Giao dịch chứng khoán sáng 23/9: Áp lực bán gia tăng, thị trường đảo chiều giảm

Trong khi lực cầu tỏ ra thận trọng hơn khi thị trường đã trải qua 4 phiên tăng liên tiếp, áp lực bán đang có dấu hiệu gia tăng đã khiến VN-Index đảo chiều giảm. Nhóm bank - chứng - thép vẫn là tâm điểm hút dòng tiền.

Thị trường đã có tuần tăng điểm khá ấn tượng khi nhanh chóng lấy lại gần như toàn bộ mức giảm trong 3 tuần trước đó, đi kèm với dòng tiền tham gia sôi động. Chỉ số VN-Index đang bám sát đường MA20 quanh vùng điểm 1.270 điểm và đang có dấu hiệu chững lại trong phiên cuối tuần ngày 20/9 khi áp lực bán có dấu hiệu gia tăng.

Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích CTCK Agribank (Agriseco), việc thị trường hồi phục trong 4 phiên liên tiếp khiến tâm lý nhà đầu tư e ngại cũng là điều dễ hiểu, đặc biệt khi chỉ số đang tiệm cận vùng kháng cự nhạy cảm 1.295 – 1.300 điểm.

Đây là lần thứ 5 trong năm chỉ số nỗ lực bứt phá khỏi vùng kháng cự trên, bởi vậy, ông Khoa dự báo trong tuần cuối cùng tháng 9 này, chỉ số VN-Index có thể tiếp diễn xu hướng tăng với biên độ thấp, đan xen các nhịp rung lắc khi tiến tới vùng cản 1.300 điểm.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 23/9, chỉ số VN-Index tiếp đà tăng nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bluechip. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư khá thận trọng khi đây là phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp của thị trường nên VN-Index khó bật cao.

Chỉ số VN-Index sớm trở lại trạng thái giằng co khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục và sắc đỏ đang có phần chiếm ưu thế hơn trên bảng điện tử do áp lực bán luôn thường trực. Các cổ phiếu bank - chứng - thép vẫn là tâm điểm giao dịch của thị trường nhưng diễn biến giá cũng chỉ lình xình quanh mốc tham chiếu.

Hiện MBB là mã có khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường với hơn 10 triệu đơn vị khớp lệnh và đang tăng hơn 1%; các mã giao dịch sôi động tiếp theo là SSI, TPB, VPB, HPG, ACB tăng nhẹ trên dưới 1%.

Thị trường duy trì trạng thái giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu khi áp lực bán vẫn chiếm ưu thế. Thanh khoản thị trường giảm mạnh do tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn sau 4 phiên tăng liên tiếp.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 136 mã tăng và 235 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 0,68 điểm (-0,05%) xuống 1.271,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 268,72 triệu đơn vị, giá trị hơn 5.911 tỷ đồng, giảm 42,2% về khối lượng và 46,28% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 20/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 46,85 triệu đơn vị, giá trị 703,96 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng kém tích cực khi chốt phiên giảm nhẹ gần 1 điểm, với 12 mã tăng và 17 mã giảm. Trong đó, SSB đảo chiều giảm sâu nhất trong rổ này với mức giảm 2,1%, tiếp theo là VRE, PLX và MWG giảm hơn 1%, còn lại chỉ giảm nhẹ.

Ngược lại, cổ phiếu ngân hàng TPB dù thu hẹp biên độ nhưng vẫn là mã tăng tốt nhất nhóm bluechip, chốt phiên tăng 1,3%; trong khi đóng góp lớn nhất cho thị trường là “anh cả” của ngành – VCB, chốt phiên tăng 0,9% và đóng góp gần 1,1 điểm cho chỉ số chung.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, trong khi mã nhỏ SVD tăng kịch trần thì AGM lại bị bán tháo và chốt phiên giảm kịch sàn với mức dư bán sàn hơn 0,3 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, các nhóm cùng chung xu hướng của thị trường khi biến động tăng giảm trong biên độ hẹp. Trong đó, các cổ phiếu bank – chứng – thép vẫn là tâm điểm của thị trường, với cổ phiếu MBB và SSI cùng chốt phiên tăng 1%, thanh khoản lần lượt đạt 11,94 triệu đơn vị và hơn 10,8 triệu đơn vị.

Các mã tiếp theo là TPB, HPG, VPB, VCG, ACB, VIX cũng chỉ tăng giảm trên dưới 1% với khối lượng khớp lệnh trong khoảng 5-9 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau thời gian ngắn đầu phiên tăng nhẹ, thị trường đã đảo chiều giảm khi áp lực bán gia tăng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 52 mã tăng và 89 mã giảm, HNX-Index giảm 0,7 điểm (-0,3%) xuống 233,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 20,73 triệu đơn vị, giá trị 390,46 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,16 triệu đơn vị, giá trị 6,79 tỷ đồng.

Toàn thị trường chỉ có 3 mã có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị. Trong đó, SHS vẫn sôi động nhất khi khớp 3,63 triệu đơn vị, chốt phiên giảm nhẹ 0,7%; còn MBS khớp 2,96 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 1,8% lên mức 28.900 đồng/CP; DL1 có thanh khoản đạt 1,75 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 1,3%.

Ngoài ra, trong nhóm HNX30, cổ phiếu LAS khá tích cực khi chốt phiên tăng 1,7% và khớp 0,73 triệu đơn vị.

Điểm sáng là mã nhỏ DST tăng kịch trần với khối lượng dư mua trần hơn 0,15 triệu đơn vị và khớp lệnh gần nửa triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng không tránh khỏi áp lực điều chỉnh giảm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,36%) xuống 93,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 12,76 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 197 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,44 triệu đơn vị, giá trị 2,21 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR duy nhất có giao dịch 1,72 triệu đơn vị, còn lại các mã đều có thanh khoản chưa tới 1 triệu đơn vị. Chốt phiên BSR tăng nhẹ 0,4% lên mức 23.900 đồng/CP.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-sang-239-ap-luc-ban-gia-tang-thi-truong-dao-chieu-giam-post354396.html