Giao dịch chứng khoán phiên sáng 21/3: Nhà đầu tư đứng ngoài, thị trường giao dịch ảm đạm
Lực cầu yếu bởi sự thận trọng cao, trong khi nhà đầu tư cũng không có lý do để bán ra khiến thị trường trải qua nửa đầu phiên khá buồn tẻ.
Trong phiên hôm qua, sau khoảng thời gian đầu phiên cầm chừng quanh vùng 1.040 điểm, áp lực bán gia tăng trên diện rộng khiến VN-Index lùi sâu hơn và trạng thái tiêu cực hơn tiếp diễn về cuối phiên khi bảng điện tử chìm trong sắc đỏ và để mất hỗ trợ quanh 1.030 điểm (SMA 100).
Thị trường khép lại phiên đầu tuần khá tiêu cực khi để mất hơn 22 điểm và giao dịch dưới mốc 1.025 điểm khi số mã giảm điểm gấp tới hơn 7 lần số mã tăng, thanh khoản thị trường sụt giảm với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE về dưới mức 10.000 tỷ đồng.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 21/3, thị trường mở cửa tương đối tích cực khi nhanh chóng tìm lại được ngưỡng 1.030 điểm. Tuy vậy, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến lực cầu khá yếu không giúp VN-Index duy trì đà tích cực, dần hạ độ cao và về gần tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.
Thị trường nhìn chung rất ảm đạm, khi một nửa phiên sáng đã trôi qua mà giá trị giao dịch trên HOSE mới chỉ đạt hơn 1.600 tỷ đồng. Bảng điện tử dù sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng không lớn và gần như giá cổ phiếu chỉ biến động nhẹ, như nhóm VN30 chỉ có VHM nhích hơn 3%, trong khi gần 20 mã tăng khác chỉ tăng dưới 1%.
Không có cải thiện nào trên thị trường, thậm chí lực cung có phần gia tăng, dù không lớn nhưng lại trên diện rộng khiến bảng điện tử đổi sắc, VN-Index đảo chiều về dưới tham chiếu với thanh khoản cạn kiệt.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 103 mã tăng và 232 mã giảm, VN-Index giảm 3,82 điểm (-0,37%), xuống 1.019,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 170,8 triệu đơn vị, giá trị 3.007 tỷ đồng, giảm hơn 20% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 29,4 triệu đơn vị, giá trị 575,3 tỷ đồng.
Các trụ cột lùi bước, có thời điểm đã hơn 20 mã tăng trong rổ VN30, nhưng kết phiên chỉ còn sắc xanh tại VHM, VCB, CTG, POW, STB, trong đó, VHM tăng 2,4% lên 43.500 đồng, VCB +1,3% lên 86.200 đồng, các mã còn lại chỉ nhích nhẹ.
Ở chiều ngược lại, một số nới đà giảm, với VJC là cổ phiếu giảm mạnh nhất nhóm khi -3,4% xuống 102.000 đồng, MSN -2,5% xuống 79.500 đồng, PDR -2,5% xuống 11.500 đồng, VRE -2,4% xuống 28.300 đồng.
Các cổ phiếu PLX, GVR, BID, BCM, NVL, SAB, VIC và HDB giảm từ 1% đến 1,7%.
Bộ ba cổ phiếu VPB, HPG và SSI khớp lệnh cao nhất nhóm và cũng là ba mã có khối lượng giao dịch lớn nhất HOSE, với VPB khớp hơn 9 triệu đơn vị, HPG khớp 8,8 triệu đơn vị, SSI khớp 6,82 triệu đơn vị, và đều giảm nhẹ 0,3% đến 0,5%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, gần như không có điểm nhấn nào đáng kể. Một số như CAV, TMT, VMD tăng trần, nhưng thanh khoản thấp. Tương tự là SSC +6,8%, HU3 +6,7%, LEC +6,4% với khối lượng khớp lệnh thấp.
Đáng kể nhất có lẽ là KSB với hơn 1,25 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 2,4% lên 25.750 đồng. Trái lại, diễn biến cũng không khác biệt, với những cái tên HU1, SFC, VAF, LAF, SC5 giảm sàn, nhưng chỉ vài nghìn đơn vị khớp lệnh.
Ở nhóm các cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn, sắc xanh lác đác tại NLG, CTS, LDG, SBT, HCM, GEX, VCI, khớp lệnh từ 0,5 triệu đến gần 1,9 triệu đơn vị. Trong khi đó, phản ánh giao dịch giằng co mạnh với ITA, TTF, VCG, CII, LCG, HHV, DIG, DXG đều về tham chiếu.
Trên sàn HNX, sự phân hóa mạnh cũng đã khiến HNX-Index đuối sức về cuối phiên và gần như tăng không đáng kể.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 46 mã tăng và 63 mã tăng, HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,01%), lên 201,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,66 triệu đơn vị, giá trị 235,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,91 triệu đơn vị, giá trị 110,6 tỷ đồng.
Rất nhiều cổ phiếu lớn nhỏ đã chỉ có giá tham chiếu khi kết phiên này, với những cái tên như SHS, PVS, TNG, IDC, AMV, PVC, IDJ, APS, BCC, TIG, NAG, LIG, FID…
Trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 3,54 triệu đơn vị, theo ngay sau là PVS với 1,42 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu còn tăng chỉ có CEO +0,5% lên 20.600 đồng, MBS +0,8% lên 13.400 đồng, DVM +2,4% lên 17.300 đồng…trong khi TAR, HUT, MBG, TVC mất điểm, nhưng cũng chỉ trên dưới 2%, khớp lệnh từ 0,22 triệu đến hơn 1,1 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nửa đầu phiên giằng co nhẹ quanh tham chiếu đã có nhịp rơi khá mạnh ở những phút cuối.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,51 điểm (-0,67%), xuống 75,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 12 triệu đơn vị, giá trị 132,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,53 triệu đơn vị, giá trị 68,2 tỷ đồng.
Các cổ phiếu đáng chú ý có LMI khi +9,6% lên 8.000 đồng, DTI +5,4% lên 9.800 đồng, NHV +5% lên 4.200 đồng và trái lại là LMH -5% xuống 3.800 đồng và BSR -3,9% xuống 14.600 đồng, khớp lệnh BSR vẫn ở mức cao nhất UpCoM và bỏ xa phần còn lại với hơn 4,26 triệu đơn vị.