Giao đất dịch vụ ở Hà Đông:Người dân đợi 20 năm chưa được nhận đất

Tại quận Hà Đông, đến nay vẫn còn hơn 30% số hộ, tương đương gần 10.000 trường hợp thuộc diện phải rà soát, báo cáo cơ quan có thẩm quyền nên chưa được giải quyết giao đất dịch vụ theo Đề án đã được phê duyệt, gây lãng phí nguồn lực đất đai, tạo bức xúc trong nhân dân...

Bài 1: Người dân mòn mỏi đợi... đất

Thành phố Hà Đông trước đây (nay là quận Hà Đông) đã giao các phường xây dựng Đề án xét duyệt đất dịch vụ công khai, đồng thời triển khai các dự án đầu tư hạ tầng đất dịch vụ nhằm giao đất đến hộ gia đình. Sau gần 20 năm, chính sách bồi thường hỗ trợ người dân chưa được trọn vẹn thì đời sống xã hội đã có nhiều thay đổi, công tác giao đất dịch vụ tại một số nơi của quận càng gặp nhiều khó khăn...

Gần 20 năm vẫn chờ đợi quyền lợi chính đáng

Từ năm 2004 đến 2016, địa bàn quận Hà Đông có 95 dự án được áp dụng chính sách hỗ trợ bằng hình thức giao đất dịch vụ (hoặc đất ở lâu dài) đối với những hộ bị thu hồi đất nông nghiệp để chuyển đổi nghề tạo việc làm, ổn định đời sống (các dự án sau này không còn được áp dụng chính sách này).

Thành phố Hà Đông trước đây (nay là quận Hà Đông) đã giao các phường xây dựng Đề án xét duyệt đất dịch vụ công khai, đồng thời triển khai các dự án đầu tư hạ tầng đất dịch vụ nhằm giao đất đến hộ gia đình. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn tới hơn 30% số hộ, tương đương gần 10.000 trường hợp, thuộc diện phải rà soát, báo cáo cơ quan có thẩm quyền nên chưa được giải quyết giao đất dịch vụ theo Đề án đã được phê duyệt, gây lãng phí nguồn lực đất đai, tạo bức xúc trong nhân dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, ông Dương Văn Đức, thương binh, 79 tuổi, ở Tổ dân phố Quang Minh, phường Dương Nội (quận Hà Đông) cho biết, từ năm 2006 đến năm 2008, gia đình ông bị thu hồi đất phục vụ các dự án giao thông, đô thị và được Nhà nước xét duyệt cho 64m2 đất dịch vụ. Theo phương án, gia đình ông nhận một lô nguyên 50m2, phần còn lại được ghép với một gia đình khác.

"Sau gần 20 năm, đất nông nghiệp của chúng tôi phục vụ các dự án giao thông, đô thị như: Khu đô thị mới An Hưng, đường Lê Văn Lương kéo dài… trong khi đó, quyền lợi theo Đề án đã duyệt của người dân quá chậm trễ, gia đình tôi sau khi chuyển hơn 10m2 cho hộ khác ghép để đủ lô, họ đã nhận được đất từ lâu, còn gia đình tôi do “lỡ” một nhịp, dù đã nộp tiền hạ tầng từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa được nhận đất dịch vụ", ông Đức bức xúc nói.

Khu đất dịch vụ 2 ở phường Đồng Mai, nhiều hộ đã bốc thăm nhận vị trí nhưng đến nay chưa được giao đất, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn tới bỏ hoang nhiều vị trí. Ảnh: Sơn Tùng.

Khu đất dịch vụ 2 ở phường Đồng Mai, nhiều hộ đã bốc thăm nhận vị trí nhưng đến nay chưa được giao đất, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn tới bỏ hoang nhiều vị trí. Ảnh: Sơn Tùng.

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Thanh, ở tổ dân phố Quyết Tâm, phường Dương Nội, cho biết: "Chúng tôi đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của cơ quan chức năng từ gần 20 năm nay nhưng vẫn mòn mỏi chờ đợi quyền lợi chính đáng"...

Ông Nguyễn Hữu Chiến, ở phường Đồng Mai, chia sẻ: "Gia đình tôi có đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ dự án Khu công nghiệp Đồng Mai, được quận xét duyệt gần 2 lô đất dịch vụ, trong đó có 1 lô nguyên và 1 lô ghép với hộ khác. Trong thời gian dài chờ đợi thực hiện chính sách, bố mẹ tôi đều mất lúc họ hơn 90 tuổi, anh trai tôi mất khi gần 70 tuổi. Nay nếu để được nhận các suất đất dịch vụ tại thực địa, thành viên còn lại trong gia đình tôi phải thực hiện nhiều thủ tục liên quan, cử người đại diện, phân chia di sản thừa kế…".

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Đình Khoái, ở Tổ dân phố 6 Nhân Đạo, phường Đồng Mai, thuộc diện gia đình chính sách, gắp thăm đất dịch vụ từ năm 2013, cho biết: “Gia đình tôi có đất bị thu hồi phục vụ dự án khi tôi chưa đến 50 tuổi, nay đã gần 70 tuổi mà quyền lợi của bản thân và gia đình vẫn chưa được thực hiện đầy đủ”.

Còn ông Nguyễn Đình Chín, cũng ở Tổ dân 6 Nhân Đạo, phường Đồng Mai chia sẻ: "Gia đình tôi đã được xét duyệt theo Đề án là hơn 70m2 đất dịch vụ, trong khi mẹ tôi là bà Dương Thị Gái, chủ hộ, đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đã mất. Mới đây, gia đình tôi thuộc diện được tháo gỡ, giao 1 lô đất dịch vụ nhưng phải ký vào bản cam kết xin giao không quá 50m2 đất dịch vụ trong hạn mức quy định của tỉnh Hà Tây (cũ). Chúng tôi rất băn khoăn và có phần bức xúc".

Tại phường Dương Nội, hiện còn gần 1.000 trường hợp chưa được giao đất dịch vụ theo Đề án đã được phê duyệt dẫn tới các khu đất dịch vụ trên địa bàn không phát huy giá trị đất đai. Ảnh: Sơn Tùng.

Tại phường Dương Nội, hiện còn gần 1.000 trường hợp chưa được giao đất dịch vụ theo Đề án đã được phê duyệt dẫn tới các khu đất dịch vụ trên địa bàn không phát huy giá trị đất đai. Ảnh: Sơn Tùng.

Còn với anh Nguyễn Tiến Đạt, ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, trong khi nhiều hộ cùng bị thu hồi đất, nhận đất dịch vụ trước năm 2018, nay đều đã xây nhà kinh doanh tốt hoặc được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định... thì các hộ thuộc diện chờ xét như gia đình anh vẫn "đứng ngồi không yên, đất bị bỏ hoang mà người dân thì phải vất vả tìm sinh kế". Đây cũng là tình cảnh của những hộ chưa được giao đất dịch vụ tại các phường Yên Nghĩa, Phú Lương…

Nhiều hệ lụy từ chậm giao đất dịch vụ

Trên địa bàn quận Hà Đông có 13/17 phường được áp dụng chính sách hỗ trợ bằng hình thức giao đất dịch vụ (đất ở) đối với hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi. Trong khoảng thời gian dài (2004-2016), trên địa bàn quận có 95 dự án được áp dụng chính sách hỗ trợ nói trên theo các Nghị định của Chính phủ.

Sau này, khi tỉnh Hà Tây hợp nhất với thành phố Hà Nội, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều đổi khác. Để giải quyết tồn đọng, thành phố Hà Nội tiếp tục có các thông báo mới, trong đó cho phép thực hiện chính sách đất dịch vụ với diện tích 1.726,82ha để giải quyết quyền lợi cho người dân sau thu hồi đất. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, việc chậm trễ giao đất dịch vụ đã dẫn tới nhiều hệ lụy.

Khu đất 7,25ha Ma Tre, phường Kiến Hưng được quy hoạch là đất dịch vụ đang là "đất vàng" ở địa phương. Ảnh: Bạch Thanh.

Khu đất 7,25ha Ma Tre, phường Kiến Hưng được quy hoạch là đất dịch vụ đang là "đất vàng" ở địa phương. Ảnh: Bạch Thanh.

Tại phường Đồng Mai, một trong những phường có tỷ lệ giao đất dịch vụ thấp của quận,sau nhiều năm không được duy tu, bảo dưỡng, hệ thống hạ tầng, điện, nước, viễn thông nhiều khu đất dịch vụ trên địa bàn phường chưa giao thực địa cho các hộ dân đã bị xuống cấp, chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch và thiết kế..., dẫn tới giá trị đất đai không được phát huy.

Hay như với 7,25ha khu Ma Tre, phường Kiến Hưng, được quy hoạch là khu đất dịch vụ, gần các đô thị lớn, hạ tầng giao thông thuận lợi, song bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànôịmới, Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng Đặng Trần Đức cho hay: "Nếu địa phương sớm hoàn tất giao đất dịch vụ cho người dân theo Đề án thì với khu "đất vàng" này, họ sẽ xây nhà vừa ở, vừa kinh doanh, đời sống nông dân được cải thiện. Rất tiếc, khu đất này bị bỏ hoang lâu năm, hạ tầng xuống cấp, nguồn lực từ đất không được phát huy"...

Còn theo đại diện lãnh đạo các phường: Yên Nghĩa, Đồng Mai, Kiến Hưng, Dương Nội…, việc khiếu kiện đông người kéo dài trên địa bàn thời gian qua chủ yếu do người dân đòi quyền lợi liên quan đến đất dịch vụ.

Theo thống kê, tổng số hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quận Hà Đông bị thu hồi đất nông nghiệp được hỗ trợ bằng hình thức giao đất dịch vụ (đất ở) giai đoạn 2004-2016 là 16.196 hộ; tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi 13.526.897,05m2 , tương ứng 1.004.159,3m2 đất dịch vụ. Trong đó, quận đã giao 11.089 hộ gốc (và 7.750 hộ tách) với tổng diện tích 709.811,06m2 đất dịch vụ; số còn lại đề nghị được giao là 9.950 hộ gia đình, cá nhân, tương ứng 294.348,2m2 đất dịch vụ.

(Còn nữa)

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giao-dat-dich-vu-o-ha-dong-nguoi-dan-doi-20-nam-chua-duoc-nhan-dat-664833.html