Giao ban trực tuyến toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư: Tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế
Ngày 28-7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc ngànhKế hoạch và Đầu tư 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm. Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Khánh Hòa.
Ngày 28-7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc ngành KH-ĐT 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm. Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Khánh Hòa.
Nhiều khó khăn
Theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, 6 tháng đầu năm, trước tác động của dịch Covid-19, bộ đã chủ động theo dõi, dự báo tình hình để kịp thời đề xuất những giải pháp chính xác, hiệu quả, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội. Qua 6 tháng, mặc dù Việt Nam đạt được tăng trưởng tích cực nhưng tình hình kinh tế nhìn chung gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH-ĐT) cho rằng, nhiều địa phương chưa thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công. Trong thời gian tới, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, chuẩn bị kỹ kế hoạch đầu tư công năm 2021 và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần phục hồi nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Kế hoạch này cần được triển khai đồng bộ, thống nhất và rút kinh nghiệm từ kế hoạch giai đoạn trước để thực hiện đạt yêu cầu và hiệu quả cao nhất.
Tại Khánh Hòa, theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh, do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đều tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã ưu tiên tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2020, căn cứ khả năng thu ngân sách của tỉnh do ảnh hưởng của Covid-19, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công năm 2020 là 3.222 tỷ đồng (so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giảm 1.376 tỷ đồng từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương). Đến ngày 20-7, so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 23%; so với kế hoạch vốn được tỉnh giao, tỷ lệ giải ngân đạt 32,8%.
Kiến nghị nhiều giải pháp
UBND tỉnh đặt mục tiêu đến ngày 30-9, so với kế hoạch vốn được tỉnh giao thực tế, tỷ lệ giải ngân ước đạt 64,1%. Cụ thể, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 63,9% kế hoạch, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia (vốn trong nước) đạt 63,6% kế hoạch, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (cấp phát từ ngân sách Trung ương) đạt 70,2% kế hoạch, nguồn vốn đầu tư từ nguồn bội chi (vay lại Chính phủ để thực hiện các dự án ODA) đạt 61,4% kế hoạch.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, ông Nguyễn Tấn Tuân đề xuất Bộ KH-ĐT tổng hợp, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực bắc Vân Phong nói riêng và Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong nói chung để tạo động lực thu hút đầu tư; tháo gỡ các vướng mắc, mâu thuẫn về chính sách miễn thuế, ưu đãi về thuế đối với việc đầu tư sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp.
Đối với lĩnh vực quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công an tiếp tục xem xét, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh theo Thông báo 182 ngày 15-5 của Văn phòng Chính phủ để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh; kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục có hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài trong tình hình hiện nay. Nếu dịch còn kéo dài và diễn biến phức tạp, dẫn đến lượng khách hàng chưa trả được nợ ngân hàng theo đúng thời hạn có xu hướng ngày càng tăng, UBND tỉnh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, điều chỉnh một số nội dung tại Thông tư số 01 năm 2020 để thêm thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí. Do các ảnh hưởng của dịch đến ngành vận tải hành khách, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tài chính miễn 100% phí trọng tải và lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa cho các doanh nghiệp đến hết năm 2020.
Về đầu tư xây dựng cơ bản, UBND tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét đưa KKT Vân Phong vào nhóm các KKT ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư, xem xét bố trí lại một phần nguồn thu trên địa bàn (từ nguồn xuất nhập khẩu xăng dầu) để tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong KKT, phát triển các khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, góp phần thu hút đầu tư tại KKT Vân Phong.
VĂN KỲ