Gian nan giữ rừng mùa mưa
Vào mùa mưa, khi núi rừng Điện Biên chìm trong những trận mưa lớn kéo dài cũng là thời điểm lực lượng kiểm lâm không thể lơ là trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đối mặt với muôn vàn gian nan, vất vả trên những con đường trơn trượt, hiểm trở, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn giữa rừng sâu nhưng tinh thần của những người lính gác rừng vẫn luôn lạc quan, nỗ lực hết mình để làm tốt công tác tuần tra, bảo vệ 'lá phổi xanh' nơi cực tây Tổ quốc.

Địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn gây không ít vất vả cho lực lượng kiểm lâm và cộng đồng tham gia tuần tra, bảo vệ rừng. (ảnh: C.T.V)
Từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm, Điện Biên bước vào mùa mưa kéo dài, mang theo những cơn mưa lớn, dai dẳng suốt ngày đêm. Đây cũng là thời điểm lực lượng kiểm lâm phải căng mình đối mặt với muôn vàn khó khăn trong công tác bảo vệ rừng. Địa hình miền núi hiểm trở, đường rừng trơn trượt, lầy lội, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt khiến việc tuần tra, kiểm soát rừng trở nên vô cùng gian nan, nguy hiểm. Thế nhưng, những người lính kiểm lâm vẫn không quản ngại vất vả, ngày đêm túc trực, bám sát địa bàn, canh giữ từng cánh rừng để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi khai thác lâm sản trái phép.
Theo chia sẻ của nhiều cán bộ kiểm lâm, chính vào dịp lễ, Tết hay những ngày mưa lớn, lâm tặc thường lợi dụng thời điểm lực lượng mỏng hoặc chủ quan để lén lút chặt phá rừng, săn bắt động vật hoang dã, khai thác lâm sản trái phép. Do đó, việc tăng cường tuần tra trong mùa mưa là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Các tổ tuần tra thường xuyên phải băng rừng, vượt suối, đối mặt với nguy cơ tai nạn do lũ ống, lũ quét xảy ra bất ngờ.
Anh Nguyễn Xuân Hưng, cán bộ Kiểm lâm địa bàn xã Núa Ngam cho biết: “Mùa mưa, lâm tặc hay hoạt động ban đêm, nghĩ chúng tôi không dám đi. Nhưng anh em vẫn trực 24/24, thường xuyên đến các điểm nóng để nắm bắt tình hình. Dù đường trơn, dốc cao hay suối sâu, chúng tôi vẫn cố gắng tuần tra, quyết không để xảy ra khai thác rừng trái phép”.
Không chỉ đối mặt với địa hình hiểm trở, mùa mưa lũ còn khiến lực lượng kiểm lâm gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày khi đi tuần tra rừng. Những ngày mưa lớn kéo dài, việc tiếp cận lương thực, thực phẩm trở nên khó khăn. Củi bị ướt, nước suối đục ngầu khiến việc nấu ăn rất vất vả. Nhiều chuyến đi, anh em kiểm lâm phải trú tạm trong các lán trại ướt sũng, ăn vội mì tôm sống hay lương khô để cầm cự, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Không chỉ vậy, âm thanh máy cưa để phát hiện lâm tặc cũng bị át đi bởi tiếng mưa, gió, thác suối ầm ầm, khiến việc định hướng trở nên khó khăn. Trong khi tuần tra mùa khô có thể sử dụng xe máy và mang theo đầy đủ vật dụng, thì mùa mưa buộc anh em phải đi bộ, chỉ mang theo áo mưa và ít lương khô.
Ông Nguyễn Đình Cương, kiểm lâm huyện Mường Nhé chia sẻ: “Tuần tra mùa mưa rất vất vả. Nhiều hôm nước suối dâng cao, anh em phải mắc võng ngủ lại rừng. Có khi gặp rắn, vắt hay các loại côn trùng tấn công, nếu không biết sơ cứu thì rất nguy hiểm đến tính mạng”.

Cộng đồng dân bản ở xã Mường Pồn đồng hành cùng kiểm lâm địa bàn tham gia tuần tra, giữ rừng trong mùa mưa bão.
Điện Biên có tổng diện tích tự nhiên hơn 953.000ha, trong đó diện tích quy hoạch lâm nghiệp chiếm tới 592.000ha, tương đương 62% toàn tỉnh. Với diện tích rừng có trên 426.000ha cùng địa hình đồi núi hiểm trở, chia cắt phức tạp, công tác bảo vệ rừng tại đây luôn là nhiệm vụ đầy gian nan, nhất là trong mùa mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm. Những trận mưa lớn gây ra lũ lụt, sạt lở đất ở nhiều khu vực không chỉ ảnh hưởng đến đời sống dân cư mà còn khiến công tác tuần tra, quản lý rừng gặp nhiều trở ngại.
Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Bảo vệ rừng mùa mưa không chỉ là thử thách thể chất mà còn là bài toán ứng phó với biến đổi khí hậu. Các điểm nóng dễ bị lâm tặc lợi dụng khi mưa to, trong khi điều kiện di chuyển vô cùng khó khăn.” Để ứng phó, Chi cục đã chỉ đạo tăng cường lực lượng tuần tra, trang bị thêm áo mưa chuyên dụng, máy định vị, đèn pin đội đầu và tổ chức phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, người dân bản để nắm bắt, dự báo sớm hoạt động của các nhóm đối tượng vi phạm. Dù đối mặt nhiều nguy hiểm, anh em kiểm lâm vẫn luôn giữ vững tinh thần kiên cường, sẵn sàng ứng phó trong mọi điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, để công tác giữ rừng hiệu quả và bền vững hơn rất cần sự chung tay của cộng đồng, nhất là người dân địa phương - những “tai mắt” đầu tiên bảo vệ rừng”.

Trong mùa mưa, bên cạnh việc đến trực tiếp hiện trường, lực lượng kiểm lâm còn sử dụng thiết bị kỹ thuật, công nghệ thông tin để kịp thời phát hiện các vụ việc xâm hại rừng.
Giữ rừng mùa mưa là nhiệm vụ đầy gian nan song với sự đồng hành của cộng đồng dân cư địa phương đã tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng kiểm lâm. Người dân các thôn, bản không chỉ cung cấp thông tin, mà còn trực tiếp cùng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng. Ông Lò Văn Bình, bản Lĩnh, xã Mường Pồn chia sẻ: “Chúng tôi coi rừng như tài sản của mình, nên luôn sẵn sàng đồng hành cùng kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng kể cả những ngày mưa gió. Sự gắn bó giữa bà con dân bản và lực lượng kiểm lâm đã giúp bảo vệ rừng hiệu quả, đồng thời còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của mỗi người trong việc gìn giữ tài nguyên thiên nhiên”.
Chặng đường giữ rừng của lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh luôn gian nan, đặc biệt trong mùa mưa. Họ đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, địa hình nguy hiểm, áp lực từ tội phạm phá rừng và sự thiếu hụt nguồn lực. Nhưng sự kiên trì, tinh thần không khuất phục, cùng sự hỗ trợ quý giá từ người dân và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo ngành kiểm lâm đã giúp họ vượt qua thử thách, giữ vững màu xanh của núi rừng.