Gian nan hành trình đòi lại đất từ tay em gái ruột

Hơn 8 năm về nước, người cựu chiến binh – nạn nhân chất độc da cam này đã để lại vợ con nơi đất khách, quê người, một mình trở về Việt Nam với mong muốn được xây dựng một mái nhà trên chính mảnh đất của mình. Thế nhưng, chừng ấy thời gian qua lại là chuỗi ngày gian khổ đến cùng cực trong 'cuộc chiến' giành lại đất từ tay người em gái ruột.

Bản án chưa thấu tình, đạt lý

Như đã thông tin trong bài viết "Người cựu binh già gần 10 năm phải đi ở nhờ vì mảnh đất của mình bị vợ chồng em gái chiếm mất", suốt gần 10 năm qua, ông Cao Đức Ứng (sn 1949, trú tại thôn Bờ Đa, xã An Lạc, TP. Chí Linh, Hải Dương), cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam đã phải lặn lội từ Bungari về Việt Nam để lấy lại mảnh đất mà mình bỏ tiền ra mua, nay bị chính người em gái ruột chiếm mất.

Dãy ki - ốt được vợ chồng bà Thi tự ý xây dựng trên mảnh đất của ông Ứng rồi cho thuê, kiếm lời.

Dãy ki - ốt được vợ chồng bà Thi tự ý xây dựng trên mảnh đất của ông Ứng rồi cho thuê, kiếm lời.

Trước đó, ngày 11/05/2018, VKSND tỉnh Hải Dương đã có Quyết định số 01/QĐKNPT-VKS-DS Quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án sơ thẩm dân sự số 04/2018/DS-ST ngày 26/4/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương.

Theo đó, VKSND tỉnh Hải Dương nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông Ứng.

Cơ quan này cho rằng, việc Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương giao cho vợ chồng ông Ứng 05 gian ki-ốt, móng nhà đã xây dựng trên đất và buộc vợ chồng ông phải trả giá trị công trình trên đất cho vợ chồng, con cái bà Thi là không phù hợp và vi phạm nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Bộ luật dân sự 2015, gây thiệt hại đến quyền lợi của vợ chồng ông Ứng.

Tuy nhiên, tại bản án số 38/2019/DS-PT ngày 9/4/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vẫn quyết định giao cho vợ chồng ông Ứng 5 ki-ốt và một móng nhà đã xây dựng trên thửa đất số 185, đồng thời buộc vợ chồng ông phải trả cho vợ chồng bà Cao Thị Thi số tiền 304.484.000 đồng giá trị 5 ki-ốt và 5.926.000 đồng giá trị móng nhà mà họ đã xây dựng.

Tin vào thượng tôn pháp luật

Khi được hỏi về câu chuyện đòi đất của ông Cao Đúc Ứng và em gái Cao Thị Thi, người dân thôn Bờ Đa, xã An lạc, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, không ai không khỏi ái ngại và thương cho ông, thân già trơ trọi trong cuộc chiến giành công lý, chưa biết khi nào mới xong.

Ông Ứng đứng cười buồn trong ngôi nhà đi ở nhà suốt gần 10 năm qua

Ông Ứng đứng cười buồn trong ngôi nhà đi ở nhà suốt gần 10 năm qua

Bà Nguyễn Thị Nụ (một người dân thôn Bờ Đa – tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ " Từ xưa đến nay ở đây, chưa khi nào có trường hợp anh em ruột trong nhà phải đưa nhau ra tòa vì tranh giành đất cát cả. Trường hợp của ông Ứng và bà Thi là trường hợp hy hữu. Các cụ ta xưa đã có câu, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau, vậy mà nay anh em phải nhờ đến pháp luật can thiệp. Nghĩ tội cho ông Ứng, một mình đơn độc trong mọi việc, còn vợ con thì vẫn nơi xứ người".

Cũng theo bà Nụ, ông Ứng là người hiền lành, tử tế lại là nạn nhân chất độc da cam, vậy mà không hiểu sao lại rơi vào hoàn cảnh éo le như vậy "việc của gia đình người ta, mình cũng không tiện nhận xét, đánh giá. Nhưng theo tôi thì vợ chồng bà Thi cũng không phải, bởi dù sao đó cũng chính là mảnh đất mà ông Ứng bỏ tiền mồ hôi, nước mắt ra mới mua được. Bao nhiêu năm anh trai đã cho mình mượn để sử dụng rồi thì nay anh về lấy lại là chuyện đương nhiên. Lọt sàng xuống nia, anh với em đừng nên cạn tình ráo máng với nhau", bà Nụ nói.

Ông Trần Đức Chung (người dân thôn Bờ Đa – tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ với phóng viên: "Tôi cùng lứa tuổi với ông Ứng và cũng từng là bộ đội Trường Sơn năm xưa, nay nhìn thấy tình cảnh của đồng đội mà buồn quá. Chúng tôi đều là những người lính đã từng gửi một phần cơ thể tại chiến trường, chiến đấu chống lại kẻ thù để có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Chẳng ai ngờ lại có ngày phải đối diện để đấu tranh giành lại công bằng với chính người thân của mình. Gần 10 năm qua ông Ứng về đây để đòi lại đất của mình bị vợ chồng em gái chiếm mất là chừng ấy thời gian vất vả, gian khổ. Vậy mà tôi không hiểu sao tòa án lại không đứng về lẽ phải, để trả lại mảnh đất được mua bằng tiền mồ hôi, nước mắt của ông ấy bao năm tha phương nơi xứ người. Nhưng, với những người đã từng cận kề giữa sự sống và cái chết, chúng tôi tin rằng rồi đây lẽ phải sẽ chiến thắng, người tốt sẽ được bảo vệ".

Về phần mình, ông Cao Đức Ứng cho biết, hiện vẫn đang tiếp tục gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng với mong muốn vụ việc của mình sẽ được giải quyết thỏa đáng. Bởi theo ông, ngoài việc tự ý chiếm dụng và hưởng lợi bất hợp pháp trên thửa đất của ông, vợ chồng người em gái không hề trao đổi hay trả một phần chi phí, lợi tức nào cho ông cả.

Điều khiến gia đình ông Ứng cũng như dư luận bức xúc là sau khi ông khởi kiện ra tòa về hành vi chiếm đất của vợ chồng em gái. Thay vì xem xét để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ông, tức là buộc vợ chồng em gái phải trả lại mảnh đất cho anh trai (ông Ứng – PV), thì tòa lại buộc ông phải nhận lại những công trình do vợ chồng bà Thi đã xây dựng và sử dụng trong suốt nhiều năm qua. Vô lý hơn nữa là tòa án còn yêu cầu ông Ứng phải bồi thường cho vợ chồng bà Thi số tiền vài trăm triệu đồng (vì đã bỏ tiền ra xây dựng những công trình kia).

"Điều rất mâu thuẫn và phi lý tưởng chừng chỉ có trên phim ảnh thì lại đang diễn ra trên thực tế đối với trường hợp của tôi. Đất là đất của tôi, vợ chồng em gái tôi đã tự ý xây dựng rồi kiếm lợi từ mảnh đất của tôi bao nhiêu năm qua, nay tôi đòi lại thì lại bắt tôi phải bồi thường. Điều này có khác gì câu nói của người xưa – vừa ăn cướp, vừa la làng không. Thực tế ai cũng thấy, đối với những công trình xây dựng sai phạm thì Nhà nước đều yêu cầu tháo dỡ đồng thời xử phạt. Việc vợ chồng em gái tự ý xây dựng các công trình kiên cố trên mảnh đất của tôi khi chưa được tôi đồng ý có được xem là sai phạm hay không? Tại sao lại bắt tôi phải trả tiền để nhận về những thứ tôi không cần?", ông Ứng bức xúc nói.

Mệt mỏi, bức xúc nhưng ông Ứng cho biết sẽ tiếp tục đi tới cùng sự việc, bởi ông luôn tin vào thượng tôn pháp luật, lẽ phải sẽ chiến thắng./.

Thành Trung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/gian-nan-hanh-trinh-doi-lai-dat-tu-tay-em-gai-ruot-20191123110749906.htm