Giành thị phần dầu Nga ở châu Âu, Mỹ dự kiến xuất khẩu nhiều dầu chưa từng thấy trong năm 2023

Mỹ vẫn còn nhiều dư địa để giành thị phần của Nga tại châu Âu khi mà hiện tại, 27 nước thành viên EU hiện vẫn nhập khoảng 1,1 triệu thùng dầu từ Nga mỗi ngày...

Một tàu chở dầu ở Corpus Christi, Texas, Mỹ - Ảnh: Bloomberg

Một tàu chở dầu ở Corpus Christi, Texas, Mỹ - Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, doanh thu xuất khẩu dầu thô của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đạt kỷ lục trong năm tới khi nước này đang ngày càng chiếm lĩnh nhiều thị phần ở châu Âu.

Đầu tháng này, số liệu tuần của Chính phủ Mỹ cho thấy nước này đã xuất khẩu 5 triệu thùng dầu thô/ngày – một con số nhiều chưa từng thấy.

Những người lạc quan nhất trên thị trường dầu mỏ dự báo Mỹ sẽ xuất khẩu bình quân hơn 4 triệu thùng/ngày trong những tháng tới và năm 2023.

Trong bối cảnh thế giới đang chật vật giữa một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất lịch sử, Mỹ đang dần trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu. Quốc gia này có khả năng tiếp tục duy trì vị thế này do công suất khai thác dự trữ chỉ ở mức hạn chế của OPEC+ và EU tiến tới ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga từ đầu tháng 12 tới.

Giá nhiên liệu toàn cầu đã tăng vọt kể từ sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, trong khi đó, những biến động “cực đoan” trên thị trường dầu kỳ hạn đã khiến Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia xem xét cắt giảm nguồn cung hơn nữa bất chấp tình trạng thiếu hụt ở các quốc gia tiêu thụ.

“Các nhà cung cấp dầu của Mỹ đã nắm bắt được thị phần trên khắp châu Âu có lẽ sẽ tiếp tục giữ thị phần này trong 2 năm tới, khi mà các nhà sản xuất khác, bao gồm ở Biển Bắc và Tây Phi, đã không tăng sản lượng một cách ổn định”, ông Conor McFadden, người đứng đầu bộ phận dầu mỏ tại Europe at Trafigura – một trong những nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất của Mỹ, nhận định.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích trong ngành, dù việc Mỹ ngừng xả dầu dự trữ vào mùa thu này có thể làm hoạt động xuất khẩu chững lại một thời gian ngắn, trong dài hạn điều này sẽ không làm giảm dòng chảy khổng lồ này.

Các công ty khai thác dầu của Mỹ đã và đang tăng sản lượng - cho dù chỉ tăng ở mức độ vừa phải - và công suất của các nhà máy lọc dầu ở nước này được dự báo không tăng, nên lượng dầu thô dành cho xuất khẩu tăng thêm. Trên thực tế, lượng dầu xuất khẩu tính theo tuần của Mỹ đã vượt 4 triệu thùng/ngày trong nhiều tuần liên tiếp - lần đầu tiên kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu được gỡ bỏ vào cuối năm 2015, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 24/8.

"Khi các chuỗi cung ứng năng lượng của thế giới trở nên căng thẳng quá mức, dầu thô Mỹ đã lấp đầy chỗ trống".

Chuyên gia Conor McFadden, Europe at Trafigura

Tính cả năm, xuất khẩu dầu thô của Mỹ được dự báo đạt bình quân 3,3-3,6 triệu thùng/ngày, tăng từ mức gần 3 triệu thùng của năm 2021 – theo các nhà phân tích tại ESAI Energy, Rapidan Energy Group và Kpler. Nhà phân tích dầu mỏ Elisabeth Murphy của ESAI dự báo con số này là 4,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023.

Phần lớn số dầu này được xuất sang các nước châu Âu, nơi đang tìm kiếm nguồn cung mới trước khi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ ngày 5/12.

“Hiện tại, Mỹ chỉ chiếm khoảng 16% tổng lượng dầu thô nhập khẩu qua đường biển của châu Âu, tăng nhẹ từ mức 15,3% trước chiến tranh”, nhà phân tích thị trường dầu cấp cao Rohit Rathod của Vortexa phát biểu.

Còn theo nhà phân tích dầu khí Matt Smith của Kpler, Mỹ vẫn còn nhiều dư địa để giành thị phần của Nga tại châu Âu. Hiện 27 nước thành viên EU hiện vẫn nhập khoảng 1,1 triệu thùng dầu từ Nga mỗi ngày.

Mỹ đang thâm nhập cả thị phần của các nước Bắc Phi ở châu Âu - Ảnh: Getty Images

Mỹ đang thâm nhập cả thị phần của các nước Bắc Phi ở châu Âu - Ảnh: Getty Images

Mỹ không chỉ lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại ở châu Âu mà cũng đang thay thế cho nguồn cung từ các nhà cung cấp truyền thống khác của châu lục này như Kazakhstan – nơi đang chứng kiến sự gián đoạn trong hoạt động xuất khẩu dầu thô qua đường ống CPC do vấn đề kỹ thuật.

“Mỹ đang thâm nhập cả thị phần của các nước Bắc Phi ở châu Âu, cũng như bù đắp cho dòng chảy dầu thô bị gián đoạn từ Libya - nơi đang phải ngừng sản xuất do vấn đề chính trị”, nhà phân tích thị trường dầu khí Hunter Kornfeind của Rapidan nói.

Theo ông McFadden của Trafigura, các hãng tinh luyện dầu ở châu Âu đang ngày càng thoải mái hơn với việc sử dụng dầu Mỹ bởi hoạt động giao hàng đang diễn ra ổn định và đáng tin cậy.

“Khi các chuỗi cung ứng năng lượng của thế giới trở nên căng thẳng quá mức, dầu thô Mỹ đã lấp đầy chỗ trống”, ông nói thêm.

Trong dài hạn, các đơn hàng ở châu Á cũng sẽ là nhân tố quan trọng giúp xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng lên. Trong 2 tháng qua, các nước châu Á đã mua một lượng lớn dầu Mỹ, khi cạnh tranh với nguồn cung ở Trung Đông nóng lên. Dù vậy, một lượng dầu lớn hơn vẫn được xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ kể từ khi chiến tranh nổ ra.

Ngọc Trang -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/gianh-thi-phan-dau-nga-o-chau-au-my-du-kien-xuat-khau-nhieu-dau-chua-tung-thay-trong-nam-2023.htm