Giao dịch chứng khoán sáng 20/3: Thị trường lại chìm trong sắc đỏ, VN-Index về sát mốc 1.030 điểm
Áp lực bán gia tăng trên diện rộng và với gánh nặng lớn từ nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến thị trường nới rộng đà giảm, chỉ số VN-Index lùi về sát mốc 1.030 điểm.
Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch với nhiều thông tin tốt xấu ở cả trong nước và thế giới. Cụ thể, liên tiếp những cú sụp đổ của các ngân hàng nước Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán toàn cầu và trong nước cũng phần nào cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam không phản ứng quá tiêu cực là nhờ có thông tin hỗ trợ khá tích cực từ việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất.
Giới chuyên gia đánh giá, động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN là tích cực đối với thị trường chứng khoán, nhưng tác động trong ngắn hạn là chưa lớn và cần có thời gian để lan tỏa tới các ngành nghề và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên đồ thị tuần, chỉ số VN-Index vẫn đang bám sát và nằm trên đường trung bình động MA20 và kết tuần tạo mẫu hình nến doji thể hiện sự lưỡng lự trong tâm lý nhà đầu tư quanh vùng 1.030 – 1.050 điểm. Chỉ báo DI+ ở khung đồ thị tuần cũng chưa cho tín hiệu về xu hướng mới, cho thấy khả năng lớn hơn VN-Index vẫn tiếp tục có xu hướng phân hóa tăng điểm hướng lên các vùng điểm số cao hơn.
Theo ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank, xu hướng thị trường trong tuần mới sẽ vẫn nằm trong trạng thái giằng co là chủ đạo, nhưng nên quan sát kỹ những diễn biến đang rất khó lường từ thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là cuộc họp FED vào giữa tuần.
Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng đầu tuần 20/3, tâm lý nhà đầu tư thận trọng khiến thị trường giao dịch vẫn ảm đạm. Nhóm cổ phiếu bluechip là gánh nặng chính khiến VN-Index mở cửa tiếp tục trong trạng thái giảm nhẹ.
Sau khoảng 1 giờ giao dịch, bên cạnh chỉ số VN-Index giảm điểm và dao động quanh vùng giá 1.040 điểm, thanh khoản thị trường ở mức khá thấp, chỉ hơn 1.500 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Trong rổ VN30, chỉ còn 4-5 mã giữ được sắc xanh với mức tăng chỉ trên dưới 1%, còn số mã giảm chiếm áp đảo. Đáng chú ý, cổ phiếu bốc đầu tăng vọt trong phiên cuối tuần trước là VJC đã nhanh chóng quay đầu trong phiên sáng nay và hiện đang là mã giảm sâu nhất của nhóm bluechip với mức giảm gần 3%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu trụ cột chính là ngân hàng vẫn khá yếu khi chỉ có duy nhất MBB và VIB tăng nhẹ hơn 0,5%, còn lại đều giảm trên dưới 1%, ngoại trừ HDB giảm mạnh nhất khi mất 2,7%.
Điểm sáng thị trường đang thuộc về các cổ phiếu đầu tư công với nhiều mã ngược dòng tích cực, như CII có thời điểm gần chạm trần và hiện đang tăng 4,3% cùng thanh khoản sôi động với hơn 4,15 triệu đơn vị khớp lệnh; LCG tăng 2$; KSB tăng 4,2%, HHV tăng 1,5%, FCN tăng gần 1%...
Trong khi lực không mấy cải thiện, áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, đặc biệt là gánh nặng từ nhóm bluechip đã đẩy VN-Index về sát mốc 1.030 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 68 mã tăng và 292 mã giảm, VN-Index giảm 13,95 điểm (-1,33%), xuống 1.031,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 216,18 triệu đơn vị, giá trị 3.638,92 tỷ đồng, tăng 22,83% về khối lượng và 14,84% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 17/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 17,93 triệu đơn vị, giá trị 380,81 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tiếp tục gia tăng sức ép khi chỉ còn 2 mã là VHM và PLX ngược dòng thành công khi chốt phiên tăng nhẹ hơn 1% cùng VIB đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm.
Trong đó, các mã giảm sâu là HDB, VJC, VRE, MSN, PDR, TPB, MWG, VIC, SSI hơn hơn 2-4%.
Xét về nhóm ngành, chỉ còn vài ba nhóm nhỏ lẻ giữ được sắc xanh nhạt như sản xuất phụ trợ; bán buôn; sản xuất thiết bị, máy móc.
Trái lại, 2 nhóm trụ cột chính là ngân hàng và chứng khoán hầu hết đều phủ đỏ. Trong đó, ở dòng bank chỉ còn duy nhất VIB giữ mốc tham chiếu, còn lại nới rộng đà giảm điểm với bộ 3 lớn gồm VCB, BID và CTG đều giảm hơn 1%; HDB vẫn giảm sâu nhất ngành khi để mất hơn 4%; ngoài ra STB, TPB đều giảm hơn 2%...
Ở nhóm chứng khoán, một số mã như CTS, FTS, TVS may mắn xanh nhạt, còn lại đều giật lùi như VND giảm 2,3%, SSI giảm 2,2%, VCI giảm 2,4%, VIX giảm 3,3%, ORS giảm 2,8%... Trong đó, VND và SSI là 2 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 9,66 triệu đơn vị và hơn 9 triệu đơn vị.
Ở nhóm thép, sau tín hiệu le lói sắc xanh đầu phiên thì HPG cũng không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh nhẹ trước áp lực bán gia tăng và thanh khoản vẫn sôi động nhất ngành, đạt 8,16 triệu đơn vị. Còn HSG và NKG cũng trong trạng thái giảm nhẹ.
Nhóm cổ phiếu ngược dòng thị trường khởi sắc đầu phiên là đầu tư công cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của thị trường chung với LCG và HHV chỉ còn nhích nhẹ, FCN về mốc tham chiếu, VCG đảo chiều giảm 0,7%... Tuy nhiên, CII vẫn khởi sắc khi chốt phiên tăng 4,3% lên mức 14.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 6,64 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên cũng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và HNX-Index nới rộng đà giảm sau nhịp rung lắc nhẹ đầu phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 39 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index giảm 1,38 điểm (-0,68%) xuống 203,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 24,47 triệu đơn vị, giá trị 356,98 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể chỉ 784 triệu đồng.
Chỉ có 3 mã có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị nhưng giao dịch đều không mấy tích cực. Trong đó, SHS dẫn đầu khi khớp lệnh hơn 4,87 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 2,3% xuống mức 8.600 đồng/CP.
Tiếp theo là CEO khớp 2,81 triệu đơn vị, chốt phiên đứng giá tham chiếu 20.500 đồng/CP và PVS khớp 2,88 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 2,8% xuống 24.700 đồng/CP.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu khác trong rổ HNX30 cũng giao dịch không mấy tích cực như TNG giảm 1,7%, HUT giảm 1,9%, PVC giảm 1,4%...
Thị trường UPCoM cũng không nằm ngoài xu hướng giảm chung. Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,3%) xuống 76,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 11,6 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 113,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,93 triệu đơn vị, giá trị 10,07 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn có giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 2,56 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng chốt phiên giảm 2,5% xuống mức 15.400 đồng/CP.
Đáng chú ý là cổ phiếu nhỏ BOT bất ngờ giao dịch tăng vọt, đạt 1,61 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 4% lên mức 2.600 đồng/CP.