Giao dịch chứng khoán phiên sáng 18/7: Sự thận trọng dâng cao
Phiên sụt giảm khá mạnh hôm qua và dự báo có những rung lắc nhất định ở nhóm bluechip trong phiên đáo hạn phái sinh hôm nay đang khiến nhà đầu tư phần lớn chọn cách đứng ngoài khiến giao dịch trầm lắng, ảm đạm.
Trong phiên hôm qua, thị trường tiếp tục xu hướng giằng co, tích lũy từ khá sớm và có thời điểm đã chạm 1.290 điểm như những phiên gần đây.
Những tưởng thị trường sẽ khép lại phiên giao dịch với biên độ hẹp thường thấy, thì bất ngờ áp lực chốt lời đã gia tăng mạnh trên diện rộng, đẩy hàng loạt cổ phiếu xuống mức giá sàn. Chỉ số VN-Index có lúc đã thủng MA100 (1.260 điểm), trước khi bật hồi về cuối phiên, thu hẹp đà giảm về gần 1.270 điểm.
Phiên kéo xả chiều nay cũng giúp thị trường có phiên giao dịch sôi động với thanh khoản cao nhất gần 2 tháng (kể từ phiên 24/5).
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 18/7, sự thận trọng thấy rõ khi mức độ phân hóa cao tiếp diễn trên bảng điện tử, thanh khoản sụt giảm mạnh, cộng thêm hiệu ứng của phiên đáo hạn phái sinh càng khiến sự ảm đạm lan rộng.
Lác đác một vài cổ phiếu riêng lẻ đáng chú ý sau nửa đầu phiên là CNG, HBC khi đều tăng kịch trần lên lần lượt 35.350 đồng và 8.130 đồng, sau khi công bố kết quả kinh doanh quý II.
Theo đó, với CNG là doanh thu hơn 840 tỷ đồng, tăng 20% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế 55,3 tỷ đồng, gấp đôi so với kế hoạch.
Đối với HBC, Tập đoàn xây dựng này báo cáo doanh thu đạt hơn 2.159,9 tỷ đồng trong quý II, giảm 4,8% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 684,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 268,2 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp âm, chủ yếu do hoàn nhập dự phòng gần 293 tỷ đồng, so với cùng kỳ trích lập 412,4 tỷ đồng. Cùng với đó là lợi nhuận khác tăng đột biến do ghi nhận thu nhập thanh lý, nhượng bán tài sản cố định 502,9 tỷ đồng so với cùng kỳ chỉ 5,4 tỷ đồng.
Mặt khác, các cổ phiếu ngân hàng như MBB, EIB và SHB vẫn có sức hút nhất định đối với dòng tiền, khi khớp lệnh đang thuộc top cao nhất sàn, dù mức tăng chỉ trên dưới 1,5%.
Thị trường tiếp diễn những nhịp giằng co, rung lắc trong biên độ hẹp trong nửa sau của phiên với dòng tiền dường như đã mất hút, thanh khoản cạn kiệt.
Chốt phiên, sàn HOSE có 167 mã tăng và 233 mã giảm, VN-Index giảm 3,17 điểm (-0,25%), xuống 1.265,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 268,3 triệu đơn vị, giá trị 6.650,2 tỷ đồng, giảm hơn 36% về khối lượng và 35% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13,1 triệu đơn vị, giá trị 371,8 tỷ đồng.
Nhóm bluechip phân hóa mạnh trong phiên đáo hạn phái sinh, với 11 mã tăng, 17 mã giảm, cùng HPG và VNM đứng tham chiếu. Dù vậy, sự biến động về giá của nhóm VN30 đều chỉ ở mức thấp, với cổ phiếu tăng tốt nhất là PLX cũng chỉ +2% lên 45.900 đồng, hai cổ phiếu nhích nhẹ hơn 1% còn lại là BID và ACB.
Ngược lại, cổ phiếu giảm mạnh nhất là FPT cũng chỉ mất 2,2% xuống 129.000 đồng. Các mã BVH, HDB, VJC, MSN giảm 1,2% đến 1,7%.
Đáng kể là nhóm này có hai cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản và khớp lệnh cao nhất sàn là MBB và SHB với 12 triệu và 9,08 triệu đơn vị, nhưng chỉ có mức tăng nhẹ.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng hoạt động kém, ngoài CNG, SJS giữ vững mức giá trần, HBC +6,3% lên 8.080 đồng, BFC +5,6% lên 44.450 đồng, CSV +3,9% lên 37.800 đồng, SBT +3,3% lên 12.650 đồng.
Phản ánh sự thận trọng, những cổ phiếu tăng hơn 2% toàn sàn chỉ còn ACG, PSH, YEG. Các mã APG, HVH, LIX, FCM, TDC, DRC nhích nhẹ.
Ở chiều ngược lại, áp lực bán có phần gia tăng tại một số cổ phiếu nh CSM -5,1% xuống 13.000 đồng, AGM -5,1% xuống 3.760 đồng, VOS -4% xuống 17.850 đồng. Các cổ phiếu QCG, NHA, TEG, SMC, CTR giảm 3% đến gần 4%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng nhạt nhòa khi gần như đi ngang quanh tham chiếu trong suốt cả phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 46 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index giảm 0,77 điểm (-0,32%), xuống 240,13 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,1 triệu đơn vị, giá trị 399,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,55 triệu đơn vị, giá trị 261,3 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu nhỏ đáng chú ý là KSQ tăng trần +7,9% lên 4.100 đồng và APS +5,6% lên 7.500 đồng, khớp trên dưới 0,7 triệu đơn vị.
Các mã lớn phân hóa, với CEO, PVS, HUT, TNG, IDC giảm nhẹ, trong khi MBS, NTP tăng nhẹ, còn SHS đứng tham chiếu - khớp lệnh cao nhất sàn, nhưng cũng chỉ hơn 2,1 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nửa đầu phiên nỗ lực giữ sắc xanh cũng đã đuối sức về cuối phiên và tạm nghỉ trong sắc đỏ.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,29 điểm (-0,30%), xuống 96,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,3 triệu đơn vị, giá trị 321,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,25 triệu đơn vị, giá trị 18,1 tỷ đồng.
Phần lớn các cổ phiếu thanh khoản cao nhất đều chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ GEE nhích nhẹ 0,5%, các mã SBB, VHG, BCR đứng tham chiếu và DGT bất ngờ tăng trần +13,9% lên 8.200 đồng, khớp hơn 2,3 triệu đơn vị.