Giáng sinh 2021: Thị trường tiêu dùng ảm đạm, ngành dịch vụ lỗ thảm
Do tác động của dịch bệnh, thị trường tiêu dùng trong dịp Giáng sinh năm nay khá trầm lắng. Dù nhiều thương hiệu giảm giá 'sập sàn' nhưng vẫn khó kích cầu.
Một năm kinh tế buồn
Mọi năm, vào lễ Giáng sinh, thị trường mua sắm tại Hà Nội rất nhộn nhịp. Các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng,... đua nhau khuyến mại, giảm giá để kích cầu thị trường nội địa. Nhờ đó, các cửa hàng bán lẻ phải hoạt động hết công suất, mới phục vụ được một lượng lớn khách hàng có nhu cầu mua sắm dịp cuối năm.
Trong dịp Giáng sinh năm nay, thị trường tiêu dùng diễn ra khá ảm đạm.
Thế nhưng, năm nay, thị trường tiêu dùng diễn ra khá ảm đạm. Nhiều thương hiệu thời trang chia sẻ, số lượng khách “chốt đơn” đã giảm từ 30% - 40% so với thời điểm trước khi dịch bệnh xuất hiện.
Chị Bích Ngọc, đại diện truyền thông của một thương hiệu thời trang “nội” chia sẻ: “Năm nay, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Vì vậy, người dân cũng hạn chế mua sắm, dẫn đến doanh số của nhiều nhãn hàng giảm sút. Riêng tại hệ thống cửa hàng bán lẻ của chúng tôi, số lượng khách tìm đến trong những ngày cận lễ Giáng sinh đã giảm 40%”.
Theo chị Ngọc, trái ngược với tình cảnh “buồn thê lương” tại các cửa hàng bán lẻ, trong thời gian gần đây, các kênh bán hàng online, hoặc các gian hàng trên thương mại điện tử lại làm ăn rất phát đạt, doanh số đã tăng từ 10% - 20%. Dù vậy, nếu cộng gộp cả 2 kênh bán hàng tại chỗ và online, doanh số bán hàng của thương hiệu này vẫn giảm.
“Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt. Thay vì tới các cửa hàng lựa chọn sản phẩm như trước, thì nay nhiều người lựa chọn cách ngồi nhà mua sắm”, chị Ngọc chia sẻ.
Tương tự, anh Vũ Tùng Sơn, chủ một shop mỹ phẩm Hàn Quốc tại Hà Nội chia sẻ: Mặc dù nhiều sản phẩm đã giảm 20% - 30% so với ngày bình thường, thế nhưng, thậm chí, đơn vị này còn áp dụng chương trình giảm giá “sập sàn” theo khung giờ để kích cầu, thế nhưng, lực mua vẫn tương đối thấp.
Anh Sơn giải thích: Riêng với dòng mỹ phẩm Hàn Quốc, khách hàng tập trung vào giới trẻ, nhất là học sinh - sinh viên. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, các trường Đại học vẫn áp dụng chương trình giảng dạy online, sinh viên không cần phải trở lại Hà Nội học tập, nên doanh số giảm là điều đã được dự báo từ trước.
“Cuối năm là thời điểm “chốt” doanh số, nhưng với tình hình khó khăn như hiện nay, rất khó để đạt được thành công như mọi năm. Dù vậy, tôi hy vọng từ nay cho tới cận Tết Nguyên đán, tức là còn 1 tháng nữa, thị trường tiêu dùng sẽ khởi sắc trở lại”, anh Sơn nói.
Trong khi đó, các hộ kinh doanh trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng có một mùa Giáng sinh buồn tẻ. Lượng khách đến Hàng những ngày cận Giáng sinh tuy đông, nhưng chỉ bằng một nửa so với mọi năm.
Ít người đến đây mua sắm, đa phần tới ngó nghiêng chụp ảnh là chính
Bà Đỗ Huệ Tuyến, cửa một sạp hàng trên phố Hàng Mã chia sẻ: "Mặc dù mấy ngày gần đây, lượng người đổ về phố Hàng Mã tuy có đông hơn mọi ngày. Thế nhưng, so với mọi năm chỉ là "muỗi", chưa được một nửa. Bên cạnh đó, rất ít người đến đây mua sắm, đa phần tới ngó nghiêng chụp ảnh là chính".
Ngành dịch vụ cũng chẳng khá khẩm hơn là bao
Cũng giống như thị trường tiêu dùng, các ngành dịch vụ trong mùa Giáng sinh, như các cửa hàng cà phê, dịch vụ ăn uống,... đều vắng khách. Tại các cửa hàng cà phê xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm, nếu như mọi năm chủ cửa hàng còn yêu cầu khách đặt chỗ sớm trước 1 tuần, thì nay lại khá trầm lắng.
Lượng khách đến Hàng Mã những ngày cận Giáng sinh tuy đông, nhưng chỉ bằng một nửa so với mọi năm.
Đặc biệt, các tuyến phố tập trung đông người nhất trong ngày Giáng sinh, chính là xung quanh khu vực Nhà thờ lớn Hà Nội, như các phố Lý Quốc Sư, Ấu Triệu, Nhà Chung cũng có cùng khung cảnh vắng lặng.
Trên các tuyến phố này, tập trung rất nhiều cửa hàng cà phê, đồ ăn vặt, nhất là các quán trà chanh vỉa hè. Dù vậy, các chủ cửa hàng đều có cùng một lời than thờ “chưa bao giờ kinh doanh ế ẩm như năm nay”.
Chị Nhung, chủ một cửa hàng trà chanh nức tiếng trên phố Ấu Triệu, nằm sát với Nhà thờ lớn Hà Nội chia sẻ: “Năm nay, khu vực Nhà thờ lớn bị hạn chế người lui tới trong ngày Giáng sinh, để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Điều này đương nhiên các cửa hàng phải đóng cửa, vì có mở cũng không có khách”.
Năm nay, khu vực Nhà thờ lớn bị hạn chế người lui tới trong ngày Giáng sinh, để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. (Ảnh Hà Nội Mới)
Trong khi đó, các ngành dịch vụ “hot” nhất dịp Giáng sinh như karaoke, rạp chiếu phim tại Hà Nội cho tới nay vẫn chưa được hoạt động trở lại. Điều này cũng khiến bức tranh ngành dịch vụ trở nên ảm đạm.
Chị Nhung cùng nhiều tiểu thương kinh doanh trong ngành dịch vụ, các doanh nghiệp đều mong muốn, dịch bệnh sớm đi qua, từ đó, các hoạt động kinh doanh sẽ được mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường.