Giao dịch chứng khoán phiên chiều 22/9: Lực cầu bắt đáy gia tăng, thị trường đảo chiều ngoạn mục
Lực cầu bắt đáy kỹ thuật gia tăng kéo hàng loạt mã tăng điểm, giúp VN-Index có phiên đảo chiều ngoạn mục trong phiên chiều.
Trong phiên sáng, chịu ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán thế giới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất, chứng khoán Việt Nam cũng chìm trong sắc đỏ, VN-Index mất hơn 11 điểm, để mất mốc 1.200 điểm và đi ra ngoài phía dưới dải bollinger trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.
Bước sang phiên chiều, quán tính lực bán từ phiên sáng tiếp tục đẩy VN-Index đi xuống ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc ở một số mã cơ bản, sau đó lan rộng ra thị trường, kéo hàng trăm mã chuyển sắc từ đỏ sang xanh. VN-Index theo đó cũng được kéo hồi dần và càng về cuối phiên càng leo nhanh, vượt qua tham chiếu.
Khi lên trên tham chiếu, thị trường chịu rung lắc và về lại tham chiếu trước khi bước vào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC). Tại đợt ATC này, lực cầu thắng thế, kéo VN-Index trở lại sắc xanh, đóng cửa ở mức cao nhất ngày. Riêng trong phiên chiều, VN-Index đã tăng hơn 18 điểm, từ mức giảm gần 14 điểm, đóng cửa tăng hơn 4 điểm.
Lực cầu bắt đáy cũng giúp thanh khoản thị trường cải thiện hơn sau phiên sụt giảm mạnh về mức thấp nhất gần 2 năm hôm qua. Tuy nhiên, dường như lực cầu bắt đáy này chỉ mang tính kỹ thuật, thăm dò là chính nên dù cải thiện, nhưng thanh khoản vẫn đứng ở mức thấp, dưới 12.000 tỷ đồng.
Chốt phiên, sàn HOSE có 254 mã tăng và 204 mã giảm, VN-Index tăng 4,15 điểm (+0,34%), lên 1.214,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 473,5 triệu đơn vị, giá trị 11.666,7 tỷ đồng, tăng hơn 21% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 37,5 triệu đơn vị, giá trị 1.480 tỷ đồng.
Nếu như trong phiên sáng, nhóm VN30 có tới 27 mã giảm, thì con số này vào cuối ngày chỉ còn 7 mã và đều chỉ còn giảm nhẹ, với SAB, CTG, VPB, PLX, VHM, VCB giảm từ 0,5% đến 1,1%, còn MSN -1,8% xuống 110.000 đồng.
Trong khi đó, nhiều mã đảo chiều tăng, dù phần lớn mức tăng cũng chỉ khiêm tốn, với MWG, VRE, BVH, VIC, HPG, FPT, GVR, GAS nhích từ 0,1% đến 1,8%.
Tăng tích cực nhất là SSI +2,7% lên 21.100 đồng và VIB +2,3% lên 22.500 đồng.
Cổ phiếu KDH từ mức giảm gần 4% cuối phiên sáng đã trồi lên tham chiếu tại 31.450 đồng. Cùng dừng chân không đổi còn có sự góp mặt của VNM, VJC, PDR, NVL, HDB.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sắc tím ngoài TEG thì chiều nay còn có thêm SJF, NT2, BSI và CTI.
Tăng tốt khác còn có SAM +5,6% lên 11.400 đồng, LDG +5,5% lên 9.200 đồng, HAH +5,4% lên 54.400 đồng, HHS +5,1% lên 6.000 đồng, NBB +5% lên 19.950 đồng.
Các cổ phiếu tiêu biểu ở nhiều nhóm ngành như nguyên vật liệu, bất động sản, dịch vụ, tiện ích, nông nghiệp, với DCM, TLG, NKG, FCN, PJT, DXG, TCH, VCG, ASM, VOS, ANI, VSH, LCG, KSB, DRC tăng từ 3% đến gần 5%.
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu công ty chứng khoán có phiên đảo chiều tăng tốt, ngoài SSI nêu trên, BSI tăng trần lên 27.450 đồng, thì HCM +5,2% lên 27.200 đồng, CTS +4,4% lên 17.850 đồng, APG +4,2% lên 6.640 đồng, VCI +3,7% lên 33.700 đồng, FTS +2,8% lên 33.500 đồng, VND +2,7% lên 19.000 đồng…
Ở những nơi khác, cổ phiếu HAG +1,5% lên 13.850 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 23 triệu đơn vị, cổ phiếu liên quan là HNG +2% lên 6.270 đồng, khớp 4,83 triệu đơn vị.
Nhóm các cổ phiếu thanh khoản cao khác, các mã HBC, BCG, PAN, IDI, DIG, HHV, CII, HSG cũng có được sắc xanh, dù chỉ là xanh nhạt.
Ở chiều ngược lại, TGG và KPF lại có thêm một phiên song hành cùng giảm sàn, về 5.070 đồng và 12.650 đồng, trong đó, TGG khớp 0,2 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 1,1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã bật dần từ mức đáy của phiên sáng lên trên tham chiếu khi đóng cửa, khi lực cầu nhích dần.
Đóng cửa, sàn HNX có 100 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index tăng 0,55 điểm (+0,21%), lên 265,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 56,7 triệu đơn vị, giá trị 1.096,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,47 triệu đơn vị, giá trị 106 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, nhiều cổ phiếu trên sàn HNX đã đảo chiều tăng, trong đó, một số tăng tốt như SHS +3,6% lên 11.400 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX và bỏ xa phần còn lại với 11,36 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu cùng ngành là APS +5,9% lên 14.400 đồng, BVS +5,6% lên 20.600 đồng, MBS +4,7% lên 17.700 đồng, VIG +4,2% lên 7.500 đồng.
Sắc xanh còn tại TAR +4%, CEO +1,9%, IDJ +2,9%, AMV +1,5%, TNG +3,1%, PLC +2,7%...
Trái lại, mất điểm còn PVS, IDC, PVC, HTP, SRA, nhưng mức giảm chỉ ở mức thấp, trừ NVB -6,4% xuống 19.100 đồng và BII vẫn chôn chân ở mức giá sàn -8,1% xuống 3.400 đồng, khớp 0,24 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 2,82 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, diễn biến tương tự hai sàn chính, khi chỉ số UpCoM-Index bò dần và kịp lên trên tham chiếu ở những phút cuối.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,32 điểm (+0,36%), lên 88,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,89 triệu đơn vị, giá trị 522,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,45 triệu đơn vị, giá trị 130,3 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu tăng điểm tốt như sắc tím tại LCM và DTE lên 5.400 đồng và 12.700 đồng, cũng như ILA +10,7% lên 6.200 đồng, BOT +9,7% lên 6.800 đồng, PXS +8,6% lên 6.300 đồng, FTM +6,7% lên 3.200 đồng…
Cổ phiếu BSR cũng đảo chiều tăng nhẹ 0,4% lên 22.500 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 5,91 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều hồi phục, với VN30F2210 tăng 5,4 điểm, tương đương +0,44% lên 1.225 điểm, khớp lệnh hơn 265.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 48.100 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ vẫn chi phối, với phần lớn các mã thanh khoản cao nhất như CMBB2208 giảm 5,6% xuống 1.010 đồng/cq, khớp 1,62 triệu đơn vị.
Hai mã tiếp theo khớp 1,59 triệu và 1,12 triệu đơn vị là CSTB2211 và CHPG2215 đều chỉ đứng tham chiếu tại 320 đồng/cq và 53 đồng/cq.