Giao dịch chứng khoán phiên sáng 8/3: Dòng tiền hướng đến cổ phiếu vừa và nhỏ
Tâm lý cứ lên là bán khiến thị trường nhanh chóng hạ nhiệt và lình xình đi ngang quanh vùng giá tham chiếu. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý chính là việc dòng tiền đang chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch đầu tháng 3 khá khó khăn. Bên cạnh việc tiệm cận vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm khiến nhà đầu tư giao dịch dè dặt và cảnh giác hơn, là căn bệnh cố hữu về lỗi hệ thống trên sàn HOSE. Có thể thấy, câu chuyện ồn ào nhất thị trường chính là hệ thống giao dịch liên tục “nghỉ giải lao” bất thình lình.
Nếu như giai đoạn trước Tết Nguyên đán, hệ thống nghẽn lệnh trên sàn HOSE chỉ diễn ra trong phiên giao dịch chiều, thì trong những phiên gần đây, những phiên “dừng nghỉ” ngay trong phiên sáng sung sức, đã khiến nhà đầu tư vô cùng bức xúc. Dù có nhiều đề xuất được đưa ra để cải thiện tình trạng này, nhưng dường như những giải pháp này vẫn chưa thuyết phục được giới chuyên gia, cộng đồng nhà đầu tư và các lãnh đạo công ty quản lý quỹ…
Bên cạnh đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cũng không mấy khả quan khi áp lực xả bluechip vẫn diễn ra khá mạnh với các phiên bán ròng hàng trăm tỷ đồng kéo dài trong cả tuần. Tính chung trong tuần qua, khối ngoại đã bán ròng tới gần 3.100 tỷ đồng trên thị trường, tương ứng tổng giá trị rút ròng đạt gần 134 triệu USD.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco vẫn kỳ vọng thị trường sẽ vượt 1.200 điểm và có thể lên mốc 1.250-1.300 điểm trong năm nay. Chiến lược phù hợp đối với nhà đầu giá trị là tăng tỷ trọng các cổ phiếu nhóm VN30, bluechip, và các mã có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt cao hơn lãi suất tiền gửi tại các nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 8/3, sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip đóng vai trò là trụ đỡ chính dẫn dắt đà tăng thị trường. Chỉ số VN-Index vượt mốc 1.180 điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch.
Tuy nhiên, nhịp kéo lên đã khiến nhiều nhà đầu tư tranh thủ thoát hàng trước nỗi lo lỗi hệ thống, đã khiến thị trường nhanh chóng thoái lui. VN-Index dần hạ độ cao và lùi về sát mốc tham chiếu sau gần 90 phút giao dịch.
Diễn biến thị trường lình xình giằng co nhẹ trong thời gian còn lại do tâm lý nhà đầu tư cứ lên là bán.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 283 mã tăng và 159 mã giảm, VN-Index tăng 3,4 điểm (+0,29%), lên 1.172,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 433,5 triệu đơn vị, giá trị 10.017,22 tỷ đồng, giảm 16,88% về khối lượng và 22,56% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 5/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,24 triệu đơn vị, giá trị 346,15 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý trong nhóm Vn30 chính là POW. Dù không giữ được đà tăng trần khi về cuối phiên sáng nhưng chốt phiên, POW vẫn là mã tăng tốt nhất trong nhóm này với biên độ tăng 5,6% lên 14.200 đồng/CP cùng thanh khoản duy trì sôi động, dẫn đầu sàn HOSE khi đạt hơn 27 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn duy trì đà tăng tốt với GAS tăng 2,9% lên 95.200 đồng/CP, PVD tăng 3% lên 26.000 đồng/CP, PVS tăng 3,2% lên 25.700 đồng/CP, PVB tăng 2,4% lên 21.300 đồng/CP…
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thép cũng là điểm sáng thị trường với các mã như NLG, VGS tăng trần, TLH tăng 4,2% lên 12.300 đồng/CP, HSG tăng 4,7% lên 29.300 đồng/CP, POM tăng 1,9% lên 19.000 đồng/CP, HPG tăng 1,7% lên 46.800 đồng/CP.
Trái lại, các mã lớn như VHM, VNM, MSN, VCB, TCB chưa thoát khỏi sắc đỏ, đóng vai trò lực cản thị trường.
Như đã nói ở trên, các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng ghi nhận phiên giao dịch ấn tượng. Điển hình như HQC tăng 6,9% lên mức giá trần 2.780 đồng/CP và khớp 22,78 triệu đơn vị; DLG tăng trần lên mức 1.960 đồng/CP và khớp 15,76 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index được nâng đỡ bởi tâm lý hưng phấn của dòng tiền, khi đa số các mã thanh khoản cao đều tăng giá, thậm chí tăng mạnh.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 107 mã tăng và 47 mã giảm, HNX-Index tăng 4,44 điểm (+1,71%), lên 264,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 97,2 triệu đơn vị, giá trị 1.416,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,7 triệu đơn vị, giá trị 8,74 tỷ đồng.
Những mã lớn đều tăng khá tốt như PVS +3,2% lên 25.700 đồng, CEO +5% lên 12.700 đồng, SHB +1,3% lên 16.000 đồng, SHS +1,8% lên 28.000 đồng, MBS +2,5% lên 24.400 đồng, BVS +4,8% lên 23.800 đồng, IDJ +3,5% lên 17.900 đồng.
Trong khi các mã nhỏ hơn cũng hút mạnh dòng tiền và tăng kịch trần như KVC, HHG, PVG, TTH, HLD, MPT, SD6, PVS, HUT +7,1%, ART +3,4%, KLF +3,7%...
Đáng chú ý, tân binh BAB tiếp tục tăng kịch trần +10% lên 27.500 đồng, tuy nhiên chỉ có 100 đơn vị khớp lệnh.
Thanh khoản HUT dẫn đầu sàn với hơn 10,7 triệu đơn vị khớp lệnh. Tiếp theo là SHB với hơn 10,59 triệu đơn vị, PVS có 9,5 triệu đơn vị, CEO có 7,6 triệu đơn vị, SHS có 5,33 triệu đơn vị…
Trên UpCoM, nhóm cổ phiếu dầu có giao dịch sôi động nhất cũng là động lực chính cho chỉ số, trong đó, các cổ phiếu dầu khí BSR, OIL vẫn là tâm điểm.
Theo đó, BSR +3,8% lên 16.500 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 12,9 triệu đơn vị, OIL +6,7% lên 15.900 đồng, khớp hơn 2,6 triệu đơn vị.
Các mã quen thuộc cũng có sắc xanh khi kết phiên là VHG, VGT, ABB, G36, TVN, AAS, DDV, DVN… Thậm chí C4G có phiên tăng kịch trần +14,8% lên 12.400 đồng, khớp lệnh hơn 3,57 triệu đơn vị.