Gian nan tìm nguồn lao động

Nền kinh tế đang dần phục hồi, nhiều doanh nghiệp (DN) tại các tỉnh Đông Nam Bộ đã có đơn hàng và kế hoạch mở rộng sản xuất. Tuy nhiên câu chuyện về lao động (LĐ) vẫn đang là một bài toán nan giải.

Nhu cầu lao động tiếp tục tăng

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dự báo, trong quý II/2024, TP.HCM cần khoảng 75.470 - 77.168 chỗ làm việc. Trong đó, các ngành công nghiệp trọng yếu như: Cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến tinh lương thực thực phẩm; hóa dược - cao su cần 12.301 - 12.577 chỗ (chiếm 16,8% tổng nhu cầu). Các ngành dịch vụ cần 49.318 - 50.428 chỗ (chiếm 60,05% tổng nhu cầu). Trong đó ngành thương mại (chiếm 22,82%); vận tải, kho bãi dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu (chiếm 2,76%); du lịch (chiếm 3,24%); bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông (chiếm 3,05%); tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm (chiếm 4,23%)…

Người lao động tìm việc làm tại tỉnh Bình Dương.

Người lao động tìm việc làm tại tỉnh Bình Dương.

Về trình độ LĐ, dự báo, quý II/2024, TP.HCM cần LĐ qua đào tạo chiếm 86,41% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 24,9%; cao đẳng chiếm 17,63%; trung cấp chiếm 25,18%; sơ cấp chiếm 18,7%. Nhu cầu tuyển dụng ở LĐ phổ thông chiếm tỷ lệ khá thấp với 13,59% tổng nhu cầu nhân lực.

Còn theo dự báo, trong năm 2024, nhu cầu tuyển dụng LĐ của các DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương là khoảng từ 60.000 -80.000 công nhân LĐ. Trong quý I/2024 nhiều DN trên địa bàn tỉnh này không tuyển dụng đủ LĐ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, do đó, trong quý II/2024 nhu cầu tuyển dụng LĐ của các DN này vẫn còn. Theo dự báo của Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương, nhu cầu việc làm của người lao động (NLĐ) sẽ kéo dài đến hết quý II/2024, dự kiến trên địa bàn tỉnh có khoảng 35.000 LĐ sẽ tham gia vào thị trường cung ứng LĐ (trong đó độ tuổi từ 18-45 chiếm đa số).

Tương tự, theo trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh này có gần 400 DN có nhu cầu tuyển 27.000 LĐ. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như: may mặc, da giày, điện tử, cơ khí… Đây là tín hiệu khởi sắc cho thấy thị trường lao động đã phục hồi và dự báo trong quý II/2024, số lượng DN tuyển dụng sẽ tăng lên.

Tiếp tục làm cầu nối

Có thể thấy, nhu cầu sử dụng LĐ của các DN hiện nay còn rất lớn. Tuy nhiên với nhu cầu việc làm ngày càng nhiều, ngoài vấn đề đòi hỏi NLĐ có tay nghề ra thì người sử dụng lao động cũng cần quan tâm đến các nhu cầu của NLĐ như: Chế độ phúc lợi, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ, tạo môi trường làm việc thân thiện...Cùng với đó, phải không ngừng đổi mới phương thức sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường trong bối cảnh mới.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai cho biết, để đáp ứng nhu cầu LĐ cho các DN, dự kiến trong quý II/2024, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, TTDVVL tỉnh Đồng Nai tiếp tục tăng cường tuyên truyền về thông tin tuyển dụng; đồng thời tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để sớm quay lại thị trường LĐ; tổ chức các sàn giao dịch việc làm để kết nối việc làm giữa DN và NLĐ, nhất là LĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền thông tin tuyển dụng, nhu cầu của DN để NLĐ biết và sớm tìm được việc làm phù hợp.

Trong khi đó, nhiều DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục thông báo tuyển dụng LĐ với nhiều chế độ “ưu đãi”. Để đáp ứng cung cầu LĐ trong quý II/2024, TTDVVL tỉnh này tiếp tục mở các buổi tư vấn kỹ năng tìm việc, cập nhật chính sách cho DN; mở các phiên giao dịch định kỳ; liên hệ các DN để thực hiện liên kết LĐ với các tỉnh còn nguồn LĐ. Tuy nhiên để các DN và NLĐ “về cùng một nhà” theo đại diện TTDVVL tỉnh Bình Dương “nút thắt” vẫn là ở các DN tuyển dụng cần chú ý đến mức lương, phúc lợi như: Nhà trọ, trường học cho con em NLĐ…

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho biết, nhằm đồng hành cùng DN và NLĐ, trong thời gian qua,được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các đơn vị, thực hiện chăm lo tốt đời sống của đoàn viên, NLĐ như tặng quà tết cho đoàn viên, công nhân lao động. Các chương trình như: “Phúc lợi đoàn viên”, các hoạt động “Tết Sum vầy”, “Tháng công nhân”, “Mái ấm công đoàn” đã trở thành hoạt động thiết thực mang đậm dấu ấn của tổ chức công đoàn, được đoàn viên, NLĐ hưởng ứng. Chính nhờ những chính sách, hoạt động trên đã giúp NLĐ vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, nỗ lực lao động, sản xuất, đóng góp hiệu quả vào kết quả sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn.

Trong khi đó, tại TP.HCM hiện nay, nhiều DN đã ký được đơn hàng đến hết quý II, thậm chí một số DN đã có đơn hàng đến quý III/2024. Do đó, các DN đang tăng cường tuyển dụng LĐ. Nhằm đáp ứng nhu cầu này cho các DN, TP.HCM cũng đang phối hợp các cơ quan, đơn vị, kết nối cung - cầu LĐ giữa DN và NLĐ. Qua đó giúp cho NLĐ tìm kiếm được môi trường làm việc và giúp DN phát triển nguồn nhân lực, góp phần giúp cho thị trường LĐ hiện nay một cách linh hoạt, bền vững, hiệu quả. Cùng với đó, các DN tại TP.HCM cũng đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để NLĐ có cơ hội được học hỏi, trau dồi, trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng cơ bản; tăng thêm kinh nghiệm khi tiếp cận thị trường LĐ.

Thành Đồng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/gian-nan-tim-nguon-lao-dong-173208.html