Gian nan hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ nơi chiến trường xưa
Hà Giang trước đây là tỉnh Hà Tuyên - là chiến trường diễn ra các trận đánh ác liệt, kéo dài từ năm 1979 đến năm 1989, đã có trên 4.000 cán bộ, chiến sỹ anh dũng hy sinh. Do điều kiện địa hình phức tạp, thời gian kết thúc chiến tranh đã lâu nên quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ còn gặp nhiều khó khăn.
Tham gia cùng Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ (Đội) thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang, chúng tôi mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà các cán bộ, nhân viên Đội phải trải qua trong quá trình băng rừng, lội suối, bới đá, tìm khe trên hành trình tìm kiếm, đưa hài cốt liệt sỹ nơi chiến trường xưa "ra khỏi rừng".
Gần 20 người đi bộ hàng giờ, vai đeo balo dụng cụ, tay cầm gậy chống, lưng dắt "dao mèo", leo hết quả đồi này đến vách núi kia để đến được nơi có thể có hài cốt liệt sỹ. Khó khăn không chỉ hiện hữu trên đường khi nhiều nơi không thể gọi là đường, với đặc thù địa hình hiểm trở, nhiều đoạn, các cán bộ, nhân viên của Đội phải bò dọc theo vách núi đến điểm cao, có nơi phải làm tạm chiếc thang cơ động được ghép từ thân cây để leo vượt qua đá xám.
Theo Thượng tá Hoàng Văn Giáp, Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, quá trình thực hiện nhiệm vụ đối với Đội gặp rất nhiều khó khăn bởi với quân số chỉ có 18 người mà diện tích tìm kiếm rộng, khối lượng công việc lớn, địa hình hiểm trở. Bên cạnh đó, sau nhiều năm, địa hình có phần nào thay đổi, thời tiết, khí hậu đã có những tác động lớn nên việc vùi lấp, sạt lở diễn ra khá nhiều, gây khó khăn cho công tác xác định và tìm kiếm. Cùng với đó, thời tiết tại khu vực này biến động nhiều, nắng mưa thất thường, sương mù dày đặc khiến công tác cơ động thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn.
Địa hình hiểm trở là thế nhưng lo lắng lớn nhất của các anh là vật liệu nổ còn sót lại, mặc dù Đội tìm kiếm ở những nơi đã được rà phá bom, mìn… nhưng theo chia sẻ của nhân viên Đội, nơi các liệt sỹ nằm xuống đa phần do đạn pháo, bom mìn gây ra, nên khu vực đó còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Hộp bánh, chai nước, bao thuốc lá được bày biện đơn sơ, nén nhang thơm được thắp lên cũng là lúc các cán bộ, nhân viên Đội bắt tay vào công việc tìm kiếm. Có những hang sâu, bề rộng chỉ khoảng 1m, lần lượt các anh thay nhau bò xuống, thứ duy nhất phát sáng dưới lòng hang tối chỉ có ánh đèn pin le lói, không gian chật hẹp, thiếu khí, nhưng các cán bộ, nhân viên Đội vẫn cần mẫn hàng giờ cần mẫn, tỉ mỉ xới từng bay đất đá để tìm kiếm. Một nhân viên của Đội chia sẻ, dù vất vả như vậy nhưng đối với anh em trong Đội, niềm vui lớn nhất là tìm thấy các anh, đưa các anh trở về, khi ấy, mọi mệt mỏi đều tan biến hết nhưng cũng không ít lần, anh em trong Đội phải về "tay trắng", cảm xúc lúc đó rất hụt hẫng, nặng lòng.
Chính trị viên Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Tân chia sẻ, với địa hình hiểm trở, vách đá treo leo, đi bộ đã khó mà các cán bộ, nhân viên còn phải đào xới từng diện tích nhỏ lại càng trở lên khó khăn hơn. Không còn cách nào khác, các cán bộ, nhân viên Đội phải kiên trì dùng sức người vì máy móc không thể đưa lên được.
Trong năm 2022, Đội đã tập trung tìm kiếm trên khu vực thuộc dự án 1.720 ha đã được rà phá bom mìn, huy động lực lượng với gần 7.000 ngày công, diện tích tìm kiếm 320 ha, đào bới trên 5.200 m3 đất đá. Đội đã tìm kiếm, quy tập được 20 hài cốt liệt sỹ, trong đó có một liệt sỹ xác định được danh tính (liệt sỹ Nguyễn Văn Quỳ), đội đã tham gia cùng Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, tiến hành bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên. Đối với 19 hài cốt liệt sỹ còn lại, Đội đã bàn giao về Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên để tổ chức truy điệu, an táng cấp tỉnh đảm bảo trang trọng.
Trong quý I/2023, Đội tiếp tục thực hiện công tác tìm kiếm trên các khu vực đã được rà phá thuộc dự án 1.720 ha, quy tập 2 hài cốt liệt sỹ tại điểm cao 211 thuộc thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, đang được chăm sóc tại nhà chờ (trong khuôn viên của Đội).
Thượng tá Hoàng Văn Giáp chia sẻ: "Việc tìm thấy các anh là niềm vinh dự và tự hào đối với chúng tôi, đó là trách nhiệm của lớp người kế tiếp cha anh, những người đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc".
Thời gian tới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ, nhân viên quán triệt tốt các nghị định, quy định của cấp trên để triển khai nghiêm túc, chặt chẽ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Đồng thời, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Hội Cựu chiến binh, các đơn vị tìm thông tin chính xác nhất nhằm tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sỹ ở chiến trường xưa đạt hiệu quả cao nhất.
Tới nay, sau hơn 4 năm thành lập, Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt, mỗi khi tìm kiếm, đưa được các liệt sỹ trở về nhà chờ, mâm cơm cúng các anh lại được bày biện đàng hoàng trước mỗi bữa ăn. Dù đơn sơ, giản dị nhưng điều đó thể hiện tâm niệm uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công lao to lớn mà các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng nằm xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm nhưng nỗi đau còn ở lại với những thân nhân của các liệt sỹ chưa được tìm kiếm, quy tập. Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, trên 4.000 liệt sỹ đã ngã xuống và hiện còn hơn 1.200 hài cốt liệt sỹ cần tìm kiếm, quy tập. Đó là trăn trở của không chỉ riêng Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, mà còn là nỗi đau đáu của toàn xã hội. Vượt mọi địa hình khó khăn, hiểm trở, vượt qua những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, hằng ngày, các cán bộ, nhân viên Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, leo núi, trèo đồi để đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ còn nằm lại nơi chiến trường xưa.