Gian nan ngăn chặn thuốc, thực phẩm chức năng giả, nhái
Các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả ngày càng có các thủ đoạn tinh vi, ảnh hưởng đến niềm tin và sức khỏe cộng đồng. Mặc dù các đơn vị đã nỗ lực đẩy lùi thuốc giả, thực phẩm giả trên thị trường nhưng quá trình đấu tranh vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc.
Doanh nghiệp chủ động phối hợp với cơ quan chức năng
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM, cảnh báo: hàng giả, hàng nhái đang âm thầm gây hại sức khỏe, góp phần làm gia tăng các bệnh.
Theo bà Diệp, hiện các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% tổng gánh nặng bệnh tật và là nguyên nhân của 80% số ca tử vong và mỗi năm có thêm khoảng 185.000 ca ung thư mới. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này chính là vấn nạn thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Tác hại của thực phẩm, thuốc giả là vô cùng nghiêm trọng, có thể gây ngộ độc cấp tính, mạn tính hoặc âm thầm tích lũy độc tố gây ra các bệnh lý ác tính.
Nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ điều này và chủ động ngăn ngừa bằng nhiều cách, trong đó có phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng.

Nhiều hiệu thuốc nhập hàng từ các nguồn nhưng không dễ để xác định nguồn gốc xuất xứ.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược - Sở Y tế TP.HCM, cho biết, công tác kiểm tra công tác kiểm tra thuốc giả, hàng giả được thực hiện thường xuyên, nhất là ở các địa điểm tập trung cao về dược phẩm. Dù vậy, việc chống thuốc giả, hàng giả là quá trình lâu dài và nhiều thách thức, cần đồng bộ ở nhiều khâu và liên vùng.
Ông Lê Ngọc Danh cho biết thêm: “Sở Y tế TP.HCM đã và đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bộ cũng đã có ứng dụng quản lý từ sản xuất tới phân phối để giảm tỉ lệ hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Sở sẽ tăng cường truyền thông tới người dân, doanh nghiệp và công khai các đơn vị vi phạm”.
Cần bổ sung thêm những quy định để xử phạt
Hiện nay, công tác chống hàng giả ngày càng phức tạp, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trong sở hữu trí tuệ là một quá trình gian nan.
Luật sư Trương Anh Tú cho biết, các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái thường đăng ký nhãn hiệu gần giống với nhãn hiệu hàng thật được ưa chuộng, làm cho người tiêu dùng dễ hiểu lầm và khiến doanh nghiệp mất thị phần, doanh thu và bị ảnh hưởng về thương hiệu.

Luật sư Trương Anh Tú.
Luật sư Tú còn cảnh báo về thủ đoạn "hàng nhái kiện ngược lại hàng thật": “Cá nhân, tổ chức nào đó đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một thương hiệu đã có trên thị trường. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, những đối tượng này quay ngược lại kiện chính doanh nghiệp thật xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà họ nắm giữ trên giấy tờ. Điều này khiến doanh nghiệp có nguy cơ rút sản phẩm ra khỏi thị trường mà còn có khả năng bị đứt gãy chuỗi phân phối”.
Theo ông Tú, vấn đề nằm ở khoảng trống của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam khi vận hành theo nguyên tắc "nộp đơn trước được quyền trước" (first-to-file). Việc chỉ dựa vào thời điểm nộp đơn mà bỏ qua yếu tố sử dụng thực tế đang vô tình gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Tương tự, Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, nhận định, dù pháp luật đã có những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với hàng giả như thuốc chữa bệnh, thực phẩm, phân bón... nhưng "hàng nhái" lại là một câu chuyện khác.
Hiện nay, các quy định của pháp luật hiện hành không có định nghĩa cụ thể hay chế tài xử lý vi phạm dành riêng cho hàng nhái.
Do vậy, Luật sư Phạm Công Hùng, đề nghị các nhà làm luật cần sớm nghiên cứu để có cơ chế và chế tài xử lý riêng, phù hợp cho hành vi làm hàng nhái, để thị trường minh bạch hơn mà quan trọng nhất là để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.