Giành huy chương vàng Olympic, VĐV được thưởng thế nào?

Mỗi quốc gia có một mức thưởng riêng biệt cho các VĐV giành huy chương vàng tại Thế vận hội.

Tấm huy chương vàng Olympic là danh hiệu cao quý nhất trong sự nghiệp thi đấu của VĐV đến từ hầu hết các môn thể thao đỉnh cao trên thế giới. Đăng quang tại Thế vận hội, VĐV không chỉ gặt hái thành tích cá nhân, mà còn trực tiếp mang về vinh quang cho đất nước.

Do đó, các ngôi sao thể thao thường được thưởng số tiền hậu hĩnh, tương xứng với những nỗ lực đã bỏ ra. Tuy nhiên, mức thưởng ở các quốc gia là rất khác nhau.

Trên thế giới

Khi đề nghị trọng tài trao HCV môn nhảy cao cho cả mình và Gianmarco Tamberi, VĐV Mutaz Barshim (Qatar) có lẽ không hiểu điều ấy có ý nghĩa với đối thủ, cũng là người bạn thân thiết của anh như thế nào.

Tamberi (trái) và Barshim chia sẻ tấm huy chương vàng.

Tamberi (trái) và Barshim chia sẻ tấm huy chương vàng.

Sau lượt nhảy chính thức, Barshim và Tamberi có cùng thành tích. Cả hai cũng không thực hiện thành công 3 lần nhảy hiệp phụ. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục thi đấu, Barshim đề nghị trao HCV cho cả hai.

Nếu thất bại trước Barshim trong hiệp phụ, Tamberi không chỉ lỡ cơ hội giành HCV, mà anh còn mất 100.000 USD. Đây là số tiền chênh lệch cho phần thưởng HCV và HCB ở Italy.

Theo USA Today, đoàn thể thao Italy trao thưởng 180.000 euro, tương đương 213.000 USD (4,9 tỷ đồng) cho VĐV đoạt HCV Olympic. VĐV đoạt HCB chỉ được thưởng một nửa con số đó, tức khoảng 107.000 USD (2,45 tỷ đồng).

Đối với VĐV ở nhiều quốc gia, huy chương Olympic không chỉ mang ý nghĩa vinh quang, hay sự đền đáp cho những năm tháng khổ luyện. Huy chương Thế vận hội còn mang tới phần thưởng lớn lao về vật chất.

VĐV cử tạ Kuo Hsing Chun (Đài Loan Trung Quốc) nhận được 716.000 USD (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho tấm HCV ở hạng cân 59kg nữ. Tuy nhiên, số tiền thưởng không được quy ước theo hạng cân.

Kuo Hsing-Chun nhận 716.000 USD tiền thưởng cho huy chương vàng.

Kuo Hsing-Chun nhận 716.000 USD tiền thưởng cho huy chương vàng.

VĐV Maure Charron của Canada giành HCV ở hạng cân 64kg, nhưng chỉ nhận khoảng 16.000 USD tiền thưởng (367 triệu đồng), bằng 1/50 con số của Kuo Hsing Chun. Giành HCB, Giorgia Bordignon của Italy nhận 107.000 USD (2,45 tỷ đồng). VĐV Chen Wen Huei của Đài Loan Trung Quốc đoạt HCĐ, nhưng nhận 179.000 USD (4,1 tỷ đồng).

Dù có thành tích chỉ xếp thứ ba, nhưng Chen Wen Huei có tiền thưởng nhiều hơn 2 VĐV xếp trên cộng lại.

Tại sao có sự khác biệt này? Nhìn chung, các quốc gia có đông VĐV dự Olympic và có nhiều huy chương dự kiến sẽ thưởng ít hơn so với các đoàn VĐV số lượng nhỏ và giành ít huy chương.

Chẳng hạn, Mỹ đang chạy đua huy chương với Trung Quốc trên bảng tổng sắp. Là cường quốc thể thao giàu có, song Mỹ chỉ thưởng 37.500 USD cho VĐV giành HCV, bằng con số lẻ tiền thưởng của VĐV Đài Loan Trung Quốc.

Caeleb Dressel nhận 185.000 USD tiền thưởng cho 5 tấm huy chương.

Caeleb Dressel nhận 185.000 USD tiền thưởng cho 5 tấm huy chương.

Lý do là bởi Mỹ có nhiều VĐV đoạt huy chương nên số tiền bị chia thành nhiều phần, còn Đài Loan có ít VĐV giành vinh quang, nên số tiền chia cho mỗi người lớn hơn.

Theo USD Today, quốc gia thưởng nhiều nhất cho tấm HCV Olympic là Singapore, với 1 triệu USD (22,9 tỷ đồng). Tuy nhiên, chưa VĐV nào của Singapore ở Thế vận hội 2020 nhận được phần thưởng này.

Ngoài ra, nhiều nước tham gia tài trợ cho các môn thể thao mà họ thường xuyên có VĐV góp mặt thông qua Ủy ban Olympic hoặc các hiệp hội quản lý trong nước. Nhờ vậy, các VĐV sẽ nhận được tiền tài trợ, chứ không chỉ trông đợi vào tiền thưởng cho tấm huy chương.

VĐV Caeleb Dressel (Mỹ) đã kiếm được 187.500 USD (4,3 tỷ đồng) cho 5 tấm HCV của mình. Tương tự, Katie Ledecky cũng nhận 125.000 USD (2,5 tỷ đồng) nhờ 2 HCV, 2 HCB ở Olympic Tokyo. Bên cạnh đó, cả hai còn được thưởng thêm tiền từ Hiệp hội bơi lội Mỹ.

Tại Đông Nam Á

Singapore là quốc gia Đông Nam Á thưởng nhiều tiền nhất cho HCV Olympic, nhưng Philippines, Thái Lan, Indonesia cũng không thua kém quá xa.

Tấm HCV ở môn cử tạ hạng cân 55kg nữ giúp Hidilyn Diaz nhận được số tiền thưởng lên đến 477.000 bảng (khoảng 15 tỷ đồng) cùng một căn nhà mới khang trang từ Chính phủ Philippines.

Diaz nhận 600.000 USD tiền thưởng cho kỳ tích ở Olympic Tokyo.

Diaz nhận 600.000 USD tiền thưởng cho kỳ tích ở Olympic Tokyo.

Giành HCV nội dung taekwondo, VĐV Panipak Wongpattanakit được chính phủ bổ nhiệm làm đại sứ thể thao và du lịch và nhận thưởng 20 triệu baht (khoảng 13 tỷ đồng).

Đánh bại Trung Quốc để vô địch cầu lông nội dung đôi nữ, bộ đôi Greysia Polii và Apriyani Rahayu của Indonesia nhận được tới 5 tỷ rupiah (tương đương 8 tỷ đồng) từ chính phủ, chưa kể phần thưởng bằng tiền của các nhà tài trợ.

Riêng Apriyani, tay vợt sống ở vùng nông thôn trên đảo Sulawesi, được chính quyền địa phương tặng thêm 5 con bò và một căn nhà mới. Không chỉ vậy, một chuỗi nhà hàng thịt viên quyết định tặng cho Apriyani và đồng đội Rahayu một chi nhánh nhượng quyền.

Greysia Polii và Apriyani Rahayu giúp cầu lông Indonesia có tấm huy chương lịch sử.

Greysia Polii và Apriyani Rahayu giúp cầu lông Indonesia có tấm huy chương lịch sử.

Thể thao Việt Nam và các doanh nghiệp treo thưởng 1,85 tỉ đồng cho VĐV đoạt HCV; HCB là 1,02 tỉ và HCĐ là 640 triệu đồng. Dù vậy, không VĐV Việt Nam nào đoạt huy chương tại Olympic Tokyo để nhận tiền thưởng.

Mỗi quốc gia, mỗi liên đoàn thể thao có một mức treo thưởng riêng để khích lệ, động viên tinh thần của VĐV. Ngoài mức thưởng theo quy định, các VĐV giành huy chương có thể còn được thưởng thêm bởi chính phủ hay doanh nghiệp tài trợ cho đội.

Đây là quyền lợi xứng đáng cho những nỗ lực, hy sinh của VĐV bỏ ra trong cả sự nghiệp chỉ để đổi lấy vài chục phút tranh tài ở mỗi kỳ Thế vận hội.

Hồng Nam (Nguồn: USA Today)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/gianh-huy-chuong-vang-olympic-vdv-duoc-thuong-bao-nhieu-tien-ar628892.html