Giao dịch béo bở của SoftBank và đại gia công nghệ Mỹ
SoftBank sẽ bán Arm cho đại gia công nghệ Mỹ trong giao dịch ước tính có giá trị 40 tỷ USD, quy mô cao nhất từng có trong lĩnh vực này.
Theo Nikkei Asian Review, tập đoàn đầu tư SoftBank chuẩn bị bán hãng thiết kế chip Anh, Arm cho đại gia công nghệ Mỹ Nvidia với giá hơn 40 tỷ USD. Thương vụ được thực hiện chỉ 4 năm kể từ khi nhà sáng lập Masayoshi Son thâu tóm hãng thiết kế chip này và khẳng định tham vọng biến hãng trở thành trụ cột công nghệ của tập đoàn đầu tư danh tiếng Nhật Bản.
Wall Street Journal đưa tin, đây là thương vụ có quy mô kỷ lục trong lĩnh vực công nghệ chip và có thể đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Theo nguồn tin thân cận, giao dịch được thanh toán bằng chính cổ phiếu của Nvidia, do đó nếu thương vụ thành công và được công bố vào đầu tuần tới, đồng nghĩa SoftBank trở thành cổ đông lớn nhất của đại gia sản xuất chip Mỹ.
Thỏa thuận này được cho là nhằm giúp tập đoàn đầu tư tai tiếng của Nhật có thể dọn dẹp tranh cãi giữa Arm và người đứng đầu liên doanh tại Trung Quốc, Allen Wu. Sau những rào cản từ bên trong công ty, ông Wu vẫn giữ vị trí chủ tịch chi nhánh Arm Trung Quốc.
Arm được định giá cao hơn mức 32 tỷ USD SoftBank từng đưa ra hồi năm 2016 trong thương vụ thâu tóm ngay sau sự kiện Brexit - Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu EU. Khi đó, một số chuyên gia và người sáng lập của Arm kịch liệt phản đối sự kiện này và cảnh báo Anh đang từ bỏ vị thế đứng đầu lĩnh vực công nghệ của chính mình.
Dù Nvidia đang định giá cao hơn quy mô tài sản của SoftBank ghi nhận, mức giá này phần nào phản ánh quy mô hoạt động kém hiệu quả của Arm dưới trướng quản lý của tập đoàn Nhật Bản.
Nvidia có mức định giá thị trường gần tương tự như của Arm vào thời điểm giao dịch năm 2016. Hiện thị giá của hãng vào khoảng 300 tỷ USD, tương đương gần 10 lần số tiền mà SoftBank trả trong thương vụ mua lại Arm. Việc thanh toán bằng cổ phiếu thể hiện động thái chia sẻ một phần rủi ro với SoftBank.
Về phần Nvidia, tập đoàn vừa vượt mặt Intel để trở thành nhà sản xuất chip giá trị nhất thế giới. Thương vụ với tập đoàn đầu tư Nhật góp phần củng cố vị thế của hãng chip Mỹ trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Công nghệ thiết kế chip của Anh đang bắt đầu tìm thấy các ứng dụng rộng lớn hơn ngoài thiết bị di động, trong các trung tâm dữ liệu và máy tính cá nhân như Mac của Apple.
Với các thiết kế của Arm, Nvidia sẽ mở rộng thị trường sản phẩm của mình ngoài phân mảng chip cao cấp trước đó. Về phần SoftBank, thương vụ này đồng nghĩa việc triệt tiêu mảng kinh doanh Internet vạn vật của hãng - thứ được coi là động cơ tăng trưởng trong xu hướng kết nối 5G tương lai.
Trước đó, quỹ Tầm nhìn (Vision) trị giá 100 tỷ USD của SoftBank cũng đã rót vốn đầu tư và nắm giữ cổ phần của Nvidia, nhưng đã thoái toàn bộ vốn vào năm ngoái. Giám đốc SoftBank Akshay Naheta là người đứng đầu khoản đầu tư này. Quỹ này hiện kiểm soát 25% cổ phần của Arm.
Theo các nguồn tin, trước áp lực bảo vệ mọi cơ hội việc làm cho người Anh, Nvidia sẽ phải công bố cam kết với chính phủ nước này về tương lai của hãng thiết kế chip Arm.