Giao Chính phủ tổng kết đánh giá việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù
Sáng 29-6, với 96,09% đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề 'việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023'.
Nghị quyết về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia gồm 3 điều.
Tại Điều 1, Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 616/BC-ĐGS ngày 13-5-2024 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi là Nghị quyết số 43/2022/QH15) và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 với những kết quả đạt được và cả những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
Tại Điều 2, để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong Báo cáo số 616/BC-ĐGS, đồng thời tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp.
Trong đó, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư; khẩn trương thực hiện điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến ngày 31-12-2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình theo yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội.
Trường hợp không thể hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch, Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, chủ đầu tư, chủ quản dự án, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025 và đình chỉ hoặc không tiếp tục thực hiện các dự án hiệu quả thấp, chưa giải ngân.
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị mở rộng việc áp dụng chính sách đặc thù để đẩy mạnh giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, các chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án quan trọng quốc gia đến nay vẫn đang trong quá trình áp dụng, thời gian tới, trên cơ sở tổng kết đánh giá kỹ lưỡng sau quá trình triển khai thực hiện, đề nghị Chính phủ nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền việc mở rộng áp dụng đối với các chính sách đặc thù này.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Nghị quyết đã giao Chính phủ tổng kết đánh giá việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án, trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đối với các nội dung đã thực hiện có hiệu quả.
“Ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu dự thảo Nghị quyết đã chỉ ra nguyên nhân của tồn tại, hạn chế “tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm… dẫn đến giải quyết công việc chậm trễ, chưa hiệu quả…” là đúng với thực tế hiện nay. Qua giám sát, các vấn đề tồn tại, hạn chế, nguyên nhân về nội dung trên đã được nêu tại Báo cáo kết quả giám sát. Dự thảo Nghị quyết cũng đã quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong Báo cáo kết quả giám sát”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu.
Về ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào Nghị quyết giám sát đối với dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, cho phép các nhà đầu tư trong nước được liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhà đầu tư trong nước sẽ là đơn vị đứng đầu liên doanh để thực hiện dự án, Báo cáo nêu, tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16-6-2024 của Quốc hội về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã quy định Dự án thành phần 3 (dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP) được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.
Đến nay, Chính phủ đang chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện. Do vậy, trường hợp điều chỉnh nội dung này cần thực hiện theo trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.