc rỗi, người cháu của ông Su lại mang sáo ra tập thổi. Cũng là để nhớ về tiếng sáo Tà-vỗ của ông Su ngày trước và làm theo lời dặn của ông.
Nuôi nghiệp tổ tiên
Căn nhà đơn sơ mà ông Su để lại cho vợ và các cháu chẳng có gì đáng chú ý ngoài cái tủ gỗ với cửa kéo bằng gương mà chỉ cần nhìn vào là có thể thấy 2 chiếc sáo đất được đặt trang nghiêm. Đây là sáo do chính tay ông Su làm mà thuở sinh thời ông vẫn đem theo đi biểu diễn khắp các tỉnh thành trong nước, kể cả lần đi giao lưu ở xứ Hàn năm 2009.
Ông Đinh Ngọc Su hay già Su (cái tên thân mật mà người làng Éc vẫn hay gọi ông) là nghệ nhân nhân dân có thể chơi thuần thục và chế tác được hầu hết các loại nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt là sáo Tà-vỗ, nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Hrê mà ngoài già Su ra chẳng còn mấy ai biết chế tác và sử dụng.
Luôn trăn trở việc phải lưu giữ những tinh hoa của dân tộc mình, ngày ấy già Su dành nhiều tâm huyết truyền dạy lớp trẻ cách sử dụng Tà-vỗ. Không chỉ dạy cho những đứa trẻ trong làng mà già còn tìm đến Trường tiểu học Sơn Thượng dạy sáo với hi vọng tìm thêm được nhiều truyền nhân để loại nhạc cụ này không bị mai một.
Nhưng trải qua thời gian, trong số lớp trẻ được truyền nghề đến nay chỉ còn lại người cháu ngoại của già Su là anh Đinh Ka Ka (1995) còn say mê và biết sử dụng loại sáo đất này.
Từ nhỏ, Ka Ka đã thường xuyên xem ông Su chơi các loại nhạc cụ dân tộc. Lên 10, Ka Ka bắt đầu theo ông học thổi sáo Tà-vỗ. Và cứ vậy, Ka lớn lên cùng tiếng sáo. Suốt chừng ấy thời gian gắn bó, tìm hiểu đã giúp Ka có niềm đam mê đối với loại nhạc cụ bằng đất và quyết tâm nối nghiệp ông Su.
Anh Ka tâm sự, “Ngày đó, ông Su vẫn hay dặn, đất sét để không chỉ là đất sét. Nhưng sau khi được lấy, nhào nặn tạo hình thành sáo thì đất sét chính là tâm hồn mình. Ông mong chúng tôi phải luôn yêu, luôn giữ lấy cục đất sét ấy. Bởi nó là đời sống văn hóa tinh thần, là cội nguồn quê hương của người đồng bào Hrê.”
Giữ "nghiệp đất" không dễ
Ngược dòng thời gian về quá khứ cách đây gần 1 năm, lúc ông Su chưa mất, không khí tại làng Éc, nơi mà ông Su cùng gia đình sinh sống vui tươi và nhộn nhịp hơn hẳn. Cứ mỗi chiều về, tiếng sáo Tà-vỗ của ông Su lại vang lên.
Trẻ nhỏ, người già nghe tiếng Tà-vỗ lại lũ lượt kéo đến. Người làm keo, làm rẫy sau 1 ngày dài làm việc vất vả vội sang nhà ông Su. Cả những người đang chăn trâu trên những ngọn đồi hay con suối Tà Pa nghe âm vang của sáo Tà-vỗ cũng muốn lùa trâu về để xem ông Su biểu diễn. Cứ vậy, tiếng sáo Tà-vỗ của ông Su dẫn trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người Hrê ở làng Éc.
Đam mê là vậy, nhưng để thể hiện được tiếng sáo Tà-vỗ giống ông Su là điều không dễ, đòi hỏi người chơi sáo phải nuôi dưỡng suốt đời. Không chỉ biết thổi sáo đơn thuần mà còn phải thuộc nhịp điệu, am tường các điệu hát ru, Ka Lêu, Ka Choi,.. và đặc biệt hơn hết là phải biết cách chế tác.
Ở làng ngày đó chỉ mỗi ông Su biết cách tìm đất làm sáo Tà-vỗ. Cách làm Tà-vỗ không khó nhưng đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm để có thể tiến hành các khâu từ lấy đất đến tạo hình. Đầu tiên phải tìm được loại đất sét thật dẻo, mịn, không lẫn sỏi cát. Đất phải có mùi thơm đặc trưng, thường được lấy vào buổi sáng sau cơn mưa giông thì sáo thổi mới hay.
Đất lấy về đem nhào thật kĩ với nước cho mềm rồi tạo hình thành khối tròn, đầu to đầu nhỏ giống trái u ma. Sau đó cắt sáo làm đôi, dùng cây nhọn khoét rỗng ruột, đục 4 lỗ, gắn hai phần lại và đem phơi từ 2 đến 3 nắng cho khô. Công đoạn khó nhất khi làm sáo là đục lỗ. Lỗ không được to quá, cũng không nhỏ quá. Sáo thổi phải có tiếng thanh và vang, chàng trai 9x nói như đã thuộc làu.
Ngày đó, nghệ nhân Đinh Ngọc Su đã thử đi nhiều nơi trong vùng để tìm đất sét. Và ông tìm được thứ đất ông cần ở mỏm đất ngay bìa rừng gần con suối Tà Pa. Bây giờ, mỗi lần muốn làm Tà-vỗ, anh Ka cũng đến nơi này để lấy đất. Nhưng dù cố gắng nhường nào thì chiếc sáo đất anh Ka làm cũng không thể đẹp, phát ra âm to và thanh như ông Su.
Đã 15 năm kể từ ngày bắt đầu học thổi Tà-vỗ. Cứ đến giờ nghỉ ngơi sau một ngày lên rừng làm rẫy, hay lúc ngồi chăn trâu tôi lại đem sáo ra tập thổi. Nhưng tiếng Tà-vỗ của tôi chẳng thể nào có được nhịp điệu réo rắt, vui tai như ông Su ngày đó. Mỗi lúc như vậy tôi lại nhớ đến ông. Nhớ lời ông dặn thay ông gìn giữ Tà-vỗ, cũng là gìn giữ lại bản sắc dân tộc để trao truyền cho lũ trẻ sau này.
Tôi hi vọng sau 5 năm, 10 năm hay thậm chí vài chục năm nữa, mình sẽ thực hiện được mong ước của ông Su là thổi Tà-vỗ thuần thục và truyền lại cho lớp trẻ. Hoặc biết đâu mai này tôi có thể mang theo Tà-vỗ biểu diễn ở nhiều nơi trong nước, hay thậm chí ở Hàn như ông Su đã từng, anh Ka cười, đôi mắt như sáng hẳn lên.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho hay, do tác động của con người và trải qua thời gian, vốn văn hóa nhạc cụ dân tộc ngày càng bị mai một. Việc nghệ nhân Đinh Ngọc Su qua đời cũng là một sự khó khăn và mất mát của đồng bào Hrê.
Với một huyện có 80% dân số là người đồng bào Hrê như Sơn Hà thì việc giữ gìn, tiếp nối các loại nhạc cụ dân tộc nói chung và sáo Tà-vỗ nói riêng là hết sức cần thiết. Bởi đó là dấu hiệu nhận biết sự khác biệt và cũng là nét đép văn hóa của mỗi cộng đồng.
Trước thực trạng ấy, hằng năm huyện cũng phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức những lớp truyền dạy các loại nhạc cụ, dân ca đồng bào dân tộc Hrê. Tổ chức sinh hoạt cộng đồng, văn nghệ dân gian, liên hoan đàn hát dân ca định kỳ để khuyến khích các tiết mục văn nghệ của bà con.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202007/gian-nan-giu-hon-cho-dat-3015144/