Giao chủ tịch xã bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên hội đồng trường là phù hợp thực tế
Đội ngũ cán bộ cấp xã nhiều người có trình độ cao, từng giữ chức vụ ở cấp huyện, tỉnh cũ nên đủ năng lực tham mưu công tác nhân sự quản lý tại trường học.
.t1 { text-align: justify; }
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và lĩnh vực giáo dục - đào tạo của phòng chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể vai trò tham mưu của bộ phận chuyên môn về giáo dục – đào tạo thuộc Phòng Văn hóa – Xã hội cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Theo đó, dự thảo bổ sung hai nhiệm vụ mới mà trước đây, theo quy định tại Nghị định số 142/2025/NĐ-CP của Chính phủ, không được giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trong đó có nhiệm vụ: Tham mưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập hội đồng trường; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường; bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục công lập.
Đồng thời, tham mưu quyết định công nhận hoặc không công nhận hội đồng trường, Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục tư thục theo đúng tiêu chuẩn chức danh và thủ tục pháp luật quy định.
Giao thẩm quyền cho cấp xã là phù hợp với thực tiễn quản lý giáo dục
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vì Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (xã Púng Bánh, tỉnh Sơn La) cho hay, trước đây, để thành lập hội đồng trường, nhà trường giới thiệu nhân sự, hiệu trưởng tổng hợp danh sách nhân sự và làm tờ trình gửi phòng giáo dục và đào tạo. Chủ tịch hội đồng trường do các thành viên hội đồng bầu; thư ký hội đồng trường do chủ tịch hội đồng trường chỉ định. Trưởng phòng giáo dục và đào tạo công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường.
Tuy nhiên, với mô hình chính quyền địa phương hai cấp mới, không còn cấp huyện, việc giao các nhiệm vụ này lại cho cấp xã là hoàn toàn hợp lý.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là người am hiểu rõ tình hình dân cư, điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu học tập của học sinh cũng như đặc điểm cụ thể của từng trường học trên địa bàn. Việc giao thẩm quyền cho cấp xã trong công tác công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu và cấp phó của cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý là đề xuất phù hợp với thực tiễn.
Đề xuất này không chỉ góp phần tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục ở cấp cơ sở, mà còn giúp các quyết định nhân sự được triển khai nhanh chóng, kịp thời, sát với đặc điểm từng địa phương, trường học. Qua đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, tạo nền tảng để từng bước cải thiện chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Khi phòng Văn hóa - Xã hội tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường trong công tác nhân sự, nhà trường sẽ chủ động phối hợp cung cấp thông tin, hồ sơ, cũng như báo cáo thực trạng hoạt động của các thành viên hội đồng trường, cán bộ quản lý.

Cô Vì Thanh Phong (thứ 2 từ phải sang) - Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi. Ảnh: website nhà trường
Cùng bàn về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Ngọc Cẩm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Tân (xã Tân Phước 2, tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ: “Nếu giao cho cấp xã quyết định thành lập hội đồng trường; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là thay đổi phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Đề xuất này thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền trong quản lý giáo dục. Cấp xã là đơn vị gần gũi với trường học nhất, nắm rõ tình hình địa phương, hiểu rõ đặc thù dân cư, môi trường học tập, và có thể phản hồi kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan đến nhân sự nhà trường”.
Theo cô Cẩm, quy trình thành lập hội đồng trường nếu được thực hiện như quy định tại dự thảo sẽ rút gọn thời gian, giảm thủ tục hành chính và tăng tính chủ động cho địa phương nhưng vẫn đảm bảo sự minh bạch. Nhà trường cùng với ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ xem xét, đề xuất nhân sự với phòng Văn hóa - Xã hội. Từ đó, phòng sẽ tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường xem xét, quyết định.
Đối với các chức danh như Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chính quyền cấp xã là đơn vị gần gũi và sát sao với nhà trường, có điều kiện theo dõi, nắm bắt đầy đủ năng lực và quá trình công tác của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Nguyễn Mạnh Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo (phường Phú Yên, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, việc phân cấp, giao nhiệm vụ cho chính quyền cấp xã trong quản lý giáo dục cơ sở là một bước đi hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Trước đây, các nhiệm vụ như quản lý ngân sách, cơ sở vật chất từ cấp trung học cơ sở trở xuống đều do cấp huyện phụ trách. Tuy nhiên, khi chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, những nhiệm vụ này do ủy ban nhân dân cấp xã, phường quản lý sẽ phù hợp hơn.
Cấp xã là đơn vị gần gũi và nắm rõ hơn tình hình thực tế của các trường. Do đó, nhiệm vụ quyết định thành lập hội đồng trường hay bố trí thành viên trong hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục công lập giao cho ủy ban nhân dân xã, phường sẽ đồng nhất và sát với thực tế.
Theo Nghị định 142, các nhiệm vụ trên vốn thuộc thẩm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, tại nhiều tỉnh thành sau sáp nhập có số lượng trường học tăng lên đáng kể, khối lượng công việc cũng theo đó gia tăng. Nếu dồn toàn bộ các đầu việc về Sở, nguy cơ quá tải là điều khó tránh khỏi.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ cấp xã hiện nay nhiều người có trình độ cao, từng giữ các chức vụ ở cấp huyện, tỉnh trước khi sáp nhập. Họ được đào tạo bài bản, có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, có lý luận chính trị cao cấp. Khi được phân cấp rõ ràng và giao đúng nhiệm vụ, họ hoàn toàn có đủ năng lực để đảm đương việc xem xét, tham mưu nhân sự quản lý nhà trường ở địa phương. Đây chính là điều kiện thuận lợi để thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, phát huy nguồn lực tại chỗ trong quản lý giáo dục.
Cần có hướng dẫn cụ thể cùng cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các cấp
Bất kỳ nội dung mới nào khi triển khai vào thực tiễn cũng khó tránh khỏi những lúng túng ban đầu, nhất là trong bối cảnh chính quyền địa phương hiện nay mới chuyển sang mô hình hai cấp, với nhiều nhiệm vụ lần đầu tiên được giao trực tiếp về cấp xã.
Với việc giao Ủy ban nhân dân xã, phường đảm nhiệm công tác về nhân sự lãnh đạo trường học, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh Tân bày tỏ mong muốn, nếu dự thảo được thông qua và sớm đi vào thực tiễn sẽ có sự phân định rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của cấp xã trong lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh đó, các trường học cũng rất cần hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu về cách thức phối hợp, quy trình làm việc với phòng Văn hóa - Xã hội và ủy ban nhân dân xã, để việc triển khai diễn ra suôn sẻ, hiệu quả và đúng theo tinh thần của chính sách mới.
Ngoài ra, nhân lực phòng Văn hóa - Xã hội cần am hiểu về đặc thù các nhà trường tại đại phương, hiểu rõ quy trình bổ nhiệm, đánh giá hiệu quả công việc, cũng như khả năng cân nhắc khách quan giữa chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Học sinh Trường Tiểu học Thạnh Tân trong một hội thi tại trường. Ảnh: website nhà trường
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo cho rằng, bên cạnh việc giao nhiệm vụ, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, minh bạch giữa nhà trường, phòng Văn hóa - Xã hội và các đơn vị khác có liên quan của ủy ban nhân dân xã. Mỗi bên cần được xác định rõ vai trò: nhà trường chủ động đề xuất, phòng Văn hóa – Xã hội xem xét, tham mưu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường ra quyết định.
Sự phối hợp hiệu quả sẽ giúp đảm bảo các quyết định nhân sự không bị trì trệ, không thiên vị cá nhân, đồng thời bảo vệ tính khách quan, minh bạch của quá trình ra quyết định.
Thầy Cường bày tỏ hy vọng, nếu dự thảo thông tư mới được thông qua, cần đi kèm với cơ chế vận hành thực chất, có hướng dẫn rõ ràng, có đào tạo bài bản, có giám sát minh bạch và có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp.
Khi những điều kiện này được đảm bảo, việc trao quyền cho cấp xã không chỉ giúp giảm tải cho cấp tỉnh, mà còn là bước đi thiết thực để nâng cao hiệu quả quản trị nhà trường, phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ tại chỗ và nâng cao chất lượng giáo dục ngay từ cấp cơ sở.