Giảo cổ lam vừa giúp thanh nhiệt ngày nắng nóng lại phòng ngừa nhiều bệnh tật
Trong thành phần của giảo cổ lam có chứa 2 hoạt chất tiêu biểu là Saponin và Flavonoid, đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe như ngăn ngừa ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch, ...
Giảo cổ lam là một loại thảo dược có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Mọi người thường dùng giảo cổ lam như một loại trà để giải khát, thanh nhiệt và ngăn ngừa bệnh tật.
1. Giới thiệu về cây giảo cổ lam
Giảo cổ lam có tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum và được biết đến với nhiều tên gọi khác như thất diệp đảm, cổ yếm, trường sinh thảo, thư tràng năm lá, dây lõa hùng, ngũ diệp, cỏ thần kỳ, cỏ trường thọ, …
Giảo cổ lam là cây thân thảo có thân mảnh, cây mọc leo nhờ tua cuốn mọc ở nách lá. Lá của giảo cổ lam giống như lá kép chân vịt, hoa đơn tính mọc khác gốc, cụm hoa hình chùy, có nhiều hoa nhỏ màu trắng và ở bầu có 3 vòi nhụy. Quả của loại cây này có hình cầu với đường kính 5 – 9 mm, quả có màu đen khi chín.
Lá giảo cổ lam thường được dùng làm trà, hỗ trợ điều trị và phòng ngừa một số bệnh tật nhờ các chất chống oxy hóa như polysacarit, sterol thực vật, flavonoid, ginsenoside và saponin, enzym, vitamin và khoáng chất.
2. Lợi ích của giảo cổ lam
Giảo cổ lam có tính hàn, vị ngọt đắng, có thể được dùng như một vị thuốc. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích sức khỏe nổi bật của loại thảo dược này:
2.1. Hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh tiểu đường
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng các hợp chất được gọi là gypenoside được tìm thấy trong giảo cổ lam có tác dụng chống bệnh tiểu đường, vì chất này có thể giúp cân bằng lượng đường trong máu và chống lại tình trạng kháng insulin.
Ngoài ra, trong một số nghiên cứu khác, những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 được bổ sung khoảng 6g trà giảo cổ lam từ 4 đến 8 tuần. Kết quả là nhóm người này kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn, thể hiện qua việc giảm huyết sắc tố A1C và mức đường huyết lúc đói.
2.2. Phòng ngừa ung thư
Có một số bằng chứng chỉ ra rằng chất chống oxy hóa của giảo cổ lam, bao gồm cả polysacarit, có thể giúp ức chế sự di chuyển và xâm lấn của tế bào ung thư.
Các quan sát từ các nghiên cứu cho thấy rằng giảo cổ lam có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và sửa chữa DNA. Điều này có liên quan đến việc bảo vệ chống lại một số loại ung thư, bao gồm cả ung thư ruột kết.
2.3. Hỗ trợ chức năng gan
Giảo cổ lam không chỉ có tác dụng phòng ngừa ung thư mà còn hỗ trợ giải độc, cải thiện chức năng gan và bảo vệ chống lại bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Một thử nghiệm lâm sàng nhỏ, ngẫu nhiên cho thấy những người trưởng thành được bổ sung 80mL chiết xuất giảo cổ lam trong khi tuân theo chế độ ăn kiêng theo quy định trong 4 tháng đã giảm được chỉ số khối cơ thể và chỉ số gan nhiễm mỡ, cũng như các chỉ số liên quan đến tình trạng kháng insulin.
2.4. Giảm các bệnh về đường hô hấp
Trà giảo cổ lam được sử dụng trong các hệ thống y học tự nhiên để giúp giảm ho, cảm lạnh, hen suyễn và các triệu chứng do các vấn đề về đường hô hấp khác, chẳng hạn như nhiễm trùng như viêm phế quản mãn tính.
2.5. Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Một số ý kiến cho rằng giảo cổ lam có lợi cho sức khỏe tim mạch nhờ tác dụng giảm viêm cũng như giảm tác động tiêu cực của căng thẳng, chẳng hạn như thay đổi huyết áp.
Ngoài ra, trong giảo cổ lam có các hợp chất saponin, có thể làm tăng lưu thông và thúc đẩy mức cholesterol khỏe mạnh. Có một số bằng chứng cho thấy dùng giảo cổ lam có thể làm giảm cholesterol toàn phần và tăng cholesterol HDL "tốt".
2.6. Giảm căng thẳng
Giảo cổ lam là một trong nhiều loại dược liệu được cho là có tác dụng giảm căng thẳng.
Một nghiên cứu ở Hàn Quốc đã xem xét 72 người có tiền sử căng thẳng và lo lắng mãn tính. Một nửa trong số họ được cho uống chiết xuất từ lá giảo cổ lam một cách thường xuyên trong vòng 8 tuần.
Kết quả cho thấy nhóm sử dụng giảo cổ lam có mức độ căng thẳng thấp hơn nhưng không có sự khác biệt về mức độ của các hormone gây căng thẳng như norepinephrine và cortisol giữa những người dùng giảo cổ lam và những người dùng giả dược. Vì vậy, tác dụng này cần được nghiên cứu thêm.
3. Giảo cổ lam được sử dụng như thế nào?
Lá giảo cổ lam thường được dùng để làm trà uống hàng ngày. Các bạn có thể lấy cây tươi, rửa sạch và phơi khô. Sau đó pha như trà bình thường, đổ nước nóng và ủ trong khoảng 10 phút, uống trong ngày.
Ngoài ra, mọi người có thể kết hợp giảo cổ lam với cây xạ đen, cà gai leo. Cách pha trà như bình thường và thưởng thức trong ngày. Đối với công thức này có thể tăng hương vị cho trà và phòng ngừa nhiều bệnh tật như đái tháo đường, viêm gan B, …
Mặc dù không có liều lượng tiêu chuẩn mà các chuyên gia khuyến nghị, nhưng người lớn chỉ nên dùng từ hai đến bốn tách trà giảo cổ lam mỗi ngày.
4. Tác dụng phụ và những lưu ý khi sử dụng giảo cổ lam
Giảo cổ lam thường được cho là an toàn, mặc dù nó có thể gây ra các tác dụng phụ như sau: Nôn mửa, tiêu chảy, táo bón, chóng mặt, mờ mắt, ù tai.
Tính an toàn của thảo mộc này đối với phụ nữ có thai và cho con bú chưa được chứng minh. Ngoài ra, một số thành phần trong giảo cổ lam đã được phát hiện là gây ra những bất thường cho thai nhi ở chuột. Do đó, để đảm bảo an toàn, phụ nữ có thai và cho con bú không nên uống loại trà này.
Ngoài ra, trẻ em dưới 6 tuổi cũng như những người bị rối loạn chảy máu và bất kỳ ai đang dùng thuốc để kiểm soát quá trình đông máu hoặc làm giảm hệ thống miễn dịch không nên dùng loại trà này.
Nhìn chung, giảo cổ lam là loại thảo dược tốt cho sức khỏe, có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh nhưng không thể thay thế các chỉ định của bác sĩ. Hầu hết giảo cổ lam đều an toàn với mọi người, nhưng nếu có những dấu hiệu bất thường sau khi uống loại trà này, ban nên ngưng sử dụng và tham khảo ý kiến từ bác sĩ.
Nguồn: Verywellhealth và Draxe