Giành 205 HCV SEA Games 31 nhưng Việt Nam khiêm tốn nhắm 3-4 HCV tại ASIAD

Thể thao Việt Nam đã có hướng chuẩn bị cho đấu trường Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2022 và mục tiêu cũng chỉ là phấn đấu giành từ 3 tới 4 tấm HCV.

Cử tạ vẫn là môn duy nhất chúng ta kì vọng đạt được kết quả ở các đấu trường cao ngoài SEA Games. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cử tạ vẫn là môn duy nhất chúng ta kì vọng đạt được kết quả ở các đấu trường cao ngoài SEA Games. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 – ông Trần Đức Phấn khẳng định, câu chuyện SEA Games với đấu trường ASIAD và Olympic là hoàn toàn khác.

Việc giành được 205 tấm HCV trong các nội dung ở SEA Games 31 không đồng nghĩa chúng ta bước ra sân chơi lớn hơn là ASIAD 19-2022 và dự vòng loại Olympic Paris (Pháp ) 2024 là chiến thắng tuyệt tối.

Hiện tại, ASIAD 19-2022 đã tạm hoãn thời điểm tổ chức nhưng sự chuẩn bị là không thể dừng lại. “Sau khi xem xét các nội dung để hướng tới ASIAD 2022 (dự kiến ban đầu là tháng 9-2022), chúng tôi đã len kết hoạch tập trung đầu tư cho một nhóm VĐV gồm 30 tuyển thủ. Dựa vào chuyên môn hiện tại, chuẩn bị cho tương lai ASIAD 19-2022 và Olympic Paris 2024.

VĐV vật Việt Nam có kết quả tuyệt đối tại SEA Games 31 nhưng nếu thi đấu châu Á và Olympic thì chưa thể có đủ tầm chinh phục thành tích. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

VĐV vật Việt Nam có kết quả tuyệt đối tại SEA Games 31 nhưng nếu thi đấu châu Á và Olympic thì chưa thể có đủ tầm chinh phục thành tích. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tiếc rằng, ASIAD 19-2022 dời lịch chưa có thông tin cụ thể khi nào tổ chức. Đến ASIAD, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu từ 3 tới 4 HCV trong 30 VĐV này. Cao nhất cũng chỉ là 5 tấm HCV. Mục tiêu và lực lượng còn hướng tới những giải đấu quan trọng tương lai xa hơn. Chúng ta chưa khoanh vùng được cho đầu tư bài bản. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Số lượng VĐV chúng ta có thể đạt được HCV ở ASIAD vẫn rất khó.

Tuyển thủ Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội) là người được nhắm cho đấu trường ASIAD chứ Olympic vẫn chưa thể. Môn điền kinh có thể có 1 hoặc 2 nội dung tập trung đầu tư cao vẫn có thể có huy chương ASIAD. Môn bắn súng khi có trường bắn điện tử của SEA Games 31 rồi thì có cơ hội đào tạo thêm xạ thủ đạt huy chương.

Bắn cung đang là môn sẽ phải rút kinh nghiệm nhiều nhất sau SEA Games 31 nếu muốn được sự đầu tư quan trọng hướng tới đấu trường ASIAD và Olympic. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bắn cung đang là môn sẽ phải rút kinh nghiệm nhiều nhất sau SEA Games 31 nếu muốn được sự đầu tư quan trọng hướng tới đấu trường ASIAD và Olympic. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Môn bắn cung có khả năng tranh chấp nếu VĐV thi đấu đúng khả năng. Thực tế, các môn đối kháng thuộc nhóm võ thuật bước ra sân chơi châu Á ở ASIAD gần như không có cơ hội. Kể cả taekwondo, karate, vật, judo... Bước tới đấu trường Olympic thì càng khó hơn”, ông Phấn khẳng định.

Là một trong những người chịu trách nhiệm về công tác chuyên môn thể thao thành tích cao của Tổng cục TDTT, ông Phấn đưa phân tích, các quốc gia trong khu vực như Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia có thể thua Việt Nam về số HCV tại SEA Games nhưng thành tích ở một số môn Olympic của họ rất tốt. Ở đấu trường ASIAD, Olympic, chúng ta ít số lượng HCV hơn so với họ. Các quốc gia bạn tập trung đầu tư với đấu trường châu lục, Olympic rất lớn. Hàng năm, ngành thể thao chỉ có một nguồn kinh phí đúng quy định được đầu tư nên từ sự khó khăn nguồn lực muốn đầu tư tập trung riêng là khó khăn. Chúng tôi đang kêu gọi các nguồn xã hội hóa. Nếu chỉ để nguồn xã hội hóa và nguồn của địa phương chỉ hướng vào đầu tư, tập luyện cho VĐV thì chúng ta đủ sức tranh chấp HCV SEA Games. Nguồn lực Nhà nước của ngành khi đó sẽ chỉ tập trung cho đấu trường quan trọng ASIAD, Olympic. Nhưng hiện điều này chưa được. Như việc tập luyện của 40 môn thể thao vừa qua tại SEA Games 31, tất cả các đội tuyển đều tập trung theo nguồn lực nhà nước và tập trung các điểm tập của quốc gia.

Theo MINH CHIẾN (SGGPO)

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/the-thao/gianh-205-hcv-sea-games-31-nhung-viet-nam-khiem-ton-nham-3-4-hcv-tai-asiad-105711.aspx