Giao dịch chứng khoán ngày 28/10: Nhóm ngân hàng và chứng khoán giữ nhịp thị trường
Thị trường dần đuối sức do áp lực bán gia tăng về cuối phiên, tuy nhiên nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn là trụ đỡ chính giúp chỉ số chung giữ được sắc xanh trong phiên sáng 28/10.
Nhà đầu tư dường như đã nhìn thấy tia nắng sau những ngày dài u ám trong phiên giao dịch hôm qua ngày 27/10. Thị trường đã vượt thành công mốc kháng cự tâm lý quanh 1.000 điểm và chỉ số VN-Index kết phiên với cây nến tăng điểm dạng marubozu với giá đóng cửa cao nhất ngày, đi kèm thanh khoản cải thiện trở lại cho tín hiệu vô cùng tích cực.
Trong đó, bên cạnh sự phục hồi của nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng và chứng khoán, thị trường đã chứng kiến đà bứt phá mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn – ngân hàng khi sắc tím lan rộng trên toàn ngành, điều này giúp giới đầu tư “dám” kỳ vọng về nhịp khởi sắc của thị trường trong những ngày cuối tháng 10.
Ở một diễn biến khác, trên thị trường thế giới, GDP quý thứ 3 trong năm nay của Mỹ đã tăng trở lại 2,6%, cao hơn con số dự báo là chỉ tăng 2,3%. Trước đó, nền kinh tế Mỹ suy giảm 0,6% trong quý II và mức giảm 1,6% quý I. Điều này cho thấy suy thoái vẫn chưa “gõ cửa” nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trước những thông tin tích cực trên, thị trường trong nước tiếp tục duy trì đà tăng khá tốt ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 28/10.
Sắc xanh chiếm áp đảo trên bảng điện tử, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là trụ đỡ tốt cho thị trường, đặc biệt là pha bốc đầu của TCB khi nhanh chóng thử thách mức giá trần cùng thanh khoản tăng vọt. Ngoài ra, “anh cả” của ngành là VCB cũng có mức tăng khá tốt hơn 3%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tiếp đà khởi sắc. Trong đó VND và VIX đang là 2 điểm nhấn của ngành nói riêng và thị trường nói chung với thanh khoản dẫn đầu, cùng sự bứt phá mạnh về giá khi có thời điểm chạm trần.
VN-Index thử thách mốc 1.045 điểm ngay khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục rồi hạ nhiệt và sau khoảng 90 phút giao dịch, chỉ số này đã lùi về gần ngưỡng 1.030 điểm khi áp lực bán có dấu hiệu gia tăng.
Đáng chú ý, sau nhịp hồi nhẹ đầu phiên, cổ phiếu lớn bất động sản – VIC đã quay đầu điều chỉnh khi giảm 1,8%. Ngoài ra, cổ phiếu thép HPG cũng dần nới rộng biên độ giảm khi để mất 2%; hay một số mã lớn khác như FPT, BVH, VNM quay đầu giảm cũng cản trở đà tăng mạnh của thị trường.
Áp lực bán gia tăng với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường tiếp tục đuối sức về cuối phiên, chỉ số VN-Index lùi về gần ngưỡng 1.030 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 238 mã tăng và 167 mã giảm, VN-Index tăng 4,37 điểm (+0,43%), lên 1.032,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 313,11 triệu đơn vị, giá trị 5.322,58 tỷ đồng, tăng 22,12% về khối lượng và 28,48% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,93 triệu đơn vị, giá trị 671,8 tỷ đồng.
Nhóm VN30 trở nên phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng và chỉ số của nhóm này chỉ còn tăng hơn 1 điểm, thậm chí có thời điểm giảm nhẹ.
Trong đó, các mã ngân hàng vẫn là đầu tàu dẫn dắt với cổ phiếu TCB tăng 5,5% lên mức 24.100 đồng/CP với thanh khoản sôi động lên tới hơn 8 triệu đơn vị khớp lệnh; VCB vẫn giữ mức tăng 3,2% lên 74.000 đồng/CP, cùng BID tăng 2,7% lên 34.800 đồng/CP.
Trái lại, cổ phiếu HPG “chưa khỏe” bởi áp lực bán vẫn khá lớn sau những nhịp hồi phục khiến cổ phiếu này trải qua những phiên tăng giảm xen kẽ nhau. Theo đó, phiên sáng nay cổ phiếu HPG đã nhanh chóng quay xe, tạm chốt giảm 2,87% về mức thấp nhất phiên 16.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 16,67 triệu đơn vị.
Không chỉ HPG, các cổ phiếu thép khác cũng đồng loạt đảo chiều về vùng giá thấp trong phiên như HSG giảm 2,3% xuống 12.850 đồng/CP, hay NKG giảm 4,2% xuống 14.950 đồng/CP.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn giữ được nhịp tăng nhưng đã giảm nhiệt so với đầu phiên. Trong đó, VIX tiếp tục là điểm nhấn của ngành khi chốt phiên tăng 6,4% lên mức 7.170 đồng/CP và khớp lệnh thuộc top 3 của thị trường với hơn 12,54 triệu đơn vị; VND tăng 3,5% lên 11.750 đồng/CP và khớp 14,87 triệu đơn vị; SSI may mắn xanh nhạt 0,6% lên 15.950 đồng/CP và khớp 9,54 triệu đơn vị; VCI tăng 2,7% lên 25.150 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bên cạnh các mã lớn tăng tốt ở trên, còn lại khá phân hóa và không có mã nào giữ được sức nóng tăng trần của phiên hôm qua. Trong đó, VPB, EIB, TPB, HDB, SSB giảm trên dưới 1%; mặt khác CTG, MBB, ACB, STB, VIB, MSB xanh nhạt. Cổ phiếu LPB giao dịch sôi động nhất ngành với khối lượng khớp lệnh hơn 9 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 3,2% lên 11.400 đồng/CP.
Ở nhóm bất động sản, trong khi VHM chỉ còn tăng nhẹ, VIC lấy lại mốc tham chiếu, nhiều mã khác cũng đuối sức về cuối phiên như DIG chỉ còn tăng 1,3% về mức giá thấp nhất phiên 20.050 đồng/CP; KBC tăng chưa tới 0,5%, thậm chí có lúc đỏ điểm…
Trên sàn HNX, thị trường cũng đuối sức và may mắn giữ được sắc xanh.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 88 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 0,87 điểm (+0,41%), lên 214,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,86 triệu đơn vị, giá trị 394,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,33 triệu đơn vị, giá trị 13,44 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý là pha tàu lượn của CEO. Sau khi mở cửa nằm sàn, lực cầu tăng mạnh đã giúp CEO kéo trần thành công và có chút hạ độ cao về cuối phiên khi chốt phiên tăng 7,6% lên mức 12.700 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 4,93 triệu đơn vị.
Một số mã tăng tốt hỗ trợ giúp thị trường giữ sắc xanh như NVB tăng 4,7% lên 15.500 đồng/CP, SHS tăng 2,6% lên 7.900 đồng/CP, THD tăng 1,4% lên 42.100 đồng/CP… Trong đó, SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với 5,68 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Trái lại, cặp PVS và PVC giảm gần 2%, đáng kể là PVS bất ngờ mở cửa nằm sàn sau đó đã có thời điểm le lói sắc xanh; ngoài ra, HUT, TAR cũng giảm hơn 1%.
Cổ phiếu ART chốt phiên giảm sàn về mức 1.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHS và CEO, đạt hơn 3,4 triệu đơn vị khớp lệnh. Trong khi đó, KLF đứng giá tham chiếu và khớp 2,67 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau nhịp rung lắc nhẹ đầu phiên, thị trường đã quay đầu mất điểm.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,63 điểm (-0,82%), xuống 76,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 20,86 triệu đơn vị, giá trị 197,95 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,52 triệu đơn vị, giá trị 14,81 tỷ đồng.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên thị trường đều giao dịch khá tích cực. Trong đó, BSR dẫn đầu khi khớp 3,9 triệu đơn vị, chốt phiên tăng nhẹ 0,6% lên 18.000 đồng/CP; tiếp theo là PVX khớp hơn 2 triệu đơn vị và chốt phiên đứng tại mốc tham chiếu 3.400 đồng/CP.
Các mã SBS, PAS, VHG đều khớp hơn 1 triệu đơn vị, chốt phiên tăng tương ứng 8,5% lên 5.100 đồng/CP, tăng 1,7% lên 5.900 đồng/CP và tăng 5% lên 2.100 đồng/CP.