Giao dịch chứng khoán sáng 20/11: Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp nổi sóng
Lực cầu tăng mạnh về cuối phiên giúp thị trường bật hồi khá tốt và chỉ số VN-Index tiến sát mốc tham chiếu. Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm sáng với các mã đua nhau tăng mạnh.
Mặc dù thị trường đã có tuần đi ngang và chỉ số VN-Index test thành công mốc 1.100 điểm, nhưng diễn biến phiên giao dịch cuối tuần ngày 17/11 lại phát đi những tín hiệu kém tích cực. Theo đó, VN-Index đã tạo cây nến giảm mạnh và phá vỡ nỗ lực hồi phục qua ngưỡng MA200 ngày, cùng khối lượng tăng mạnh tạo áp lực giảm lên toàn thị trường.
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần hình thành mẫu hình nến Bearish Engulfing lấy đi hết nỗ lực tăng điểm của tuần vừa qua. Hai đường Senkou Span A và Senkou Span B đã giao cắt và hình thành dải mây đỏ ichimoku khá dày nên nếu lực cầu không trở lại sớm thì VN-Index sẽ gặp áp lực khá lớn.
Theo VCBS, với diễn biến hiện tại, hỗ trợ gần nhất của VN-Index sẽ quanh khu vực 1.080-1.090 điểm, tương ứng với điểm giao cắt của đường trung bình động MA20.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 20/11, áp lực bán mạnh vẫn tiếp diễn ngay khi mở cửa phiên giao dịch khiến VN-Index duy trì đà giảm mạnh.
Khi nhà đầu tư đã sẵn sàng tâm lý cho phiên giảm mạnh sau những thông tin tiêu cực được công bố trong những ngày cuối tuần với thực tế thị trường mở cửa tràn ngập sắc đỏ, thì lực cầu đã bắt đầu nhập cuộc sôi động giúp VN-Index dần bật hồi, thậm chí có thời điểm tiệm cận mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, áp lực bán trên diện rộng khiến thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ và nhóm VN30 tiếp tục là gánh nặng chính lên chỉ số chung.
Trong bối cảnh bảng điện tử chìm trong sắc đỏ với hầu hết các nhóm ngành đều mất điểm, thì điểm sáng đi ngược xu hướng chung thành công là nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp.
Cụ thể, SZC nhanh chóng đảo chiều hồi phục và tăng tốc lên mức giá trần với thanh khoản bùng nổ khi có tới hơn 3 triệu đơn vị khớp lệnh và đang dư mua trần vài trăm nghìn đơn vị. Ngoài ra, TIP tăng 5%, SZL tăng 4%, GVR tăng 2,6%, KBC tăng 2,1%...
Mặc dù thị trường chưa lấy lại được sắc xanh nhưng lực cầu khá sôi động đã giúp VN-Index thu hẹp biên độ giảm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 117 mã tăng và 361 mã giảm, VN-Index giảm 1 điểm (-0,09%), xuống 1.100,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch xấp xỉ phiên sáng cuối tuần trước ngày 17/11, đạt 418,17 triệu đơn vị; giá trị tương ứng đạt 8.043,7 tỷ đồng, tăng 2,66% so với phiên sáng trước đó. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 35,62 triệu đơn vị, giá trị 600,5 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng cân bằng hơn khi có 12 mã tăng và 16 mã giảm, chốt phiên nhóm này chỉ còn giảm hơn 3 điểm. Trong đó, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp GVR vẫn dẫn đầu xu hướng tăng khi chốt phiên tăng 2,8% lên mức 20.000 đồng/CP.
Ngoài ra, các mã lớn khác như PLX, VCB, VPB, SSI, MSN, BID, VHM, VIC cũng đều khởi sắc khi tạm dừng phiên sáng, với VCB vẫn đóng góp lớn nhất là 0,7 điểm cho chỉ số chung.
Trái lại, cặp đôi ngân hàng là SSB và TCB lại có mức giảm mạnh nhất nhóm cổ phiếu này, đồng thời cũng là gánh nặng lớn nhất khi lấy đi trên dưới 0,4 điểm của chỉ số chung.
Xét về nhóm ngành, mặc dù giao dịch phân hóa nhưng nhờ sắc xanh ở các mã lớn hơn trong ngành như VND, VCI, SSI, FTS, CTS, BSI nên nhóm cổ phiếu chứng khoán đã khởi sắc trở lại và thuộc top 3 nhóm ngành tăng tốt nhất thị trường.
Trong đó, cặp đôi VIX và VND chốt phiên tăng nhẹ trên dưới 0,5% với khối lượng khớp lệnh thuộc nhóm dẫn đầu thị trường, lần lượt đạt 23,37 triệu đơn vị và 12,97 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn giảm nhẹ nhờ cặp đôi lớn VCB và BID chốt phiên tăng nhẹ, ngoài ra các mã VPB, LPB, TPB cũng giao dịch khởi sắc.
Nhóm bất động sản khu công nghiệp tiếp tục nới rộng đà tăng. Bên cạnh SZC giữ vững đà tăng trần, các mã khác như TIP tăng 6,7%, SZL tăng 3,7%, KBC tăng 2,4%...
Trên sàn HNX, lực cầu gia tăng về cuối phiên đã giúp thị trường đảo chiều thành công với công lớn thuộc về nhóm HNX30.
Chốt phiên, sàn HNX có 48 mã tăng và 96 mã giảm, HNX-Index tăng 0,37 điểm (+0,17%) lên 226,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 45,11 triệu đơn vị, giá trị 910,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,9 triệu đơn vị, giá trị 60,17 tỷ đồng.
Cổ phiếu trong nhóm bất động sản khu công nghiệp là IDC cũng khởi sắc khi chốt phiên tăng 2,8% lên mức 50.800 đồng/CP, cùng thanh khoản đứng thứ 3 thị trường với 3,45 triệu đơn vị khớp lệnh.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu chứng khoán cũng có diễn biến tích cực về cuối phiên, với SHS chốt phiên tăng 1,1% lên 17.600 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với 16,13 triệu đơn vị khớp lệnh; MBS tăng 1% và khớp 3,37 triệu đơn vị, APS lấy lại mốc tham chiếu…
Trên UPCoM, sau kịp bật hồi không thành công vào giữa phiên, thị trường đã có chút nới nhẹ đà giảm.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,37 điểm (-0,43%), xuống 85,65 điểm với 134 mã tăng và 95 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,44 triệu đơn vị, giá trị 167,49 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ hơn 2,2 tỷ đồng.
Top 3 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường đều mất điểm. Trong đó, BSR chốt phiên giảm 1,1% xuống 18.600 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 2,42 triệu đơn vị.
Tiếp theo là C4G và SBS cùng đạt khối lượng giao dịch hơn 1 triệu đơn vị, chốt phiên lần lượt giảm 2,5% và1,4%.