Giáo dân Quảng Bình thi đua sống tốt đời, đẹp đạo

Quảng Bình là một trong những địa phương có bà con theo đạo công giáo tương đối lớn, chiếm đến 12% dân số của tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 109.387 tín đồ sinh hoạt ở 30 giáo xứ, 91 họ giáo. Trong những năm qua, bà con giáo dân luôn thực hiện đời sống 'Tốt đời, đẹp đạo', 'Kính chúa yêu nước' góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.

Những điển hình giúp người dân phát triển kinh tế

Gần 30 năm làm mục vụ, rồi linh mục từ vùng heo hút núi cao đến đồng bằng ven sông, ven biển, những nơi linh mục Hồ Thái Bạch đến đều được nhân dân trên địa bàn hết sức tin yêu. Bởi ở đâu, linh mục Hồ Thái Bạch cũng phối hợp rất tốt với chính quyền địa phương để giúp người dân có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Công an Quảng Bình tặng giống vịt biển cho bà con giáo dân trên địa bàn để góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Công an Quảng Bình tặng giống vịt biển cho bà con giáo dân trên địa bàn để góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Nhớ những ngày làm linh mục ở xứ đạo Khe Gát, xã Xuân Trạch, Bố Trạch, hay về tiếp nhận quản xứ Liên Hòa, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, khi đã hơn 70 tuổi nhưng hàng ngày linh mục Hồ Thái Bạch rất ít khi ở lại trong nhà thờ, mỗi ngày linh mục đều sắp xếp thời gian để xuống thôn, xóm, đến từng nhà người dân khi thì thăm hỏi công việc đồng áng, khi động viên các cháu nhỏ việc nhà, việc học, rồi hỏi thăm đám trai làng đi biển trúng vụ cá, vụ tôm… Trong các buổi lễ tại nhà thờ, thông qua rao giảng, linh mục Hồ Thái Bạch thường lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục, vận động, nhắc nhở, động viên bà con giáo dân chăm lo làm ăn, khuyến khích tìm tòi các mô hình phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, chú trọng đầu tư việc học cho con em để giúp cải thiện đời sống cho bà con, giúp xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường sống.

Đã hơn 40 năm anh Nguyễn Chiến Sự làm Trưởng thôn Bồng Lai 2 ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Thôn Bồng Lai 2 có 182 hộ dân với 707 nhân khẩu, 98% bà con có đạo. Là một giáo dân, anh Nguyễn Chiến Sự luôn trăn trở để đời sống của bà con nơi đây ngày một phát triển tốt đẹp hơn. Những năm trước, bà con ở thôn Bồng Lai 2 cuộc sống gặp nhiều khó khăn do diện tích đất canh tác nông nghiệp và đất rừng ít. Nhiều đêm, anh Nguyễn Chiến Sự nằm nghĩ, người dân sống cạnh rừng mà không có đất để trồng rừng, trong khi đó đất lâm trường Bồng Lai trên địa bàn có hàng ngàn ha lại trồng, chăm sóc không xuể.

Sau những cuộc họp thôn, anh Nguyễn Chiến Sự làm việc với tập thể Đảng ủy xã Hưng Trạch đề đạt nguyện vọng lên các cấp, các ngành liên quan tìm giải pháp để bà con có đất rừng trồng. Sau khi được chính quyền địa phương và lâm trường Bồng Lai giao lại 150ha rừng, anh Nguyễn Chiến Sự và chính quyền địa phương đã đo đếm chia cho bà con để trồng rừng. Từ đó cuộc sống của người dân trên địa bàn đã có nhiều thay đổi. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Chiến Sự nói về những năm tháng đi qua với niềm vui, niềm tự hào, anh luôn suy nghĩ để làm việc và mong muốn cho cuộc sống của bà con trên địa bàn ngày một phát triển. Là người sinh ra và lớn lên ở Bồng Lai, chứng kiến cái nghèo, cái đói của người làng dần được đẩy lùi và giờ đây nhiều hộ gia đình đã vươn lên khá giả, 240 cháu trong thôn đang theo học ở các cấp học… anh Sự thấy đó là niềm vui lớn trong chính cuộc sống, cuộc đời của anh, một người cả một đời “kính Chúa yêu nước”, luôn làm cầu nối giữa đạo với đời đối với bà con giáo dân trên địa bàn.

Rời nhà anh Nguyễn Chiến Sự, chúng tôi gặp anh Nguyễn Sơn Cảnh, một giáo dân được bà con ở thôn Thanh Bình 1 xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình rất quý mến. Là xã Đội phó kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã Hưng Trạch, anh Cảnh luôn đi đầu, sát cánh với bà con trên địa bàn khi thiên tai bão lũ, hay cuộc sống thường ngày. Thôn Thanh Bình 1 có 192 hộ dân, 100% bà con là giáo dân, anh Cảnh luôn có suy nghĩ làm sao để người dân trên địa bàn thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình. Thôn Thanh Bình 1 đất chật, người đông, cuộc sống bà con chủ yếu dựa vào rừng. Những năm gần đây, với sự mạnh dạn của người dân trong phát triển kinh tế, sự gần gũi động viên của những người như anh Nguyễn Sơn Cảnh, người dân đã phát triển đa ngành nghề như làm bánh, nấu rượu, nuôi cá lồng, đi xuất khẩu lao động… cuộc sống của bà con ngày một khấm khá hơn.

Nhiều mô hình hay, mang lại hiệu quả thiết thực

Đi về nhiều làng quê, nhiều giáo xứ, chúng tôi nhận thấy, bà con giáo dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình luôn phát huy truyền thống yêu quê hương, đất nước, chịu thương chịu khó lao động sản xuất nên đời sống ngày một ấm no. Nhiều phong trào, mô hình, tổ chức quần chúng bà con giáo dân tham gia rất đông và phát huy tác dụng tốt như: “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”; “Họ đạo bình yên, gia đình giáo dân gương mẫu”; “Họ giáo an ninh, văn minh tiên tiến”; “Khu giáo dân 6 không, 3 phòng”; “Tiếng kẻng an ninh”… các mô hình được lồng ghép với các phong trào khác ở địa phương như: “Thanh niên lập nghiệp”; “Tuổi trẻ giữ nước”, đồng thời các mô hình trong đời sống của bà con giáo dân gắn với cuộc vận động lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; Phong trào “Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Phóng viên Báo CAND trao đổi với ông Sự và ông Cảnh.

Phóng viên Báo CAND trao đổi với ông Sự và ông Cảnh.

Bà con giáo dân tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Điển hình như mô hình "Giáo xứ tự quản về an ninh trật tự (ANTT)" của giáo xứ Kim Lũ, xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa) đã góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị và ANTT tại địa phương; mô hình phối hợp “Công an xã-Hội đồng mục vụ giáo xứ” bảo đảm ANTT và mô hình “Thôn, Tổ dân phố nói không với pháo” giữa Công an thị xã Ba Đồn và giáo xứ Văn Phú, xã Quảng Văn, được giáo dân đồng tình ủng hộ; hầu như 100% người dân đều nghiêm túc chấp hành…

Hiện nay, bà con giáo dân đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, có nhiều điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong các địa phương vùng giáo như: Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bảy, giáo dân xứ Khe Ngang, xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch) là một trong những điển hình tiêu biểu của phong trào với mô hình chăn nuôi lợn rừng. Hộ giáo dân Nguyễn Thị Nguyện, giáo xứ Troóc, xã Phúc Trạch từ một hộ nghèo đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng mới 800 gốc tiêu, nuôi 60 con lợn thịt, 300 con gà thả vườn/lứa nay đã vươn lên trở thành hộ khá. Tại thị xã Ba Đồn, các tổ hợp tác trồng sim lấy quả, trồng nghệ vàng và chế biến tinh bột nghệ thương phẩm thuộc giáo hạt Nguồn Son, làng trồng hoa thuộc giáo họ Tượng Sơn, phường Quảng Long đang từng ngày phát triển, cho thu nhập khá… Những năm qua, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho các cơ sở giáo hội việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho xứ, họ đạo, cấp phép xây dựng nhà thờ, tạo điều kiện cho giáo hội nhận viện trợ, mua sắm đồ dùng, vật chất phục vụ cho lễ lượt… Đời sống bà con giáo dân ngày một ấm no, khắp nơi trên địa bàn bà con giáo dân đang thi đua sống tốt đời đẹp đạo.

Dương Sông Lam

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/giao-dan-quang-binh-thi-dua-song-tot-doi-dep-dao-i718049/