Gian nan hành trình truy bắt kẻ lừa đảo sau gần 30 năm trốn truy nã
28 năm mai danh ẩn tích trốn lệnh truy nã, không một cuộc gọi cho người thân, không số điện thoại cố định, không ở nơi nào quá lâu và tuyệt nhiên không có một nhân thân lai lịch rõ ràng trong suốt quá trình lẩn trốn khiến việc lần theo dấu vết đối tượng của lực lượng công an liên tục đứt đoạn. Không ngại khó khăn, gian khổ, sau một thời gian dài tầm nã, đến ngày 29-5 vừa qua, lực lượng CAH Ba Vì, Hà Nội đã lên thành phố Đà Lạt và bắt giữ thành công Phạm Quang Chương, đối tượng có lệnh truy nã về tội lừa đảo sau gần 30 năm trốn truy nã.
Mai danh ẩn tích suốt 28 năm
Phạm Quang Chương, SN 1961, trú tại xã Phú Phương, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội vào năm 1994 bị Công an tỉnh Hà Tây cũ, nay là CATP Hà Nội ra Lệnh truy nã toàn quốc về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”.
Thời điểm đó, Chương đã dùng một bản hợp đồng xây dựng với con số được điều chỉnh lại tăng gấp nhiều lần so với thực tế để đi vay ngân hàng. Sau khi cầm được số tiền 100 triệu đồng được giải ngân, đối tượng đã “ôm” trọn và biến mất. “Thời bấy giờ, con số 100 triệu đồng là rất lớn” - Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Ba Vì cho biết.
Cho đến khi bị cán bộ chiến sĩ Đội Điều tra tổng hợp - Công an huyện Ba Vì bắt giữ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vào ngày 29-5 vừa qua, hành trình mai danh ẩn tích, trốn truy nã suốt 28 năm của Phạm Quang Chương mới “lộ sáng”.
Theo lời khai của đối tượng, sau khi rời khỏi quê, Chương lên đường vào Nam. Tìm hiểu thấy người Bắc vào tỉnh Lâm Đồng khai hoang, lập nghiệp làm ăn rất nhiều, nên đối tượng đã lên xe đi Lâm Đồng. Trên người lúc này Chương cầm theo một chiếc chứng minh nhân dân cũ, trà trộn vào những người lao động nghèo nên chẳng ai chú ý.
Cũng trong khoảng thời gian trốn truy nã, Phạm Quang Chương thường xuyên thay tên đổi họ, khi trò chuyện với những người làm ăn cùng với mình. Giấy tờ tùy thân chỉ để dùng khi có lực lượng chức năng hỏi tới, nên không ai biết câu chuyện về kẻ đang trốn lệnh truy nã. Thậm chí, đối tượng cũng không một lần gọi điện thoại về nhà, nên bản thân gia đình lầm tưởng Chương đã chết.
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, Trung tá Ngô Đăng Trung - Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an huyện Ba Vì cho biết, ngay sau khi rà soát các đối tượng trên địa bàn có lệnh truy nã lâu năm, phát hiện hồ sơ của Phạm Quang Chương mà gia đình của đối tượng này vẫn sinh sống trên địa bàn, nên đơn vị đã xây dựng kế hoạch truy bắt.
“Khó khăn lớn nhất của chúng tôi chính là thông tin về đối tượng rất mơ hồ, hoàn toàn không có bản nhận diện. Chính vì vậy, trinh sát của Đội cũng phải hóa trang, lần tìm và cuối cùng đã có được một tấm ảnh cưới của Chương cách đây 30 năm. Tuy nhiên, ảnh cũng cũ nát, không có màu nên chúng tôi phải cố gắng để nhận diện được các đặc điểm như tai, sống mũi, mắt…” - Trung tá Ngô Đăng Trung thông tin thêm.
Trong quá trình lần tìm dấu vết đối tượng, đơn vị đã nắm được gần đây Phạm Quang Chương có điện thoại liên lạc về nhà một lần. “Điều này chứng tỏ Chương còn sống. Do vậy, Ban Chỉ huy Công an huyện đã chỉ đạo Đội Điều tra tổng hợp ngay lập tức cử cán bộ chiến sĩ lần theo manh mối có được, lên đường truy bắt đối tượng” - Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Hành trình gian nan
Nắm được nguồn tin Phạm Quang Chương đang lẩn trốn tại tỉnh Lâm Đồng, một tổ công tác của Đội Điều tra tổng hợp - Công an huyện Ba Vì do Đại úy Nguyễn Chí Công, Phó đội trưởng chỉ huy đã lập tức xuất phát.
Khi vào tới nơi, những địa điểm nghi vấn đối tượng sinh sống, làm việc đều bị mất dấu do Chương đã di chuyển. “Đối tượng này rất “quái”, không ở đâu cố định và nơi nào ở lâu nhất thì đối tượng cũng dùng chứng minh nhân dân cũ để đăng ký tạm trú, nên cán bộ địa phương không nắm được việc phạm tội của Chương” - Trung tá Ngô Đăng Trung kể tiếp.
Phạm Quang Chương bị áp tải tại sân bay Nội Bài sau khi được di lý từ Lâm Đồng về Hà Nội
Theo Trung tá Ngô Đăng Trung, mỗi lần chuyển nơi sinh sống, Phạm Quang Chương đều tìm cách “cắt đuôi”, phòng khi bị trinh sát tìm tới. Chương thuê xe chuyển đồ nhưng không đến thẳng nơi ở mới, mà sẽ dừng ở một địa điểm nào đó rồi lại trung chuyển bằng phương tiện khác.
Trước hôm cán bộ chiến sĩ Công an huyện Ba Vì vào tới nơi một ngày, đối tượng đã rời khỏi địa bàn đang sinh sống.
“Quá trình truy bắt, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Anh em lúc thì cải trang thành khách du lịch, vì mình ở nơi khác tới nên rất dễ bị phát hiện. Khi thì tổ công tác cũng phải cải trang thành người lao động, trà trộn vào đám công nhân thời vụ để dò la tin tức” - Đại úy Nguyễn Chí Công kể.
“Có những lúc cán bộ chiến sĩ nản vì liên tục bị mất dấu, thời gian kéo dài mà chưa có kết quả, chúng tôi phải động viên anh em dù trong lòng cũng rất sốt ruột, nhưng không lẽ lại từ bỏ? Và rồi cuối cùng, sự nỗ lực cố gắng của cán bộ chiến sĩ đã có kết quả…” - Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Đó là khi phát hiện nhóm công nhân xây dựng do Phạm Quang Chương làm chủ thầu, mới nhận công trình tại một quận ở thành phố Đà Lạt. Xác định đối tượng có mặt tại địa bàn này, tổ công tác Công an huyện Ba Vì đã mật phục, “đón lõng” vây bắt.
Đúng 11h55 ngày 29-5, Đại úy Nguyễn Chí Công khi đứng trước Phạm Quang Chương đã trực tiếp đọc lệnh, gọi tên khiến đối tượng có phần bất ngờ, không nghĩ sau ngần ấy năm lại bị bắt. Kẻ lừa đảo năm xưa giờ tóc đã ngả màu muối tiêu, da nhăn và gầy hơn, nhưng những đường nét trên tấm ảnh cưới của cách đây 30 năm hầu như không thay đổi.
Phạm Quang Chương kết thúc quãng thời gian 28 năm trốn chạy khỏi sự truy bắt của cơ quan công an và cũng kết thúc hành trình gian nan, vất vả của cán bộ chiến sĩ Công an huyện Ba Vì, đóng góp chiến công vào thành tích chung của toàn lực lượng Công an Thủ đô, hướng tới kỉ niệm 60 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh sát nhân dân.