Giao dịch chứng khoán chiều 3/4: Dòng tiền sôi động, thị trường vọt tăng

Thị trường đã có phiên mở đầu quý II/2023 ấn tượng khi chỉ số VN-Index tiệm cận mốc 1.080 điểm cùng thanh khoản tăng vọt, với khối lượng và giá trị giao dịch đứng thứ 2 kể từ đầu năm đến nay.

Đảo chiều chính sách tiền tệ báo hiệu cho sự đảo chiều chứng khoán, điều này đang khá đúng với diễn biến thị trường chứng khoán hiện tại. Khi mà các thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành được tiết lộ thị trường đã có những phản ứng ban đầu, và khi thông tin chính thức ra thì tuần này thanh khoản và điểm số đều có thay đổi rất ấn tượng.

Cụ thể, sau chuỗi 9 phiên tăng điểm nhẹ nhàng nhưng liền mạch khép lại tháng 3 tích cực, thị trường tiếp tục tiến bước khá ấn tượng trong phiên giao dịch sáng đầu tuần và cũng là phiên đầu tiên khởi đầu cho quý II/2023 bởi dòng tiền khá sôi động. Lực cầu khá tốt và lan tỏa toàn thị trường giúp các nhóm ngành đều khởi sắc, điểm nhấn thuộc về nhóm cổ phiếu bất động sản với sự dẫn dắt của anh cả VIC.

Tuy nhiên, VN-Index vẫn chỉ giữ nhịp tăng quanh vùng giá 1.075 điểm mà chưa thể chạm ngưỡng 1.080 điểm do trụ đỡ bank khá yếu khi tạm dừng phiên sáng nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ tăng nhẹ bởi sự đảo chiều của BID và anh cả VCB hạ nhiệt khi tăng nhẹ 0,2%.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường hạ nhiệt khi áp lực bán có dấu hiệu gia tăng. Chỉ số VN-Index lùi về sát mốc 1.070 điểm sau gần 40 phút mở cửa rồi nhanh chóng bật ngược đi lên.

Dù chưa chinh phục được mốc 1.080 điểm nhưng thị trường đã khép lại phiên đầu tiên của tháng 4 ấn tượng tại mức giá cao nhất ngày khi mức tăng gần 15 điểm. Đặc biệt là thanh khoản thị trường tăng vọt, xác lập phiên cao thứ 2 kể từ đầu năm 2023 với tổng giá trị giao dịch riêng trên sàn HOSE đạt hơn 14.000 tỷ đồng, chỉ thấp hơn phiên 1/2 đạt tổng giá trị hơn 17.623 tỷ đồng. Nhiều mã về mặt kỹ thuật sau phiên hôm nay tạo đã tạo mẫu hình break, điều này sẽ giúp nhà đầu tư kỳ vọng hơn vào nhịp tăng của thị trường có thể sẽ còn được kéo dài.

Đóng cửa, sàn HOSE có 325 mã tăng và 84 mã giảm, VN-Index tăng 11,64 điểm (+1,38%), lên 1.079,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 639,93 triệu đơn vị, giá trị 11.829,54 tỷ đồng, tăng 28,34% về khối lượng và 19,82% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 31/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 42,39 triệu đơn vị, giá trị 1.190,81 tỷ đồng. Trong đó, đáng kể có hơn 50,2 triệu cổ phiếu SHB trị giá hơn 570,4 tỷ đồng.

Nhóm VVN30 chỉ có 4 mã mất điểm là VJC giảm 2,4%, SAB giảm 2%, MSN giảm 1,3% và BID giảm 0,6%; cùng POW và VNM đứng giá tham chiếu, còn lại đều khởi sắc với mức tăng phần lớn hơn 1%.

Trong đó, dù ông lớn nhóm bất động sản – VIC có chút hạ độ cao nhưng kết phiên vẫn hỗ trợ khá tích cực cho thị trường khi tăng 5,5% lên 58.000 đồng/CP. Ngoài ra, các mã tăng tốt khác như PDR tăng 6% lên sát trần và cũng là mức giá cao nhất trong ngày 13.250 đồng/CP; TCB tăng 3,4%, GVR tăng 2,9%, CTG tăng 2,6%...

Xét về nhóm ngành, bất động sản có chút thu hẹp biên độ do bộ đôi lớn VIC và VHM không giữ được đà tăng mạnh như cuối phiên sáng, khi lần lượt tăng 5,45% và 2,14%, tuy nhiên đây vẫn là nhóm ấn tượng với giao dịch sôi động và hàng loạt mã vừa và nhỏ đua nhau tăng trần.

Cụ thể, bên cạnh HQC, LDG, SCR tăng trần từ phiên sáng, sang phiên chiều, cánh đồng tím có thêm sự góp mặt của BCG, KHG, IJC, NTL, NTL, DXG, DIG, NHA. Ngoài ra, các mã DXS, KDH, PDR, VPH cũng có mức tăng trên 6%.

Về thanh khoản, cổ phiếu NVL dẫn đầu ngành khi khớp hơn 32 triệu đơn vị nhưng đà tăng thu hẹp chỉ còn tăng 1,2%, đóng cửa tại mức giá 12.850 đồng/CP; HQC khớp lệnh xấp xỉ 30 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 4,1 triệu đơn vị; DXG khớp 20,11 triệu đơn vị và dư mua trần 3,26 triệu đơn vị; DXG khớp xấp xỉ 20 triệu đơn vị và dư mua trần 1,46 triệu đơn vị; các mã KHG, SCR, VCG, HHV cũng có thanh khoản đột biến hơn 10 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu điện thắp sáng thị trường khi trở thành nhóm tăng tốt nhất, với sự đóng góp của GEX tăng 6% lên sát mức giá trần 13.150 đồng/CP cùng thanh khoản tăng vọt, đạt 19,15 triệu đơn vị. Các cổ phiếu khác trong ngành như PC1 tăng 4,6%, GEG tăng 4,3%, PAC tăng 2,23%, RAL tăng 2,66%, DQC và CAV tăng gần 2%...

Nhóm chứng khoán vẫn duy trì đà khởi sắc, với VND tăng 2,6% lên 15.900 đồng/CP và khớp lệnh chỉ thua SHB, đạt 34,47 triệu đơn vị; SSI tăng 2,3% lên 22.000 đồng/CP và khớp 31,47 triệu đơn vị; VIX tăng 4,4% lên mức cao nhất ngày 8.040 đồng/CP và khớp 14,45 triệu đơn vị, HCM tăng 2,4%, VCI tăng 1,7%, ORS tăng 3,4%, FTS tăng 1,8%...

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ấn tượng nhất là SHB khi tăng vọt cả về giá và thanh khoản. Kết phiên, SHB tăng 4,2% lên mức giá cao nhất ngày 11.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch vượt trội trên thị trường, đạt hơn 63,23 triệu đơn vị, gần gấp đôi cổ phiếu đứng thứ 2 là VND.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép có phần yếu hơn với HPG chỉ tăng nhẹ 1% lên 21.000 đồng/CP và khớp 21,26 triệu đơn vị, HSG rung lắc và kết phiên nhích nhẹ 0,6% lên 16.200 đồng/CP và khớp 12,63 triệu đơn vị; còn NKG giảm 1,6% xuống gần mức thấp nhất ngày 15.150 đồng/CP sau thông tin bị HOSE đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Trên sàn HNX, thị trường duy trì đà tăng tốt trong suốt cả phiên chiều nhờ lực cầu sôi động.

Đóng cửa, sàn HNX có 119 mã tăng và 42 mã giảm, HNX-Index tăng 2,98 điểm (+1,44%), lên 210,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 67,1 triệu đơn vị, giá trị 1.231,13 tỷ đồng, tăng 8% về lượng và hơn 40% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 31/3. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,31 triệu đơn vị, giá trị 137,27 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 vẫn là động lực chính cho thị trường khi tăng gần 10 điểm với việc ghi nhận 23 mã tăng và chỉ 4 mã giảm. Trong đó, PGS giảm mạnh nhất là 4,6%, còn VNR, NTP, DDG giảm chưa tới 0,5%.

Ngược lại, các cổ phiếu bất động sản đang dẫn đầu xu hướng tăng trong rổ này với DTD tăng 7,9% lên mức cao nhất ngày 17.700 đồng/CP; CEO cũng nới rộng đà tăng với biên độ 7,7% lên mức 23.900 đồng/CP và thanh khoản sôi động, đạt hơn 14,1 triệu đơn vị; L14 tăng 6,7% lên 47.800 đồng/CP, TIG tăng 6,4% lên 8.300 đồng/CP…

Xét về nhóm ngành, bên cạnh các cổ phiếu trong rổ HNX30, nhiều mã bất động sản khác cũng khởi sắc. Đáng kể là IDJ kéo trần thành công khi tăng 9,4% lên 9.300 đồng/CP và thanh khoản vọt tăng, đạt hơn 5,46 triệu đơn vị, thuộc top 5 trên thị trường.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn khởi sắc với SHS tiếp tục tăng 3,3% lên 9.500 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 22,49 triệu đơn vị; MBS tăng 4,4% lên 16.500 đồng/CP và khớp hơn 4 triệu đơn vị; APS tăng 6% lên 10.600 đồng/CP, BVS tăng 3,1% lên 19.700 đồng/CP…

Trên UPCoM, cũng như phiên sáng, thị trường quay đầu điều chỉnh nhẹ sau thời gian ngắn mở cửa phiên chiều. Tuy nhiên, lực cầu gia tăng đã giúp nhiều mã nới rộng đà tăng và UPCoM-Index hồi phục lên mức giá cao nhất ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,51 điểm (+0,67%) lên 77,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 47,37 triệu đơn vị, giá trị 597,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,73 triệu đơn vị, giá trị 7,94 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tăng vọt trong phiên chiều và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 16.400 đồng/CP, tăng 6,5% với khối lượng giao dịch vẫn sôi động nhất, đạt hơn 14,55 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, không chỉ có các cổ phiếu bất động sản niêm yết khởi sắc, trên UPCoM, C4G cũng có phiên giao dịch ấn tượng. Đóng cửa, C4G tăng vọt với biên độ 8,3% lên mức 11.700 đồng/CP và thanh khoản chỉ thua BSR với hơn 7,92 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Một số mã hỗ trợ khác cho thị trường như OIL tăng 4,6%, VGT tăng 4,6%, VTP tăng 4,1%, VGI tăng 1,9%...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng điểm, trong đó VN30F2304 tăng 17 điểm, tương đương +1,6% lên 1.083 điểm, khớp lệnh 219.390 đơn vị, khối lượng mở gần 61.450 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng nở rộ, tuy nhiên dẫn đầu thanh khoản là CMSN2215 khớp 2,07 triệu đơn vị, kết phiên giảm 7,3% xuống 380 đồng/CQ.

Đứng ở vị trí thứ 2 là CVHM2216 khớp 2,06 triệu đơn vị, kết phiên tăng 19,2% lên 310 đồng/CQ.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-chieu-34-dong-tien-soi-dong-thi-truong-vot-tang-post318397.html