Gian nan nuôi cá làm giàu ở biên giới Lai Châu (bài 2)
'Mấy kỹ sư ở Trung tâm cá giống Sa Pa dặn tôi, trước khi thả cá giống xuống nuôi phải dùng máy đo độ pH. Ở trại không có máy đo, anh em 'sáng kiến' múc can nước từ trại mang theo khi đi mua cá giống. Kỹ sư đổ nước vào thau bắt cá thả vào 30 phút, nếu cá không chết là được. Vụ cá đầu tiên 'trời thương' có doanh thu gần 400 triệu đồng' - Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Phúc, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành khoa học quân sự nhớ như in.
Bài 2: Hóa giải bài toán thực tiễn
Với lực lượng làm trại nuôi cá, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu chọn 2 cán bộ gửi sang Trung tâm cá giống Sa Pa (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) học cách nuôi cá hồi. Tháng 12/2008, thả lứa cá giống đầu tiên, môi trường nước sạch, cá lớn rất nhanh. “Trọng lượng cá đạt 7-9 lạng/con, một lần trời mưa to, lũ đổ xuống trong đêm làm tắc cửa dẫn nước vào bể nuôi cá. 2 giờ sáng, tôi ra bể nhìn thấy cá bị thiếu oxy bơi lờ đờ, cả người tôi run lên lo sợ; sau đó, tôi bừng tỉnh, cử một anh chạy khẩn cấp vào Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải báo tin xin tăng quân ra “hô hấp” cho cá. Nếu để cá chết hết coi như mất sạch, mất niềm tin, mất bao nhiêu công sức của bộ đội” - Đại tá Bùi Trọng Lợi, nguyên Phó Giám đốc Học viện Biên phòng thuật lại.
Nhà khoa học đi bán cá
Nhận được “tin dữ”, Thượng tá Bùi Mạnh Hoài, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải khẩn trương điều động tổ công tác địa bàn ở xã Pa Vây Sử, Mồ Sì San, quân số của đồn vừa chạy bộ, vừa chạy xe máy đến trại nuôi cá thật nhanh. “Việc đầu tiên là chia lực lượng ra nhảy xuống bể cá trong giá rét, dùng tay đẩy nước để tạo oxy cho cá sống. Tránh nguy hiểm đến tính mạng, anh em phải chờ trời sáng mới đưa một tổ ra chỗ tắc nước để lấy đá, rác làm thông đường dẫn nước. Nước chảy lại, cá bắt đầu phục hồi dần dần, coi như cứu nguy mấy nghìn con cá” - Đồn trưởng Hoài kể về lúc giải cứu cá.
Vất vả làm hồ nuôi, quá trình chăm sóc cá cũng kỳ công, đến thời điểm thu hoạch vụ cá đầu tiên rất ly kỳ. Trung tướng Trần Hữu Phúc kể: “Ở dưới thành phố Lai Châu, anh em trong Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tỏa ra đi tìm mối bán cá, tôi đến một số nhà hàng đặt vấn đề bán cá, gọi điện cho các cơ quan, ban, ngành giới thiệu cá hồi Biên phòng vừa nuôi được. Lúc đó, ai cũng không tin chúng tôi nuôi được cá hồi, có nhiều người từ chối, nhưng cũng có người đồng ý mua. Có địa chỉ mua cá, anh em bỏ cá vào thùng nhựa, chở xe máy vượt qua núi đèo gần 100km mới bán được. Bán không hết cá, chúng tôi mang ra ngoài chợ bán, tìm mọi cách cũng bán hết, doanh thu gần 400 triệu đồng”.
Có được đồng lãi kha khá từ vụ nuôi đầu tiên, vụ thứ 2, BĐBP Lai Châu tăng số lượng cá giống mấy nghìn con, gặp khó khăn “đầu ra” cá thịt. Chỉ huy trưởng Trần Hữu Phúc lúc đó chơi “nước cờ” táo bạo, dùng xe tải chở cá sang tỉnh Điện Biên, xuống tỉnh Yên Bái bán.
Tỉnh giao đất thời hạn 50 năm
“Khi tôi làm Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã lên tận trại nuôi cá hồi của BĐBP Lai Châu để kiểm tra, đánh giá tình hình, nghe đồng chí Chỉ huy trưởng Trần Hữu Phúc báo cáo cần mở quy mô rộng hơn. UBND tỉnh đã ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho BĐBP Lai Châu với diện tích 1,7ha, thời hạn 50 năm, mục đích nuôi trồng thủy sản. Hy vọng, đây sẽ trở thành mô hình giới thiệu cho người dân, doanh nghiệp muốn nuôi cá nước lạnh ở biên giới” - ông Lò Văn Giàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu thông tin.
Trung tướng Phúc nhớ mãi chuyện đi bán cá: “Mấy đợt đầu chở cá đi xa, đến nơi cá bị chết khoảng 40%. Tôi phải nhảy lên xe tải đi với anh em tìm hiểu vấn đề như thế nào, ai ngờ cái thùng chở cá của mình đóng hình chữ nhật, đầu con cá thường xuyên bị đâm vào 4 góc thùng dẫn đến cá chết nhiều. Từ phát hiện này, chúng tôi lập tức xuống Hà Nội đóng lại thùng chở cá theo hình tròn để giảm đáng kể hao hụt”.
Để nhiều người biết đến cá hồi, cá tầm của BĐBP nuôi ở biên giới, đồng chí Phúc nghĩ ra kế làm “thẻ bán cá”, hy vọng thay đổi thị trường: “Trên “thẻ bán cá”, một mặt ghi thông tin Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Trần Hữu Phúc, mặt sau ghi Phụ trách điều hành: Trung tá Bùi Trọng Lợi. Tôi là nhà khoa học, chỉ huy làm mô hình nuôi cá, trực tiếp đi bán cá, lúc này mới thấu hiểu kiến thức thực tiễn vô cùng phong phú, sự nghiệt ngã của thị trường như thế nào. Chúng tôi cử đồng chí Lợi xuống Hà Nội, vào thành phố Hồ Chí Minh để đặt vấn đề với các siêu thị lớn cung ứng cá kỳ vọng sẽ mở đường cho cá hồi ở biên giới Lai Châu xâm nhập vào 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước”.
“Các đồng chí cần phải suy nghĩ lớn, có tầm nhìn xa”
Chuyện BĐBP Lai Châu nuôi cá hồi ở biên giới đã lan đến tai lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Năm 2009, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lên Lai Châu công tác, yêu cầu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đưa thủ trưởng lên tận biên giới xem mô hình nuôi cá hồi.
Trung tướng Trần Hữu Phúc nhớ lại lần làm việc với thủ trưởng Bộ Quốc phòng: “Thủ trưởng nói: Các đồng chí đã tự mình làm mô hình nuôi cá hướng đến giúp đồng bào các dân tộc ở biên giới biết cách nuôi cá tăng thêm thu nhập, như thế này là rất quý”. Thủ trưởng hỏi tôi: Ý định của các đồng chí phát triển mô hình này như thế trong thời gian tới?
- Báo cáo thủ trưởng, Bộ Chỉ huy đang tính mở rộng thêm hồ nuôi cá ở giai đoạn 2, nhưng còn khó khăn về vốn đầu tư.
- Các đồng chí cần bao nhiêu vốn nữa?
- Chúng em tính toán kỹ rồi, cần tổng thể khoảng 400 triệu đồng, nhưng chưa biết xoay xở ở chỗ nào.
- Ở một số nơi, Bộ Quốc phòng đã cấp vốn mấy tỷ đồng nhưng hiệu quả không cao. Lên đây thấy các đồng chí “tay không” mà làm ra mô hình rất ấn tượng. Bộ Quốc phòng đồng ý cấp cho Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu 1,5 tỷ đồng để mở rộng quy mô nuôi trồng. Các đồng chí cần phải suy nghĩ lớn, có tầm nhìn xa. Từ mô hình này sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá hồi của tỉnh Lai Châu và một số tỉnh khác. Phương án vừa nuôi cá, vừa kết hợp làm du lịch cần phải tính đến. Số tiền Bộ Quốc phòng cấp, các đồng chí tính toán làm cái nhà cho khách lên đến đây nghỉ chân, lúc lỡ đường còn có chỗ ngủ lại.
Bài 3: Hình thành các hợp tác xã làm ăn lớn