Giảng viên ĐH Duy Tân nhận nhiều giải Xuất sắc và Nhì về Chẩn đoán và điều trị bệnh

Nhóm nghiên cứu của Đại học (ĐH) Duy Tân về Chẩn đoán bệnh lý bằng mẫu sinh thiết lỏng không xâm lấn đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng khoa học với nhiều giải Xuất sắc và giải Nhì tại các hội thảo chuyên sâu, quy mô lớn trên toàn quốc.

Triển khai nhiều đề tài nghiên cứu mang tính thực tiễn và có giá trị khoa học cao trong lĩnh vực Chẩn đoán bệnh lý bằng mẫu Sinh thiết lỏng không xâm lấn, nhóm nghiên cứu của Đại học (ĐH) Duy Tân gồm:

- TS. Đinh Phong Sơn - Giám đốc Trung tâm Sinh học Phân tử (CEMB), và

- ThS.BS. Trần Châu Mỹ Thanh - giảng viên Trường Y Dược (CMP), ĐH Duy Tân

đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng khoa học với nhiều giải Xuất sắc và giải Nhì tại các hội thảo chuyên sâu, quy mô lớn trên toàn quốc.

Mong muốn tìm ra những hướng đi mới góp phần hỗ trợ công tác chẩn đoán và điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau, TS. Đinh Phong Sơn và ThS.BS. Trần Châu Mỹ Thanh của ĐH Duy Tân đã dành nhiều thời gian tập trung nghiên cứu việc Chẩn đoán bệnh lý qua mẫu Sinh thiết lỏng không xâm lấn.

TS. Đinh Phong Sơn - Đại diện nhóm nghiên cứu của ĐH Duy Tân nhận giải Xuất sắc tại Đại hội Hội Hô hấp Việt Nam năm 2024

TS. Đinh Phong Sơn - Đại diện nhóm nghiên cứu của ĐH Duy Tân nhận giải Xuất sắc tại Đại hội Hội Hô hấp Việt Nam năm 2024

Với sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở dữ liệu y tế trực tuyến và công nghệ giải trình tự thế hệ mới, các kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại đang trở thành công cụ đắc lực để các nhà khoa học sử dụng để triển khai các nghiên cứu diễn biến bệnh lý. Theo đó, TS. Đinh Phong Sơn và ThS.BS. Trần Châu Mỹ Thanh đã áp dụng các kỹ thuật vào việc tìm kiếm các dấu ấn sinh học tiềm năng để sàng lọc và chẩn đoán sớm các bệnh lý như:

- Đái tháo đường,

- Tim mạch,

- Đột quỵ, và

- Các bệnh ung thư.

Từ đây, các nhà khoa học của ĐH Duy Tân đã chỉ ra rằng có thể phát hiện các mục tiêu protein liên quan đến bệnh tật, và hỗ trợ nghiên cứu dược động học qua mục tiêu protein - thuốc trong điều trị bệnh. Hơn nữa, nhóm cũng nghiên cứu việc chỉnh sửa và thay thế các gen đột biến nội sinh bằng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9, cũng như nghiên cứu chức năng gen thông qua biểu hiện quá mức và làm im lặng gen. Những nghiên cứu của TS. Đinh Phong Sơn và ThS.BS. Trần Châu Mỹ Thanh không chỉ nhận được sự đánh giá rất cao của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Chẩn đoán Bệnh lý bằng mẫu Sinh thiết lỏng Không xâm lấn mà còn được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín.

Mới đây nhất, tại Đại hội Hội Hô hấp Việt Nam năm 2024 được phối hợp tổ chức bởi Hội hô hấp Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội và Bệnh viện Tâm Anh diễn ra từ ngày 12-14/7/2024, TS. Đinh Phong Sơn và ThS.BS. Trần Châu Mỹ Thanh đã giành giải Xuất sắc với báo cáo khoa học về chủ đề “Vai trò của microRNA trong việc điều chỉnh con đường truyền tín hiệu tế bào trong bệnh ung thư phổi.

Theo báo cáo của GLOBOCAN năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư mới là 19.3 triệu ca, trong đó châu Á chiếm 48.3%, và ung thư phổi có tỷ lệ tử vong cao nhất. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các bác sĩ trong việc nghiên cứu Chẩn đoán và điều trị ung thư phổi. Thực hiện đề tài này, TS. Đinh Phong Sơn và ThS.BS. Trần Châu Mỹ Thanh đã phân tích dữ liệu khoa học, dự đoán các dấu ấn phân tử miRNA và gen liên quan đến ung thư phổi, đồng thời so sánh với nhiều công bố khác đã có. Tham luận đã nhấn mạnh các protein quan trọng được điều chỉnh bởi miRNA, tham gia vào các con đường tín hiệu phân tử liên quan đến sự phát triển của ung thư phổi.

Giải Nhì tại Hội thảo “Ứng dụng Chuyển đổi số và Trí tuệ nhân tạo trong Chẩn đoán và điều trị bệnh”

Giải Nhì tại Hội thảo “Ứng dụng Chuyển đổi số và Trí tuệ nhân tạo trong Chẩn đoán và điều trị bệnh”

Tiếp đó, tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật mở rộng Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng lần thứ I vào tháng 6/2024, đề tài “miRNA: Tiềm năng là dấu ấn phân tử và mục tiêu điều trị ung thư”của hai nhà khoa học của Duy Tân đã vượt qua 56 đề tài từ nhiều đơn vị y tế trên cả nước để giành giải Xuất sắc. Đề tài của hai nhà khoa học tập trung xây dựng quy trình chẩn đoán các dấu ấn phân tử bằng kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại, đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong việc phát triển các phương pháp chẩn đoán tiên tiến. Kết quả nghiên cứu của đề tài không chỉ đưa ra khả năng chẩn đoán tiềm năng mà còn nhấn mạnh ứng dụng thực tiễn, giúp sớm tiếp cận và giải quyết các vấn đề bệnh lý lâm sàng, từ đây thêm khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu miRNA trong chẩn đoán và điều trị ung thư.

Một thành tích tiêu biểu khác phải kể đến của TS. Đinh Phong Sơn và ThS.BS. Trần Châu Mỹ Thanh là giải Nhì với đề tài “Giá trị chẩn đoán tiềm năng của microRNA huyết thanh đối với 19 loại ung thư” tại Hội thảo “Ứng dụng Chuyển đổi số và Trí tuệ nhân tạo trong Chẩn đoán và điều trị bệnh” tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 31/5/2024. Đề tài này là 1 trong 9 tham luận xuất sắc nhất của Hội thảo và được xuất bản trên tạp chí Journal of Biomolecular Structure and Dynamics thuộc ISI/Scopus Q2 với IF 4.4 vào ngày 15/3/2024.

Trước đó, TS. Đinh Phong Sơn và ThS.BS. Trần Châu Mỹ Thanh cũng đã trực tiếp hướng dẫn các sinh viên đạt:

- Giải Nhì hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học ĐH Duy Tân năm 2023,

- Giải Ba hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2023, và

- Giải Nhất hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học ĐH Duy Tân năm 2024.

Những thành tích nổi bật này thêm phần khẳng định năng lực của các nhà khoa học của ĐH Duy Tân, đồng thời cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ĐH Duy Tân trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học phục vụ y tế.

TS. Đinh Phong Sơn và ThS.BS. Trần Châu Mỹ Thanh hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học 2023 và 2024

TS. Đinh Phong Sơn và ThS.BS. Trần Châu Mỹ Thanh hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học 2023 và 2024

TS. Đinh Phong Sơn cho biết: “Sinh thiết lỏng là phương pháp lấy mẫu, sàng lọc và phát hiện các dấu ấn phân tử tiềm năng trong các mẫu chất lỏng để sử dụng trong chẩn đoán và theo dõi lâm sàng. Với ưu điểm không xâm lấn, độ nhạy cao và chi phí hợp lý, sinh thiết lỏng được ứng dụng rộng rãi trong 3 lĩnh vực lâm sàng chính gồm:

- Chẩn đoán và theo dõi khối u,

- Chẩn đoán cơn đau tim, và

- Chẩn đoán trước sinh.

Nhiều dấu ấn sinh học có nguồn gốc từ các bệnh lý ung thư, bao gồm tế bào khối u tuần hoàn (CTC), DNA khối u tuần hoàn tự do (cfDNA), microRNA tuần hoàn (miRNA), RNA không mã hóa dài (lncRNA), protein và chất chuyển hóa, túi ngoại bào khối u lưu hành (exosome) và tiểu cầu hình thành bởi khối u (TEP) có thể được phát hiện qua sinh thiết lỏng. Ứng dụng của sinh thiết lỏng trong nghiên cứu ung thư đã khẳng định khả năng nhận biết lâm sàng, theo dõi lâu dài và dự đoán tiên lượng về sự tiến triển của khối u trong nhiều loại ung thư.

Lựa chọn nghiên cứu sâu vào lĩnh vực này, chúng tôi mong muốn góp sức vào hoạt động sàng lọc và chẩn đoán sớm các bệnh lý để hỗ trợ tối đa cho người bệnh. Ngay tại ĐH Duy Tân, việc nghiên cứu trở nên thuận lợi hơn nhiều khi nhà trường không ngừng đầu tư xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại với trang thiết bị tiên tiến. Hệ thống máy móc hiện đại như máy ly tâm lớn, máy PCR, máy giải trình tự AB3500, MaxQ8000 Shaker và các hệ thống điện di DNA, protein, hỗ trợ tối đa để triển khai các hướng nghiên cứu về truyền nhiễm, di truyền, bảo tồn đa dạng sinh học, công nghệ lên men, ung thư và dược lý ngay tại trường. Những nỗ lực và thành công này không chỉ khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của ĐH Duy Tân mà còn mở ra nhiều cơ hội và triển vọng mới trong lĩnh vực Y học và Sinh học Phân tử.”

PV

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giang-vien-dh-duy-tan-nhan-nhieu-giai-xuat-sac-va-nhi-ve-chan-doan-va-dieu-tri-benh-post1673539.tpo