Giành lại vỉa hè vẫn nhiều nan giải

Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều chiến dịch ra quân để giành lại vỉa hè, nhiều biện pháp được thực thi nhưng câu chuyện giành lại vỉa hè vẫn luôn là vấn đề nóng của Thủ đô. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải giải quyết được nguyên nhân cốt lõi đó là ý thức của người dân khi tham gia sử dụng vỉa hè.

Nhiều ghế đá trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh được sử dụng để bày bán hàng.

Nhiều ghế đá trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh được sử dụng để bày bán hàng.

Có thể nhận thấy, việc chiếm dụng vỉa hè của người dân không phải là mới, nhiều người tranh thủ, tận dụng vỉa hè để phục vụ cho lợi ích cá nhân mà không màng đến sự bất tiện cho xã hội. Lực lượng chức năng của thành phố đã nhiều lần ra quân xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, song, nhiều tuyến đường, phố vẫn bị lấn chiếm, buộc người đi bộ phải xuống lòng đường.

Với mục đích tiến tới hình thành các tuyến phố văn minh đô thị, thiết lập diện mạo khang trang, năm 2022, tuyến phố Nguyễn Chí Thanh được chính thức lựa chọn để đầu tư chỉnh trang đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hè đường, cây xanh, chiếu sáng, thiết kế biển hiệu, biển quảng cáo, định hướng trở thành tuyến phố điểm văn minh đô thị của quận Đống Đa nói riêng, TP Hà Nội nói chung. Đầu tháng 1/2023, dự án cải tạo, chỉnh trang, lát đá vỉa hè tuyến phố này hoàn thành. Vỉa hè được lát đá hoàn chỉnh, hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại, ghế đá cũng được lắp đặt tại nhiều điểm. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, không gian vỉa hè ở tuyến phố này đã bị tái chiếm trở lại. Những chiếc ghế đá trở thành chỗ bày bán của một số hàng quán, mục đích sử dụng đã bị người dân tự ý thay đổi.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, cần phải có nhận thức đúng đắn về thực hiện chức năng của hệ thống giao thông thành phố. Vỉa hè là không gian chuyển tiếp giao thông. Trong quản lý đô thị hiện nay chúng ta phải áp dụng tích hợp đa dạng các yêu cầu quản lý, vừa tuyên truyền vận động kết hợp xử lý nghiêm vi phạm, đồng thời huy động trách nhiệm của cộng đồng tham gia. Vì cộng đồng là trung tâm trong cuộc sống của đô thị hiện nay.

Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để hành vi chiếm dụng vỉa hè trái phép không thể tái diễn thì cần xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe.

Đây cũng là nhìn nhận của một số nhà quy hoạch về việc để chấm dứt tình trạng lộn xộn, nhếch nhác nơi vỉa hè, Hà Nội cần có những chính sách quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là lấy lại vỉa hè không chỉ để trả lại không gian an toàn, sạch sẽ cho người đi bộ mà vỉa hè Hà Nội phải là vỉa hè văn minh, văn hóa.

Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, quy hoạch ở ta biến động rất lớn. Cùng với đó là sự gia tăng dân số ở Thủ đô trong một thời gian dài… tạo áp lực trong việc quản lý, trong đó có vấn đề quản lý vỉa hè.

Nói về vấn đề thí điểm khu vực cho thuê vỉa hè, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân, ông Vĩ cho rằng, tùy từng nơi để thực hiện.

“Nếu cho thuê, dần dần người ta sẽ bay mái ra để lấn chiếm. Hiện tượng này trong thực tế đã có nhiều. Khi đã thuê người ta có quyền. Vậy khi cho thuê cần phải có các quy định cụ thể, thực hành một cách cụ thể. Có các quy định cụ thể thì cần phải thực thi. Tuy nhiên không đủ lực lượng để quản lý tất cả. Vì thế có quy định mà quá trình thực hiện không tốt sẽ trở lại tình trạng cũ. Nên cần thiết phải có một quy hoạch tổng thể và cần xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật của người dân” - ông Vĩ nhấn mạnh.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gianh-lai-via-he-van-nhieu-nan-giai-5720203.html